Hà Việt Dũng từng đẩy xe rác, làm phục vụ đến bán nước mía
Nhắc đến Hà Việt Dũng, khán giả có lẽ vẫn chưa quên câu chuyện về giải đồng Siêu mẫu Việt Nam 2011 bước ra đời với công việc mưu sinh bằng xe nước mía. Bốn năm kể từ ngày câu chuyện của anh được nhiều người biết đến và đồng cảm, chàng trai sinh năm 1987 người Mường dần cải thiện cuộc sống hiện tại, nhưng sau đó vẫn là những lo lắng vất vả để mưu sinh cuộc sống cơm, áo, gạo tiền.
Hà Việt Dũng sinh ra tại Hòa Bình, trong một gia đình làm nông lam lũ, vất vả. Lớn lên trong hoàn cảnh đó, những công việc tay chân với anh cũng không còn quá xa lạ. Anh tâm sự, từ khi còn bé đã phải thường xuyên lên rừng làm rẫy, đốn củi. Anh làm nhiều đến mức in vào đầu như một thói quen, cũng chưa bao giờ cho đó là khó khăn hay trở ngại.
Không bị ám ảnh bởi cái nghèo, cái khổ, nhưng Hà Việt Dũng chia sẻ anh rất sợ ánh đèn dầu le lói giữa đêm khuya tĩnh mịch. Anh tâm sự: “Dù Hòa Bình có đập thủy điện, nhưng nhà ngoại tôi mãi đến năm 2000 mới có điện. Tôi còn nhớ như in cảm giác ngồi trong góc nhà nhìn những ánh đèn le lói trong đêm. Cảm giác đó ngột ngạt lắm, hình ảnh đầu tắt mặt tối của bố mẹ hiện lên khiến không khí càng thêm bế tắc”.
Hà Việt Dũng tâm sự anh không chán ghét quê hương hay ngại vất vả, nhưng cảm giác những ngày không ánh đèn thôi thúc anh phải đi xa, tìm chân trời mới để giải phóng tâm hồn. Năm 2007, cơ hội tìm đến khi Hà Việt Dũng nhận giấy báo nhập ngũ. Công tác tại Bộ tổng tham mưu được 2 năm, anh được mời ở lại vì hoạt động tốt. Nhưng một lần nữa, có điều gì đó thôi thúc, khiến chàng sinh viên đầy hoài bão và ý chí một lần nữa lên đường.
Xuống Hà Nội, công việc đầu tiên của Việt Dũng là làm công nhân quét dọn, rửa đường cho công ty môi trường số 1. Mỗi ngày 2 ca sáng và trưa tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, anh lại mặc đồng phục, đeo khẩu trang rồi cặm cụi cầm chổi ra đường. Nam diễn viên tâm sự: “Tôi không ngại vất vả hay xấu hổ về công việc này, nhưng cảm giác đẩy xe rác thôi thúc tôi phải tiếp tục tiến tới chứ không thể dừng lại như thế này được”.
Đó là lần đầu tiên Hà Việt Dũng nảy ra ý định Nam tiến. “Nhiều người nói vào Nam cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Quê tôi có người chỉ cần vào vào Đắk Lắk làm cà phê vài năm, khi trở về họ sống thoáng, tiêu tiền nhẹ nhàng”, Hà Việt Dũng nói. Nghĩ vậy anh khăn gói vào Nam. Trôi dạt xuống tận miền Đồng Tháp, nam người mẫu mất 4 tháng miệt mài làm gỗ. Sau đó, anh lại bỏ đi lên TP. HCM để làm công việc vất vả không kém tại một nhà hàng tiệc cưới.
“Suốt 8 tháng, tôi lặp đi lặp lại công việc duy nhất là sáng sớm chạy xe mua rau ở chợ đầu mối, về quét dọn sân nhà hàng và trông xe cả đêm”, Hà Việt Dũng bồi hồi nhớ lại.
