Chọn đường hẹp, thậm chí mở đường mà đi - Hà tự rạch ròi với những sản phẩm của mình: album mới không phải chỉ là bán đĩa mà phải gây ảnh hưởng! Bởi thế, mỗi khi diva trẻ tuổi nhất xuất hiện trở lại, nhạc Việt dù đang trong cơn ủ ê dài ngày, vẫn dậy lên những vòng sóng phấn khích.
Chị rời Việt Nam đã gần 10 năm nhưng đến giờ thị trường và các sản phẩm chính của Trần Thu Hà vẫn hướng về khán giả trong nước (trường hợp duy nhất chăng?). Chị cố gắng bảo toàn điều này hay ở thế đành chấp nhận?
- Do đặc thù âm nhạc, lượng fans base (khán giả nòng cốt) của tôi chủ yếu ở trong nước. Tôi không gặp trở ngại hay bế tắc ở hải ngoại với fans của mình. Tôi có thể làm những album riêng phù hợp với nhu cầu của thị trường hải ngoại vẫn trên tinh thần âm nhạc của tôi, nhưng tôi chưa muốn, dù tôi biết chắc chắn đi con đường đó tôi không những thành công hơn nhiều ở hải ngoại mà cả trong nước nữa.
Ví dụ những album như Hà Trần 9803 dễ làm, dễ nghe và bán chạy cả ở hai thị trường, nhưng với tôi lại không phải là một thách thức. Thực tế là gu thưởng thức nhạc ở hai thị trường rất khác nhau, khán giả hải ngoại hướng về hoài niệm quá khứ hoặc đề cao tính giải trí, trong khi khán giả trong nước nhiều gu thưởng thức khác nhau hơn. Quan trọng là tôi thấy trong nước có lượng công chúng đông đảo với nhu cầu khám phá cái mới, họ đồng điệu với tinh thần âm nhạc của mình.
Làm sao để sáng tạo theo đúng cách mình lựa chọn là áp lực không nhỏ với các nghệ sĩ theo tinh thần độc lập. Chị có bị phân vân bởi sự vồ vập hay lạnh nhạt của công chúng? Trong các dự án của mình, điều chi phối mạnh mẽ nhất và khiến chị lo lắng là gì?
- Đứng trước mỗi dự án, tôi luôn có những lo lắng khác nhau, tùy tính chất của dự án đó. Trong tình trạng bão hòa hiện nay, gánh lo âu và lúng túng xuất hiện ở tất cả các mảng thị trường và không với riêng ai. Theo tôi, mỗi người vẫn phải làm việc tiếp tục, và phát triển bản thân, góp gió thành bão... Với âm nhạc, trước hết tôi luôn làm cho chính mình, vì niềm tin của mình - nên ít bị tác động từ bên ngoài, dù tôi rất trân trọng những ý kiến phản hồi của người nghe.
Đối thoại 06 ra đời cũng đã gần 5 năm, các album sau này như album Tình ca qua thế kỷ hay Trần Tiến giống sản phẩm hợp tuyển hơn là dự án mới theo quan điểm có phần cực đoan của chị. Vì sao một người dồi dào năng lượng như chị lại phải “dè sẻn” mình như thế?
- Thú thực là có một khoảng lặng vì tôi không hứng thú làm việc trước sự bão hòa và hỗn loạn của thị trường âm nhạc. Sau đó, tôi tự thấy những hỗn loạn ấy, xét cho cùng chẳng liên quan đến mình. Còn thứ để nói, còn cái để làm thì tôi cứ làm thôi.
Nếu bảo tôi không làm gì thì cũng không đúng, chính xác hơn là tôi không xuất bản, vì sau album Trần Tiến, ba năm nay tôi vẫn âm thầm làm đĩa Vi sinh, Mầm hạt và tập thơ Thập kỷ yêu. Cả ba sản phẩm này sẽ đồng loạt ra mắt trong dịp về nước lần này của tôi.
