"Chưa bao giờ tôi thấy thị trường nghệ thuật nói chung và người mẫu ở Việt Nam nói riêng lại loạn và xuống cấp thế này. "Siêu mẫu" ở Việt Nam nhiều hơn người mẫu thường rất nhiều, có cảm giác ra đường là gặp "siêu mẫu". Có lẽ "siêu mẫu" trên khắp thế giới cộng lại vẫn còn ít hơn siêu mẫu ở Việt Nam", bà Thuý Nga - Giám đốc công ty quản lý người mẫu Elite Việt Nam nói.
Ra đường là gặp... "siêu mẫu"
- Theo định nghĩa tại Wikipedia, từ “siêu mẫu” dùng để chỉ những người mẫu thời trang cao cấp được trả lương cao, thường nổi danh trên khắp thế giới và thường có kinh nghiệm về thời trang cao cấp và làm người mẫu thương mại”. Nếu chiếu theo tiêu chuẩn trên, ở Việt Nam mấy người có thể được gọi là siêu mẫu?
- Nếu chiểu theo tiêu chuẩn trên thì chắc chắn ở Việt Nam không có ai được coi là siêu mẫu, bởi vì chưa có người mẫu Việt Nam nào nổi danh trên thế giới hết, chưa kể các tiêu chí khác cũng là một khái niệm còn khá xa lạ với hầu hết người mẫu Việt Nam.
Tuy nhiên chúng ta cũng nên giới hạn khái niệm siêu mẫu ở Việt Nam thôi. Siêu mẫu ở Việt Nam theo tôi cũng chỉ có thể có được 1, 2 người đạt được tiêu chí có kinh nghiệm về thời trang cao cấp và làm người mẫu thương mại, được trả lương cao và được khách hàng đánh giá cao sự chuyên nghiệp trong cách làm việc.
Bà Thuý Nga - Giám đốc công ty quản lý người mẫu Elite Việt Nam
- Nói như vậy thì Việt Nam không có nhiều người mẫu xứng tầm siêu mẫu. Nhưng hiện nay, danh xưng này được sử dụng khá phổ biến?
- Chưa bao giờ tôi thấy thị trường nghệ thuật nói chung và người mẫu ở Việt Nam nói riêng lại loạn và xuống cấp thế này. "Siêu mẫu" ở Việt Nam nhiều hơn người mẫu thường rất nhiều, có cảm giác ra đường là gặp siêu mẫu. Có lẽ "siêu mẫu" trên khắp thế giới cộng lại vẫn còn ít hơn "siêu mẫu" ở Việt Nam.
- Phải chăng người mẫu Việt và báo chí đang lạm dụng danh xưng này?
- Việc này tôi nghĩ là do lỗi của cả hai bên, nhưng đầu tiên phải nói đến việc tác nghiệp của các nhà báo. Không có cá nhân nào có thể bắt buộc nhà báo viết mình là siêu mẫu nếu như nhà báo đó không đồng ý. Có nhiều nhà báo thích sử dụng từ siêu mẫu có thể để cho bài viết của mình hấp dẫn hơn, hoặc là do sự cả nể trong lúc làm việc với nhau, hoặc do không tìm hiểu kỹ về đề tài mình viết dẫn đến hiểu nhầm các khái niệm.
Ngược lại nhiều người mẫu cũng quá ảo tưởng về bản thân mình, nhất là sau khi 1, 2 lần được báo chí ca tụng. Dần dần khái niệm siêu mẫu trở thành tầm thường, hầu như ai cũng có thể trở thành siêu mẫu được. Tôi nghĩ báo chí nên có cách thay đổi trong việc dùng từ để những siêu mẫu thật sự họ có sự tự hào về danh hiệu của họ và những người mẫu khác có động lực để phấn đấu.
- Hiện nay, nhiều người cho rằng cứ đoạt giải tại các cuộc thi Siêu mẫu là có thể gọi là siêu mẫu được rồi?
- Thực ra ở Việt Nam, thậm chí cả thế giới cũng chưa có cuộc thi nào là cuộc thi Siêu mẫu cả. Vì thi siêu mẫu phải là người mẫu có đẳng cấp thi với nhau, như vậy mới tìm được siêu mẫu đích thực.
Hiện nay trên thế giới chỉ có một cuộc thi tim kiếm người mẫu uy tín và lâu đời nhất là Elite Model Look. Nhưng đây cũng chỉ là cuộc thi tìm kiếm người mẫu chứ không phải siêu mẫu. Còn ở Việt Nam, các cuộc thi siêu mẫu lại có cả những người chưa từng làm người mẫu. Vậy làm sao có thể gọi là tìm siêu mẫu được?
- Vậy như thế nào thì được gọi là siêu mẫu?
