Trong những năm trở lại đây, chương trình truyền hình thực tế nở rộ hơn bao giờ hết. Từ âm nhạc, hài đến xiếc, người mẫu… đều liên tục chào sân. Chinh vì sự bùng nổ của các chương trình truyền hình thực tế dẫn đến các chương trình đều na ná nhau. Nhiều chương trình vừa mới lên sóng chưa bao lâu đã bắt đầu manh nha ra mắt một chương trình khác với format tương tự. Cũng vì thế, để tăng sức hút và làm mới cho chương trình, các nhà sản xuất nghĩ ngay đến chuyện mời những người nổi tiếng trong vai trò giám khảo. Và thế là các sao được dịp chạy show và đụng mặt rầm rầm. Đôi khi bật TV, bạn sẽ thấy những cái tên quen thuộc như: Trấn Thành, Hoài Linh, Việt Hương cứ liên tục hoạt náo cho ba hay bốn chương trình truyền hình đến phát ngán. Sự khan hiếm giám khảo lại một lần nữa đẩy chương trình thực tế vào bế tắc. Để cứu nguy, các nhà sản xuất tiếp tục truy lùng những gương mặt mới có khả năng tăng nhiệt cho chương trình vốn "nhạt như nước ốc".
Điều gì khiến các gương mặt mới có đủ tự tin thay thế vị trí của các nghệ sĩ lão làng vốn nắm giữ rating chương trình? Câu trả lời là tất cả họ đều “hot”. Hari Won “cặp” với Trấn Thành đã giúp cho nhà sản xuất kéo theo lượng fan "khủng" của hai người này. Isaac, Văn Mai Hương, Đông Nhi, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh... cũng giúp nhà sản xuất nâng được đáng kể lượng rating chương trình của mình.
Còn chất lượng thì còn tùy. Báo chí đã rất nhiều lần nhìn trực diện vào vấn đề chuyên môn của những người ngồi ghế nóng nhưng đáp lại vẫn là sự trượt dốc của chất lượng giám khảo, chỉ có độ “hot” là tăng cao.
Không chỉ mời các nghệ sĩ trẻ để cứu nguy, các chương trình truyền hình thực tế còn "đẻ" thêm ra thật nhiều ghế giám khảo khác như: giám khảo khách mời, giám khảo bình luận…Thậm chí, một chương trình truyền hình thực tế có đến 6 hay 7 giám khảo bao gồm già có, trẻ có để tăng sự mới mẻ, tranh luận và hoạt náo cho chương trình. Cũng từ nhu cầu này mà phát sinh ra công thức Quán quân, Á quân hoặc thí sinh đạt thứ hạng cao ở một cuộc thi nào đó cũng có thể lập tức ngồi ghế nóng của một gameshow tiếp theo giống như kiểu tri ân của ban tổ chức với các nghệ sĩ hay một kiểu hợp đồng bất thành văn: bên cạnh giải thưởng thì sẽ được lăng xê trong các chương trình tiếp theo với vai trò sang chảnh hơn.
Điển hình như Lê Dương Bảo Lâm, Quán quân của "Cười xuyên Việt" mùa đầu tiên lại ngồi ghế giám khảo bình luận trong "Cười xuyên Việt – Tiếu lâm hội". Hay Huỳnh Lập, sau khi đoạt Quán quân của "Cười xuyên Việt" phiên bản nghệ sĩ lại ngồi đồng ghế nóng với Nam Thư, thí sinh chỉ nổi lên từ một tiết mục cũng trong cuộc thi trên. Hoặc như Lâm Ngọc Hoa và Thu Hằng - Quán quân "Solo cùng Bolero" mùa thi này cũng trở thành giám khảo vòng sơ loại của cuộc thi mùa thi tiếp theo. Mới đây nhất là hai thí sinh Minh Trọng, Huỳnh Tiến Khoa của chương trình "Làng hài mở hội" cũng bất ngờ vươn lên làm giám khảo vòng sơ tuyển gameshow "Tiếu lâm tứ" với mác “giảng viên hài kịch” trong khi khi cả hai chỉ là thành viên của hai nhóm hài đoạt giải nhất và ba ở một gameshow khác.
Chúng ta hoàn toàn không phủ nhận những nỗ lực của các Quán quân, Á quân ở các cuộc thi. Bởi họ có tài năng thật sự và nhận được tình cảm yêu thương của khán giả bằng tất cả nỗ lực của mình. Thế nhưng với tuổi đời, tuổi nghề còn quá trẻ, trình độ chuyên môn không cao thì họ lấy gì đế đảm nhận vai trò giám khảo. Nó giống như một chiếc áo quá rộng khiến họ trở nên nhỏ bé và phô bày hết những khiếm khuyết trong lúc nhận xét hay đưa lời khuyên cho các thí sinh.