Nhìn ở khía cạnh khác thì chính công chúng chính thống của âm nhạc thời gian qua đã bị bội bạc. Họ không tìm được gì tử tế để nghe, trong khi những người làm nghề tiên phong chỉ ngồi đó chê trách, những cá tính có khả năng truyền lửa thì chỉ im lìm, chí thú với tư gia. Chị nghĩ gì về điều đó?
- Tôi thấy khoảng lặng vừa qua của nhạc Việt là quãng thời gian mệt mỏi. Có người, như chị nói, ngồi đó chê trách, không làm gì cả. Những cá nhân có khả năng thì hoặc chán nản, hoặc mất tự tin khi những sản phẩm của họ không được chào đón nồng nhiệt, trong khi tác động từ các sản phẩm bình dân khác lại rầm rộ. Mà làm nghệ thuật chính thống thì trăm lần cực nhọc hơn bán đại trà chứ. Tôi cũng rơi vào một trạng thái chán như thế nhiều năm, nhưng tôi không thích ngồi đó ý kiến ý cò. Tôi quan niệm, làm được hẵng nói, không thì hãy im lặng.
Tôi nghĩ hẳn không tình cờ khi chị chọn cách công bố một lúc cả “chùm” dự án mới. Những sản phẩm này, về ý tưởng có kết nối gì với nhau?
- Cả ba sản phẩm đều nằm trong một ý nghĩa chung. Vi sinh là cái lõi máu thịt trong một hình thức điện tử, đó là câu hỏi về con người (phần hữu cơ, các kết cấu cơ bản) trong thế giới của máy tính, của cơ khí, điện tử, giữa khô lạnh của thế giới hiện đại. Đĩa dùng âm thanh chát chúa của điện tử làm phương tiện để chuyển tải cái thần hồn của người.
Mầm hạt lại là một đĩa electro country/blues, 14 bài hát trên nhạc phối hợp phần mềm với nhạc sống. Đây là câu chuyện về cuộc hành trình của một con người qua tất cả các rắc rối cá nhân và đời sống, gọt giũa điều chỉnh và cả hủy bỏ những đặc điểm di truyền, những phần chưa hoàn chỉnh để trưởng thành, và được tái sinh một lần nữa - khi mầm hạt ra đời cho chính cá nhân đó một đời sống mới, hoặc gieo xuống một mầm hạt của chính mình.
Thập kỷ yêu là một phần đời tuổi trẻ đã qua, ghi lại tất cả những phức tạp và đời sống nội tại của tôi trong quá trình vận động đến ngày hôm nay. Thập kỷ yêu mượn ái tình làm cách nói, không thuần túy chỉ là thơ tình như tên gọi của nó. Trong chữ yêu này hàm chứa tình yêu lớn với con người và đời sống. Cũng vậy, nhân vật “anh” trong các bài thơ của tôi chỉ là một sự làm vì để biểu hiện tôi suy nghĩ gì, thắc mắc gì, triết lý sống của tôi ra sao.
Tập thơ Thập kỷ yêu của ca sĩ Trần Thu Hà
“Ghi lại tất cả những phức tạp và đời sống nội tại của tôi trong quá trình vận động đến ngày hôm nay”. Vậy nhìn lại, chị thấy tuổi trẻ của mình thế nào?
- Đọc thơ sẽ thấy người, là buồn, sâu sắc và bén. Vì vậy, tuổi trẻ không suôn sẻ, không thể hồn nhiên như phần đông bạn đồng lứa nhưng sẽ đầy ắp những hành trình mà một người nhút nhát sẽ không bao giờ có được. Bởi thế, tôi tự trả lời được cho mình: tại sao những ngày đó, mình tuổi ít mà đã già dặn, có thể cảm và hiểu để bầu bạn với người thế hệ nhạc sĩ cha chú của mình, để có thể hát được âm nhạc của họ bằng cách như thế.