Một lần tình cờ, anh quen biết một người mẫu. Nhờ có ngoại hình cùng gương mặt góc cạnh, anh được giới thiệu đến công ty người mẫu. Tham gia cuộc thi siêu mẫu, 2011, anh có bước ngoặt quan trọng nhất trong trong cuộc đời với giải đồng. Tuy nhiên, sau cuộc thi, trái ngược với kỳ vọng của bản thân, Hà Việt Dũng chơi vơi rồi một lần nữa trở lại với những vất vả của công việc bán nước mía cùng thu nhập 300 - 400.000 đồng.
Nhớ lại quãng thời gian này, chàng diễn viên bất ngờ cho biết anh không những không thấy khó khăn, ngược lại rất hài lòng với số tiền kiếm được. Anh kể: “Trước đây ở quê, mẹ tôi hay trồng rau bán, rất vất vả và cực khổ mà chỉ được 30.000 đồng. Khi bán nước mía với thu nhập như thế, tôi thấy khá cao. Trước giờ, tôi thật lòng chưa bao giờ làm nhiều hơn như thế”.
Dù vậy, Hà Việt Dũng vẫn giữ trong lòng đam mê cùng quyết tâm trở lại bằng cách chăm chỉ tập luyện để giữ vóc dáng, thỉnh thoảng nhận lời chụp một vài bộ ảnh. Cơ hội đến khi câu chuyện của anh được người mẫu Trang Trần chia sẻ và nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Nhờ vậy, Hà Việt Dũng có bước chuyển mới trong sự nghệp với vai diễn đầu tiên trong "Mùa hè lạnh" của đạo diễn Ngô Quang Hải. Và từ đó, nghiệp diễn đến với anh như cái duyên tiền định. Để rồi hiện tại, Hà Việt Dũng là cái tên hot xuất hiện trong rất nhiều bộ phim chiếu rạp ăn khách.
Sau 4 năm làm nghề, đã là một tên tuổi tầm cỡ nhưng cuộc sống của
nam diễn viên kiêm siêu mẫu vẫn chưa hết khó khăn
Tuy vậy sau 4 năm làm nghề - Hà Việt Dũng vẫn chưa hết khó khăn. Dù đã sắm được chiếc xe hơi cũ để tiện việc đi lại nhưng anh vẫn thuê trọ. Việc sở hữu một ngôi nhà riêng vẫn là giấc mơ xa với đối với anh.
"Hiện tại, tôi chỉ phủ sóng hơn một chút thôi, mức sống cải thiện hơn nhưng để nói về sự nổi tiếng và giàu có thì chưa đâu. Tôi mua được xe hơi nhưng chỉ là xe cũ, vài trăm triệu đồng. Còn chuyện nhà cửa với tôi hơi xa vời. Tôi thường nói vui với mọi người chắc năm 2036 tôi mới mua được nhà.
Nhìn ở ngoài, cuộc sống của diễn viên hào nhoáng lắm, thực ra không phải vậy đâu. Có diễn viên đóng hàng trăm phim nhưng vẫn chưa mua được nhà thì suy ra cuộc sống của tôi thôi. Không những thế, tôi còn lo cho gia đình. Tôi là trụ cột, nặng gánh vô cùng, cha mẹ không có lương, chị gái bệnh tật, u di căn. Nhìn tôi cười nói thế thôi nhưng đôi khi chán đời lắm. Ai cũng nói tôi già hơn tuổi. Có lẽ do tôi nghĩ quá nhiều.
Mọi người biết không, có đóng xong phim thì cát-sê cũng hết. Nghề này là ăn trước trả sau mà. Nhận một phim được 100 triệu đồng. Số tiền lớn đấy nhưng phải chi tiêu trong 3 tháng. Trừ đi tiền quần áo, đi lại, thuê nhà thì không còn nhiều đâu. Nếu tháng nào tôi gửi về cho cha mẹ 5 triệu đồng thì không còn đồng nào trong túi" - Nam diễn viên tâm sự.