- Siêu mẫu ở Việt Nam giống như diva ca nhạc vậy. Không có đơn vị hay tổ chức nào đặt ra tiêu chuẩn cho danh xưng siêu mẫu cả. Người được gọi là siêu mẫu phải khẳng định mình qua thời gian và được người trong giới cũng như khán giả thừa nhận.
- Vậy theo bà, ở Việt Nam mình hiện nay có ai xứng đáng được gọi là siêu mẫu?
- Ở Việt Nam, chỉ 2 người xứng đáng được gọi là siêu mẫu. Đó là Hà Anh và Thanh Hằng!
Chưa bao giờ thấy "bùng nổ" việc đi làm vòng 1 như bây giờ
- Mới đây cũng có bài báo cho rằng, ngay cả những người mẫu từng hoạt động ở nước ngoài Hà Anh và Nathan Lee, Tommy Trần cũng chưa thu được thành công gì ở xứ người?
- Tôi không bình luận về trường hợp của Nathan va Tommy Trần, riêng đối với Hà Anh thì chưa bao giờ tôi thấy Hà Anh lên báo nói rằng cô ấy nổi tiếng hay thành công ở xứ người, ngay cả trong những lúc nói chuyện riêng với nhau Hà Anh cũng chưa bao giờ nói như vậy.
Hà Anh là người mẫu có thái độ làm việc chuyên nghiệp nhất theo đánh giá của bà Thúy Nga.
Hà Anh là một người mẫu trong một công ty người mẫu của Anh, và cũng như bao người mẫu khác cô ấy có công việc ổn định tại Anh, và có những hợp đồng biểu diễn tại các nước khác. Điều mà tôi thấy Hà Anh có ưu thế hơn các người mẫu trong nước là Hà Anh đã được đào tạo và làm việc trong một môi trường rất chuyên nghiệp, vì thế chắc chắn Hà Anh học hỏi được rất nhiều điều mà người mẫu ở Việt Nam chưa có được điều kiện đó.
Làm việc với Hà Anh, cá nhân tôi và các khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài đều rất thoải mái và hài lòng. Không phải chỉ vì Hà Anh trao đổi thoải mái với họ bằng tiếng Anh, mà chính là thái độ làm việc chuyên nghiệp, thể hiện qua những việc rất cụ thể như có mặt đúng giờ, tuân thủ ý đồ, kịch bản của đạo diễn, thái độ lịch sự, thân thiện, có văn hóa của Hà Anh. Đó chính là đẳng cấp và tạo nên sự khác biệt.
- Có nhận xét rằng, người mẫu Việt trình diễn rất rườm rà, cốt để “khoe” vòng 1, vòng 3 với các nhiếp ảnh và phóng viên báo chí. Bà thấy nhận xét đó có đúng không?
- Chính xác! Bởi vì chính những người mẫu đó cũng không hiểu được người mẫu lên sàn diễn thì điều gì là quan trọng nhất.
Chưa bao giờ tôi thấy bùng nổ việc đi làm vòng 1 như ở Việt Nam.
Trong khi các người mẫu quốc tế họ chú trọng vào việc giữ cho cơ thế săn chắc, làn da mịn màng và bóng khỏe, và đặc biệt là tập luyện về chuyên môn. Có rất nhiều người mẫu trình diễn trong các chương trình thời trong lớn vòng 1 gần như không có.
Đối với người mẫu điều quan trọng đầu tiên là chiều cao, nhưng phải cân đối, chân dài, eo thắt, gương mặt cá tính, góc cạnh và trên hết vẫn là trình độ biểu diễn. Nhưng ở VN thì hình như đại đa số người mẫu vẫn đề cao sự xinh đẹp trong nghề nghiệp hơn là sự cá tính cần thiết và từ đó mới có hiện tượng rất nhiều người mẫu đi chỉnh sửa vòng 1, và bằng mọi cách để khoe vòng 1 của mình từ sàn diễn đến trên báo chí, ngoài đời thường…
"Sáng tạo" trên sàn diễn - một thảm họa
- Một số trang báo của chúng ta khi đưa tin về các show diễn thời trang thường chỉ chú ý đến người mẫu chứ không chú ý nhiều đến trang phục. Thưa bà, đây có phải lý do khiến người mẫu của chúng ta trình diễn còn rườm rà, thậm chí có cả những động tác thừa?
- Đấy là sự thiếu hiểu biết về thời trang. Khi đi xem diễn thời trang thì trang phục phải là điều được đánh giá, quan tâm đầu tiên, người mẫu chỉ là người mặc và biểu diễn để nhà thiết kế có thể đưa những tác phẩm của mình đến với công chúng.