Phải chăng những cái “buồn, sâu sắc và bén” ấy là hệ quả của tuổi thơ khác thường và tổn thương (của một đứa bé sinh ra trong gia đình toàn những người nổi tiếng nhưng lại sớm mồ côi)? Chẳng ai lựa chọn số phận, nhưng giá như an nhàn và ấm áp hơn thì hẳn tốt cho một đứa con gái?
- Đã gọi là không được chọn lựa, thì vẫn phải sống và vươn lên thôi. Mình là một mầm hạt, không có vun trồng thì tự vun trồng chứ chẳng lẽ để mục ruỗng? An nhàn đối với tôi là nhạt nhẽo, biết đâu lại mệt hơn? Trước sau gì một con người cũng phải trải qua những thách thức thực tế, mà sự bảo bọc gia đình ấm áp quá sẽ càng làm vật cản lớn, sức ỳ lớn hơn thôi.
Chân dung “cô ấy” trong thơ có khác “cô ấy” trong âm nhạc?
- Tôi nghĩ thơ hay nhạc chỉ là phương thức biểu hiện khác nhau, nhưng vẫn là một người. Con người của tôi có nhiều góc cạnh, chỗ thì phô ra trong nhạc, chỗ để lại trong thơ. Thơ riêng tư hơn, vì là của mình viết về đời mình. Cảm giác tự viết nhạc thì cũng vậy nhưng lý thú hơn trăm lần.
Tôi tự thấy mình nữ tính hơn với cách biểu hiện trong thơ. Tính nữ của tôi, nếu đến giai đoạn nhất định nào đó mới bùng phát trong nhạc, thì ở thơ là ngay từ đầu. Âm nhạc cho tôi sự thú vị được sống qua cuộc đời nhiều người khác thì thơ là thú vị được khám phá chính đời sống nội tâm của mình.
Vậy vì sao đến giờ chị mới quyết định chia sẻ cái phần riêng tư đã cất kỹ hơn 10 năm ấy?
- Như đã nói, vì tôi thấy thơ quá riêng tư, nhiều khi chỉ nói cho một người. Đời sống trưởng thành, già dặn hơn thì mình đủ tự tin để biến cái “cho một người đó” thành ngôn ngữ cho nhiều người, ai cũng có thể thấy một góc của mình trong đó. Những quyết định của tôi là đúng thời điểm chứ không đốt cháy giai đoạn.
Giờ là lúc tôi muốn khép lại những công việc dang dở, những hành trang cũ của cuộc sống để hào hứng sang trang mới. Và, thơ trở thành món quà tặng cho người hâm mộ cả gần hai thập kỷ qua đã theo dõi Hà Trần, yêu mến và tôn trọng sự riêng tư của cô ấy.
Chị có dè dặt khi quyết định in sách? Vị trí của chị hoàn toàn không giống như một cây bút vô danh tên là Trần Thu Hà ra tập thơ đầu tiên?
- Tôi không dè dặt vì khi quyết định làm gì, tôi luôn có ý tưởng hình thành sản phẩm của Hà Trần. Thơ hay nhạc thì cũng là sản phẩm Hà Trần, mang thương hiệu Hà Trần. Tất cả các loại hình nghệ thuật chỉ là cái phương tiện để biểu hiện tư tưởng cá nhân của tôi. Tập thơ này tôi tự biên tập, chỉ nhờ nhà thơ Trân Sa ở hải ngoại giúp hiệu đính. Tôi thấy tin vào mình là tốt nhất, vì thơ quá riêng tư, các nhà thơ thường cực đoan kiểu của họ. Mình không là nhà gì cả thì cứ tin vào cảm xúc, câu chuyện của mình, và gọt giũa lại chữ nghĩa thôi.