Á vương Nam vương Đại sứ hoàn cầu 2016 Ngọc Tình và tuổi thơ đẫm nước mắt
Ngọc Tình sinh ra và lớn lên ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Ba mẹ làm nghề chài lưới trên sông Sài Gòn nên 11 tuổi, anh cũng theo nghề. Một ngày hai lần, từ 3h đến 5h sáng và buổi chiều tối sau khi đi học về. Bữa nào thuận lợi, gia đình còn có đồng ra đồng vào. Bữa nào đi cào bị rách lưới, giữa khuya cậu bé Ngọc Tình phải lặn xuống dưới sông moi lên để vá lại. Mỗi lần như vậy lại ra về tay trắng.
"Nghề này cũng cạnh tranh dữ dội lắm vì có nhiều người làm nghề chứ đâu phải mỗi gia đình mình. Đi sớm mới bắt được cá, tới sau người ta một chút thì chẳng có gì. Bơi lội nhiều nên tôi cao nhất trường luôn. Hồi đó tôi hay bị tủi thân lắm vì nhìn quanh thấy ai cũng thấp. Nhiều khi tôi thấy mình như người ngoài hành tinh, đi toàn phải khom lưng xuống chứ chẳng nghĩ được sau này chiều cao lại thành lợi thế" - chàng nam mẫu chia sẻ.
Anh kể: Năm tôi học lớp 12 là khoảng thời gian khó khăn nhất của gia đình, mẹ bệnh không đi làm được nên nghèo lại càng nghèo. Lúc đó lịch học căng lắm, vậy mà đi học về giở nồi ra không có gì ăn, tôi rớt nước mắt vì tủi. Không dám để mẹ biết, tôi gạt nước mắt, chạy ra sau hè hái từng cọng rau muống, trèo lên cây hái me làm canh chua và đâm một chén muối ớt, ăn cho qua bữa rồi lại đi học.
Á vương Đại sứ hoàn cầu 2016 Ngọc Tình và gia cảnh khốn khó ít người biết tới
Tôi cố giấu nhưng mẹ vẫn thấy, thương con mẹ chạy sang hàng xóm mượn ít tiền chạy chợ. Mà mẹ bị khớp nên tay chân yếu lắm, đường lại trơn nên đi bán hàng cứ ngã hoài. Tôi thương mẹ lắm. Nhà có bốn anh chị em, tôi là con thứ ba. Đi học không có tiền đóng học phí nên mỗi sáng thứ hai, tôi lại bị gọi lên đứng cột cờ. Đang tuổi sĩ diện nhưng bị bạn bè chọc, tôi cũng không xấu hổ nhiều vì biết nhà mình nghèo. Không có tiền thì đành chịu thôi chứ làm sao bây giờ.
Mấy anh chị em của tôi vì không có tiền đóng học phí nên xin nghỉ học hết, tôi cũng tính nghỉ nhưng thấy mẹ buồn, tôi lại ráng. Ừ thì tới đâu hay tới đó. Rồi nhờ anh chị đi làm, nhà có thêm đồng ra đồng vào nên tôi mới đóng được học phí để ra trường. Năm đó, tôi thi Đại học đỗ cả hai trường Sân khấu điện ảnh và Thể dục thể thao. Biết mẹ muốn thấy tôi trên tivi, học phí của Sân khấu điện ảnh cũng không nhiều như những trường khác, vậy là tôi theo.
Bước chân vào trường, tôi bắt đầu có ý thức về ngoại hình. Rồi nghe mọi người khuyên, tôi cũng tập tành làm mẫu. Người ta có tên tuổi thì được nhà thiết kế kêu diễn, mình không có phải đi casting khắp nơi nhưng đi tới đâu, rớt tới đó. Bữa được nhận thì cát-xê bèo bọt lắm. 200 nghìn một ngày mà phải chạy liên tục, sáng tập chương trình, trưa đi thử đồ, buổi chiều phúc khảo rồi tối đi diễn. Nhà ở Thủ Đức, mỗi ngày chạy 4,5 lần như vậy tôi mất rất nhiều thời gian, rất mệt.
