Nói một đường, làm một nẻo
Nhiều sô diễn đành phải chịu cảnh “lừa” khán giả bởi dù đã đăng tên tuổi người đẹp nhưng cuối cùng họ vẫn không xuất hiện. Nguyên nhân không phải vì họ bận thi cử, việc gia đình (như lời xin lỗi) mà là vì đột xuất đi chơi cùng “người ấy”, hay “người yêu nhất định không cho diễn sô này”... Có cô sau khi nhận sô được một đơn vị khác trả cát sê cao hơn đã viện ra đủ lý do để có thể từ chối mà quen thuộc nhất là cáo bệnh hay người thân trong gia đình lâm bệnh nặng. Nhiều lúc quá bực tức, một số ông bầu đã tuyên bố tẩy chay luôn người đẹp trong tất cả các sô diễn.
Chuyện “hậu trường” của người đẹp Vietnam’s Next Top Model
tốn nhiều giấy mực của báo giới - Ảnh: K.N
Ví dụ, cô hoa hậu H. đã khiến cả ê kíp một tờ báo lớn tức giận bỏ về vì không giữ đúng lời hứa. Ban đầu, có người tưởng vì chuyện học tập hoặc sức khỏe không tốt nên cô không thể đến chụp ảnh bìa như đã hẹn trước. Nhưng khi tìm hiểu thì được biết cô bận đi chơi cùng người yêu nên không tham gia.
Công ty người mẫu chuyên nghiệp P.L đã từng gặp nhiều trường hợp người mẫu N., T., M... đến phút chót bỏ sô khiến công ty bị ảnh hưởng lớn. Đơn giản bởi có chỗ khác trả cát sê cao hơn. Sự vô tổ chức của một số người đã đẩy bầu sô vào trường hợp bị đối tác hủy hợp đồng, bị trừ tiền vì thiếu người mẫu và nhiều hệ lụy khác, đặc biệt là uy tín.
Nói về tiền cát sê còn phải nhắc đến chuyện làm giá vô lý của không ít người đẹp. H.N chỉ là người mẫu hạng C vừa được biết đến đã yêu cầu 1.000 USD cho một buổi tham dự sự kiện, nếu không trả đủ thì nhà tổ chức sẽ khó thực hiện được chương trình vì cô quen thân với “ông chủ” nhãn hiệu.
Thực tế, chuyện người đẹp được một vài “đại gia” có tiếng trong làng “bảo kê” ra sức ép giá đã làm nhiều ông bầu bức xúc. Nếu như không chấp nhận thì bầu sô coi như không đáp ứng yêu cầu. Bằng ngược lại thì cảm thấy quá bất công với các người đẹp khác (chỉ được trả từ 3 - 5 triệu đồng). Biết vậy nhưng không ít ông bầu vẫn phải cắn răng gật đầu.
Anh M.Nam, Giám đốc một công ty tổ chức sự kiện tại Q.1, TP.HCM bực tức: “Nói thật là bây giờ tôi rất sợ dính vào người mẫu bởi có quá nhiều lý do vừa nhạy cảm, vừa tế nhị. Nếu nói ra “huỵch toẹt” hết thì mọi người sẽ bảo mình tiểu nhân. Nhưng càng im lặng thì các cô càng thiếu chuyên nghiệp, càng ghê gớm. Cát sê bây giờ không còn quan trọng bằng các buổi tiệc tùng cùng đại gia. Vì thế có người sẵn sàng bỏ sô này để chạy qua sô khác miễn là có nhiều tiền hơn. Nhiều lúc tức không chịu nổi nhưng chẳng biết làm sao”.
Chỉ vì một chỗ đứng
Nói về sự nhiễu nhương của một số người mẫu trẻ, Tạ Nguyên Phúc (Giám đốc điều hành Công ty P.L) nói thêm: “Ngày xưa dù kiếm tiền ít nhưng các cô đến với nghề vì đam mê. Bây giờ quá nhiều sự bon chen, đố kỵ nên mọi thứ phức tạp hơn. Chuyện yêu đương, tranh giành vị trí dẫn đến chửi nhau rồi không nhìn mặt nhau cứ diễn ra. Ngày trước người mẫu hiếm có người làm giá, bây giờ không tên tuổi cũng ra giá khiến chúng tôi cảm thấy mệt mỏi. Có lúc tôi đành phải bỏ tên các cô ra trong nhiều chương trình. Việc này nói ra tưởng nhỏ nhặt nhưng nhiều chuyện nhỏ gộp lại trong một sô diễn lớn sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều. Vì sự nhũng nhiễu này mà hiện tại tôi chỉ nhận lời làm vài chương trình lớn”.
Ban tổ chức và nhà thiết kế từng phải... dẹp loạn người đẹp
sau hậu trường - Ảnh: K.N
Câu chuyện tranh nhau chỗ đứng “vơ đét” (vedette) tưởng chừng đơn giản cũng làm không ít người quản lý đứng ngồi không yên. Khổ hơn, nếu không sắp xếp vị trí “vơ đét” thì có cô sẵn sàng hủy sô vào giờ chót hoặc căng hơn là tự ý chiếm ngay vị trí đẹp nhất của đồng nghiệp ngay trên sân khấu lúc đang biểu diễn.
Khán giả nhìn vào cứ tưởng đó là đội hình đã sắp sẵn, nhưng với nhà thiết kế hay người quản lý thì đó là việc làm gây rối không thể chấp nhận được. Bởi tranh giành vị trí có thể ảnh hưởng đến ý tưởng của những bộ trang phục đã được sắp sẵn theo chủ đích, ảnh hưởng đến cả tuyến đi chung của những người mẫu khác tham gia chương trình.
Một câu chuyện khác cần phải lên án là sự câu giờ của rất nhiều người đẹp. Mặc dù đã dùng hết lời vừa tỉ tê, vừa cương quyết mong các cô giữ đúng thời gian như đã luyện tập, thế nhưng do muốn được khán giả “ngắm” lâu, chú ý đến mình nên các cô cứ “độc diễn” trước sự bực tức của ê kíp. Một số chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp hay ca sĩ hát cho người mẫu minh họa đã không ít lần “chết đứng” cũng bởi sự câu giờ quá đáng của các người đẹp. Chưa nói đến việc tranh nhau những chiếc áo đẹp, ấn tượng. Vì chuyện quần quần, áo áo mà các cô cãi nhau inh ỏi rối loạn cả hậu đài. Ban tổ chức, nhà thiết kế rất nhiều lần phải đứng ra giải quyết chuyện giành giật quần áo của các cô.
Sự thiếu chuyên nghiệp của giới người mẫu được bộc lộ qua hành vi, thái độ ứng xử trong lúc làm việc. Tôn trọng nghề nghiệp đang theo đuổi dường như đang là khái niệm ngày một xa vời đối với những cô gái xem nghề này như bước đệm nhằm đạt được nhiều mục đích khác.
Thanh Niên