Tôi luôn thấy, khi vừa kết thúc một dự án là chị đã hình dung rất rõ con đường cho dự án nối tiếp. Hoạch định các chặng đường mình cần đi, cần làm kiểu rất tỉnh táo và rạch ròi - đây mới là thế mạnh của Trần Thu Hà chứ không phải sự ngẫu hứng và cảm tính theo cách nghệ sĩ?
- Tự tôi không có lối suy nghĩ phân bì đó. Tôi thấy quan niệm nghệ sĩ phải mơ mộng, ngẫu hứng, cảm tính là kiểu suy nghĩ “hủ lậu” cần gạt bỏ. Bởi đã cảm tính, ngẫu hứng thì thường thiếu khoa học, thiếu sự quản lý - điều mà thế hệ nghệ sĩ ngày nay phải nắm bắt. Thêm nữa, nghệ thuật và khoa học rất gần nhau.
Album Hát ru được sản xuất khi chị đang chuẩn bị làm mẹ, hẳn đó là món quà chào đón thành viên mới của gia đình?
- Đúng vậy. Tôi nuôi con ở Mỹ nên băn khoăn lớn là làm sao để cháu gần gũi với cội rễ, với gia đình bên VN. Tôi làm đĩa cho con nghe, tạo một động lực để sau này cháu học tiếng Việt qua âm nhạc. Dự định album sẽ đặt tựa Hà Trần hát ru “9” - số 9 là 9 tháng, 9 bài ru.
Các bài hát ru trong album này do vợ chồng tôi tự viết, giống như những cuộc trò chuyện thương yêu với con của chúng tôi. Phụ nữ thường nhiều năng lượng trong thời gian mang thai, tôi muốn lưu lại kỷ niệm về cảm xúc hạnh phúc đặc biệt này trong những tháng ngày đợi chờ con ra đời.
Vợ chồng chị càng ngày càng giống một đôi bạn thân hơn là tình nhân - điều này thật đặc biệt. Anh chị chung nhau tính cách gì, bù đắp cho nhau điều gì?
- Tôi thấy mình rất may mắn có một quan hệ như thế với chồng. Chúng tôi cũng có khác biệt, nhưng là khác biệt bổ trợ. Trong mọi vấn đề, chúng tôi có tranh luận, nhưng cơ bản thì luôn đồng tình với nhau, luôn bổ sung ý kiến cho nhau. Tôi thấy làm việc với anh Bình trong âm nhạc rất dễ chịu, dù phong cách âm nhạc chúng tôi khác nhau.
Anh Bình hướng đến sự đơn giản, đằm và vững vàng, chắc chắn theo kiểu đàn ông. Tôi thì thích sự phức tạp, ngẫu hứng và biến báo đa chiều. Anh ấy giống như sợi dây diều nối tôi an toàn với mặt đất. Tôi thỏa sức bay bổng mà không phải lo mình có thể sẽ bị đứt dây, gãy cánh.
Phần không - âm - nhạc trong cuộc sống của chị là gì?
- Tôi không phù hợp với đám đông, tự thấy mình chẳng đủ phù phiếm và tính “say ánh đèn” cần có của người dính líu đến showbiz. Tôi chỉ thấy thoải mái với cuộc sống không bị lộ sáng, hạnh phúc là được sống đúng là mình nhất trong không gian ấm cúng, thân thuộc của gia đình và những người thân yêu.
Ngoài âm nhạc, cuộc sống của tôi là những ngày thường đơn giản và yên bình: chăm sóc nhà cửa, trồng cây, ở nhà đọc sách và nấu ăn. Thập kỷ yêu cũng là một trải nghiệm ngoài âm nhạc của tôi và còn nhiều bí mật khác nữa mà chính tôi cũng đang tiếp tục đào sâu vào bản thân. Để được sống vui vẻ, sảng khoái và tràn đầy năng lượng, tôi không hạn chế mình bất cứ điều gì.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! Chúc chị và em bé mạnh khỏe, bình an!
Báo Phụ nữ TPHCM