Nhưng do ở Việt Nam khái niệm người mẫu vẫn không được hiểu đúng dẫn đến một loạt những ngộ nhận về nghề từ người mẫu, báo chí đến người xem. Tôi có đọc một số bài báo khi viết về show thời trang thì chỉ thấy khen người mẫu này xinh, người mẫu kia có số đo sexy, tôi thật sự ngạc nhiên với cách nhìn nhận như vậy với nghề người mẫu.
Rất nhiều người mẫu tự nghĩ ra phong cách múa may, uốn éo trên sàn diễn thời trang... Đấy thật sự là một thảm họa trên sàn diễn. (Ảnh minh hoạ)
Người mẫu không có khái niệm xinh hay xấu, chỉ có khái niệm ấn tượng, hấp dẫn người xem và phong cách trình diễn. Nếu để xem người xinh thì nên đi xem chương trình Hoa hậu hơn là xem người mẫu.
Và cũng chính vì thiếu chuyên nghiệp nên một số người mẫu tự nghĩ ra phong cách múa may, uốn éo trên sàn diễn thời trang. Và đáng buồn cười là phong cách đấy lại được một số đạo diễn, nhà báo khen ngợi như là một sự "sáng tạo” hay là đẳng cấp siêu mẫu???? Đấy thật sự là một thảm họa trên sàn diễn. Không hiểu những người làm thời trang trên thế giới khi xem được những pha "sáng tạo” đó họ sẽ nghĩ gì về thời trang Việt Nam.
- Như vậy, Người mẫu Việt Nam vẫn còn quá non yếu và thiếu tính chuyên nghiệp?
- Nếu nói về sự chuyên nghiệp thì người mẫu Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều. Từ những việc đơn giản và cần thiết nhất của một người mẫu là phải đi casting thì cũng rất nhiều người mẫu có chút danh hiệu luôn từ chối vì cho rằng họ không cần phải casting nữa...???
Hay việc đi thử đồ trước khi trình diễn để nhà thiết kế có thể chỉnh sửa lại cho vừa với vóc dáng người mẫu, hay tệ hơn nữa là việc đến muộn giờ, không tuân thủ kịch bản và sự chỉ đạo của đạo diễn. Tất cả những điều này chính là biểu hiện rõ nhất của việc thiếu chuyên nghiệp mà nhiều người mẫu Việt Nam lại nhầm tưởng rằng họ phải như thế để thể hiện "đẳng cấp” của mình.
Ngoài ra là trình độ biểu diễn trên sàn, người mẫu Việt Nam hình như chỉ hiểu một cách rất chung chung là trên sàn diễn người mẫu luôn phải làm mặt lạnh, vậy là hầu như cô nào cũng có một bộ mặt lạnh lùng, vô cảm. Hãy xem các chương trình diễn thời trang của các nước, người mẫu của họ diễn thời trang với những khuôn mặt rất biết cách biểu cảm chứ không phải lạnh lùng vô cảm như ở Việt Nam đâu.
Việc xuất ngoại của người mẫu Việt hiện nay là điều không tưởng
- Phải chăng ngành công nghiệp thời trang ở Việt Nam hoạt động chủ yếu mang tính chất “gia công” theo nước ngoài nên người mẫu của chúng ta cũng mang tính chất “gia công”? Hay người mẫu của chúng ta còn lười học hỏi và thiếu tham vọng vươn ra nước ngoài?
- Tôi nghĩ vế thứ nhất có lẽ đúng hơn. Hầu hết các người mẫu hiện nay tôi thấy không có chế độ tập hình thể, không có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho nghề nghiệp và quan trọng hơn nữa không có ý thức học hỏi trau dồi về nghề nghiệp.
Hầu hết đều dựa vào hình thể, sắc vóc trời cho, ăn uống không có chế độ hợp lý nên hầu hết người mẫu Việt Nam hình thể không săn chắc, về trình độ diễn thì càng có vấn đề hơn nữa.
So với các thế hệ trước như Thúy Hằng – Thúy Hạnh, Xuân Lan, Cẩm Nhung thì các em bây giờ có điều kiện hơn rất nhiều, nhưng kém hơn thế hệ trước ý thức làm nghề, sự nhiệt huyết, đam mê với nghề.
- Có người cho rằng ở thời điểm này, không có cơ hội cho người mẫu Việt xuất ngoại. Điều đó là đúng?
- Người mẫu ở các nước, đặc biệt là ở các nước phát triển họ tiến xa hơn chúng ta rất nhiều. Từ ý thức, phong cách, trình độ, hiểu biết về thời trang v.v... đều đã bỏ xa chúng ra quá xa rồi. Tôi cho rằng với mặt bằng người mẫu VN hiện nay việc xuất ngoại là điều không tưởng, trừ một số chương trình diễn thời trang giao lưu văn hóa hay quảng bá cho doanh nghiệp..v.v.
- Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
VTC