Phụ nữ Trung Quốc có lông mày và đôi mắt nhẹ nhàng nên thường được các nghệ sĩ ưa chuộng từ xưa. Trước khi trở thành ngôi sao, Châu Tấn đã trở thành người mẫu ảnh lịch do họa sĩ Phan Hồng Hải vẽ. Theo quan điểm của Phan Hồng Hải, Châu Tấn là một cô gái rất ngoan ngoãn, rất dịu dàng và đáng yêu. Làm người mẫu phải giữ nguyên tư thế trong thời gian dài, tay chân tê mỏi, nhưng cô cũng không kêu mệt. Vào những ngày nghỉ, cô cũng giúp các nhân viên khác pha trà và phát nước đóng chai. Họa sĩ nổi tiếng này đã nhận định rằng cô sẽ trở thành một ngôi sao nổi tiếng trong tương lai.
Châu Tấn sinh ra ở Cù Châu, Chiết Giang vào năm 1974. Cô bén duyên với lĩnh vực điện ảnh ngay từ khi mới sinh ra. Cha cô là một nhân viên ở rạp chiếu phim nên cô đã theo cha đến rạp từ năm 3 tuổi. Các rạp chiếu phim hàng ngày chiếu nhiều thể loại phim khác nhau. Châu Tấn xem quá nhiều và dần dần có hứng thú xuất hiện trên màn ảnh.
Châu Tấn đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng cô không thích đọc sách và chưa bao giờ đọc nhiều ở nhà. Khi đi học, cô còn thi kém trong các kỳ thi văn hóa nên khiến mẹ cô lo lắng. Nhưng nhờ năng khiếu về nghệ thuật rất tốt nên cô vẫn dễ dàng đậu vào trường nghệ thuật Chiết Giang bằng một đoạn múa dân gian.
Năm 1989, Châu Tấn đến trường Nghệ thuật Chiết Giang và bắt đầu cuộc sống tự do. Vì ngoại hình xinh đẹp nên cô nhận lời đi chụp ảnh lịch để bàn và làm người mẫu cho học sinh trong lớp vẽ tranh. Năm 1992, Châu Tấn đã 18 tuổi và có cơ hội trở thành người mẫu của họa sĩ nổi tiếng Phan Hồng Hải.
Phan Hồng Hải sinh năm 1942 tại Thượng Hải. Ông bị mê hoặc bởi nghệ thuật và hội họa khi học ở Giang Tô và đã được nhận vào Khoa tranh sơn dầu của Học viện Mỹ thuật Chiết Giang. Năm 1985, ông sang Hoa Kỳ để nghiên cứu sau đại học. Trong thời gian du học tại Mỹ, ông đã được chiêm ngưỡng những kiệt tác của hàng ngàn bậc thầy thế giới. Ông nhận ra một sự thật rằng một họa sĩ thành công phải vẽ chủ đề mà mình biết rõ nhất. Bởi cả con người ông thấm nhuần văn hóa và lịch sử vùng Giang Nam nên ông quyết định đi tìm những người phụ nữ đậm chất Giang Nam để vẽ tranh.
Phan Hồng Hải trở về Giang Nam đã lâu nhưng ông vẫn chưa tìm được mẫu phụ nữ ưng ý. Một ngày nọ, trường Nghệ thuật Chiết Giang mời ông đến giảng dạy. Sau bài phát biểu, ông đã nhìn quanh hội trường một lượt và vô tình nhìn thấy khuôn mặt trẻ trung của Châu Tấn. Chính khoảnh khắc đó ông đã nhận ra Châu Tấn là người phụ nữ Giang Nam mà ông đang tìm kiếm. Vì vậy ông đã mời Châu Tấn làm người mẫu cho mình và các sinh viên mỹ thuật. Châu Tấn cũng không bỏ lỡ cơ hội được hợp tác với họa sĩ nổi tiếng như Phan Hồng Hải.
Phan Hồng Hải đã vẽ 26 bức tranh màu nước để lột tả khí chất người phụ nữ Giang Nam điển hình của Châu Tấn. Châu Tấn tràn đầy năng lượng trong từng bức tranh, từ mỉm cười, đến nằm phơi nắng trên cỏ hay nhắm mắt thư giãn. Họa sĩ Phan Hồng Hải rất hài lòng với những bức tranh này và giúp Châu Tấn lưu lại khoảnh khắc thiếu nữ của cô.
Năm 1993, Châu Tấn đến Bắc Kinh và cuộc đời của cô thay đổi từ lúc đó. Năm 1995, đạo diễn nổi tiếng Trần Khải Ca đã mời cô tham gia "Phong nguyệt". Ban đầu ông muốn cô đóng vai chính, nhưng sau đó cân nhắc lại nên đã giao vai chính cho Củng Lợi còn Châu Tấn vào vai Tiểu ca nữ.
Mặc dù Châu Tấn lúc này chưa nổi tiếng nhưng Trần Khải Ca vẫn chọn cô vì nhớ đến những màn trình diễn xuất sắc trước đó của cô. Sau đó, Lý Thiếu Hồng, đạo diễn phim "Thái Bình công chúa", cũng tìm đến Châu Tấn để mời về đóng phim. Nhìn Châu Tấn thể hiện vai tiểu công chúa Thái Bình, bà cảm thấy nhan sắc xinh đẹp của Châu Tấn rất thích hợp cho nhân vật này chứ không phải bất kỳ ai khác. Nhờ sự công nhận của Lý Thiếu Hồng và Trần Khải Ca mà Châu Tấn được nhiều người hâm mộ đến tận ngày hôm nay.
Với sự nổi tiếng của Châu Tấn, 26 bức tranh của cô do Phan Hồng Hải vẽ đã được đem ra thảo luận sôi nổi. Những bức tranh này không những là tác phẩm do họa sĩ nổi tiếng vẽ, mà còn vẽ một đại hoa đán là Châu Tấn. Cả hai người họ đã làm tăng gấp đôi giá trị của tranh. Một bức tranh có tên "Phong cách cổ đại" đã được định giá 800.000 nhân dân tệ (gần 3 tỷ đồng), riêng bức tranh "Cô gái trong ánh mặt trời" có giá trị lên tới 1,84 triệu nhân dân tệ (hơn 6 tỷ đồng). Vào thời điểm đó, không ai, kể cả Châu Tấn, có thể ngờ được là những bức tranh này có thể có giá trị tới hàng triệu nhân dân tệ như vậy.
Nhật Linh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)