Không nói đâu xa, Lê Dương Bảo Lâm khi tham gia chương trình "Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội" ở vai trò giám khảo bình luận làm khán giả thấy gượng gạo vô cùng. Anh đã nhận xét và góp ý được gì? Ngoài những câu sáo rỗng như: “Bạn làm Lâm xúc động”, “Lâm phải đứng lên một lần nữa để cảm ơn những đóng góp của các bạn với nghệ thuật xiếc. Thầy chúng ta hẳn sẽ rất tự hào”…. Chỉ có thế thôi. Đến Nam Thư cũng không đủ “vốn liếng” để bình luận phần biểu diễn của thí sinh ngoài hai từ “quá đã”, “cực đã”. Khác giả nghe xong chỉ thấy phản cảm, dị ứng và ghét luôn thí sinh lẫn phần trình diễn rất xuất sắc vừa rồi. Hay việc Huỳnh Tiến Khoa và Minh Trọng là hai trong số ba giám quyết định tuyển chọn thí sinh cho gameshow "Tiếu lâm tứ trụ" cũng đang gây nhiều tranh cãi. Xét cho cùng, cả hai không phải Quán quân của cuộc thi đơn lẻ mà vẫn nằm trong một nhóm hài, một tập thể. Cái tôi và tài năng của họ hoàn toàn chưa được bảo chứng bởi bất cứ giải thưởng nào. Thật khó hiểu lí do gì ban tổ chức lại tin tưởng giao quyền thẩm định để chọn 50 thí sinh giữa vài ngàn người đăng ký dự thi vào tay họ.
Nói đến đây hẳn sẽ có nhiều nghệ sĩ trẻ sẽ bức xúc và bao biện rằng, chúng tôi chỉ ngồi ghế giám khảo khách mời góp mặt cho vui, hoặc chúng tôi chỉ ngồi vào ban bình luận, bên cạnh chúng tôi vẫn còn các giám khảo chuyên môn, hay mỗi vị trí giám khảo đều có chức năng riêng….
Thế nhưng xin thưa rằng, dường như các bạn chưa hiểu rõ hai từ giám khảo trước khi ngồi vào vị trí đó. Giám khảo là phải đưa ra những nhận xét, bình luận mang tính chuyên môn lẫn truyền đạt kinh nghiệm cho thí sinh. Để từ đó, những tiết mục sau của các thí sinh có thể khắc phục được những nhược điểm yếu kém đó mà tiến bộ lên. Hãy nhìn những giám khảo kì cựu và có nghề họ nói, họ khuyên, họ khuyến khích thí sinh của mình ra sao? Có phải là những màn hú hét quá lố, những giọng cười chói tai, những câu vô thưởng vô phạt lặp đi lặp lại, những lời tâng bốc nghe thôi cũng nổi da gà… Không nhé! Cái giám khảo cần là sự từ tốn, là cái vốn kiến thức thật vững của lĩnh vực mà họ bám trụ, cái cách biến hóa ngôn từ sao cho thật đẹp nhưng thật sắc để thí sinh có thể đúc kết kinh nhiệm trong những lần tuôn châu nhả ngọc. Đó là đẳng cấp, là trình độ, là sự duyên dáng. Bởi thế có khá nhiều chương trình sẵn sàng bỏ cả tiền tỷ chỉ để mời những tên tuổi kì cựu nhưng cực hot cho các chương trình như: Thanh Hằng của Vietnam's Next Top Model, Mỹ Tâm của The voice, Hà Hồ của The Face… So sánh thế không phải là nghiệt ngã hay khắt khe mà là dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh với các nhà sản xuất về khả năng định hướng cho thí sinh của những người “cầm trịch” ở không ít cuộc thi đã trở nên quá xa vời khi chỉ toàn chú trọng khả năng nói luyên thuyên, đùa giỡn vô duyên đủ kiểu thay vì trình độ và kĩ năng.
Nhiều người cho rằng, các chương trình truyền hình cũng chỉ là những cuộc chơi, là nơi kiếm tiến của các nhà sản xuất. Vì thế họ cần cân đối thu chi đồng nghĩ với việc đừng quá khó tính khi xem chương trình. Cái mỏ vàng nếu không đầu tư thì cũng có ngày sụp. Quan trọng hơn cả là tương lai của những Quán quân, Á quân đi ra từ chương trình như thế sẽ về đâu? Khi họ tìm đến một chương trình truyền hình là họ mang trong mình giấc mơ tỏa sáng, nổi tiếng và sau đó là chạy show sau khi trải qua trau dồi, thử thách cùng những lời góp ý chân thành, sự truyền lửa từ người đi trước. Cái mà họ nhận được chỉ là những câu nói sáo rỗng và những người ngồi ghế giám khảo không hơn họ mấy về tuổi đời, cũng chẳng trội hơn họ về cái duyên của nghề.
Xin mượn câu nói của NSƯT Hữu Châu để kết vấn đề: “Chương trình truyền hình thực tế đang giết chết cả một thế hệ diễn viên”. Người ham làm giám khảo thì bỏ tập tành để chạy show, để ôm mộng kiếm bộn tiền, nâng tầm đẳng cấp như các đàn anh đàn chị tên tuổi. Người tham gia với tư cách thí sinh thì mơ ước vụt sáng thành sao chỉ sau một chương trình, được khán giả biết đến và hâm mộ thay vì chuyên tâm dùi mài kĩ năng và học tập ở những trường nghề.
Thanh Lam (Theo Giadinhvietnam.com)