"Nghề này nhiều người nhìn vào cứ nghĩ người mẫu lúc nào cũng ăn mặc đẹp, đi siêu xe, ăn nhà hàng còn những người trong nghề mới biết làm mẫu khó khăn ra sao. Kiếm đồng tiền khó quá nên tôi cũng nản. Cũng có lúc tôi suy sụp, định bỏ nghề nhưng được anh Phúc Nguyễn và gia đình động viên, tôi đăng ký đi học nhảy, học hát, học võ rồi đi thi siêu mẫu. Năm 2010, tôi giành được Giải vàng Siêu mẫu. Cánh cửa đó mở ra cho tôi nhiều cơ hội hơn, được đi diễn, đóng phim không cần casting nữa" - Á vương Đại sứ hoàn cầu tâm sự.
Công Vinh và quá khứ đến đôi dép cũng phải mượn
Theo lời kể của Công Vinh, thuở nhỏ anh cũng có một gia đình hạnh phúc bên cạnh cha, mẹ và các anh chị em. Nhưng quãng thời gian hạnh phúc ấy lại không kéo dài quá lâu khi một ngày không may mắn, bố của Vinh - người đàn ông trụ cột của gia đình bị tai nạn giao thông, trong lúc trên đường đi làm về.
Tiền thuốc thang, viện phí... cho cha đã làm kinh tế của gia đình cậu bé Vinh kiệt quệ. Và để "giải quyết vấn đề", sau khi bình phục bố Vinh đã quyết định đi buôn ma túy. Tuy nhiên, chỉ ngay "chuyến đi" đầu tiên, ông Lê Công Duệ đã bị bắt và phải chịu án 12 năm tù. Kể từ thời điểm này, mọi bi kịch đổ ập xuống gia đình Vinh với cuộc sống mưu sinh, với hạnh phúc rạn vỡ của bố mẹ...
Là con trai duy nhất, nhưng với việc nhà xảy ra như thế nên "cậu ấm" Công Vinh rất ít khi được yêu chiều như đám bạn, nhất là khi gánh nặng kinh tế đè nén trên đôi vai của mẹ. Lối thoát, đồng thời cũng là niềm đam mê duy nhất lúc đó cũng giống như nhiều đứa trẻ ở xứ Nghệ thời bấy giờ đã đưa Vinh đến với lò đào tạo SLNA rồi thi đậu vào đây.
Để có cuộc sống hiện tại, Lê Công Vinh đã trải qua những nỗ lực khủng khiếp
Số tiền ít ỏi dành cho các cầu thủ năng khiếu thường được Vinh dành dụm để đưa về cho mẹ, hoặc mua cho cô em gái Khánh Chi khi thì quà bánh, khi thì cái kẹp tóc... Chính bởi thế, đã có lúc cầu thủ này chia sẻ rằng thời điểm đã là thành viên của lò xứ Nghệ, nhân dịp được về nhà dự đám cưới chị cả để có đôi dép lành lặn đi trong tiệc vui ấy Vinh đã phải mượn của bạn.
Chẳng những không có được một mái ấm hạnh phúc thực sự, kinh tế gia đình khó khăn... những ngày đầu sự nghiệp của Vinh cũng được coi như một cầu thủ ít triển vọng so với nhiều đồng đội cùng lứa. Để được như bây giờ, ai cũng biết Công Vinh đã phải nỗ lực thế nào, cũng như vượt qua nhiều khó khăn ra sao. Thậm chí, nhiều người còn tin rằng nếu Văn Quyến không rơi vào vòng lao lý khó có cửa để CV9 bật lên. Dù thế nào thì cũng không thể phủ nhận một điều rằng, ý chí của Công Vinh thực sự là khủng khiếp khi ngay từ bé đã phải đối mặt với rất nhiều câu chuyện không thật may mắn đến với gia đình của mình.
Bố nợ nần chồng chất, Mr Đàm đi làm thuê ở tiệm cắt tóc
Gia đình Đàm Vĩnh Hưng từng được xem là gia đình đại gia, nhưng một biến cố xảy đến khiến bố anh lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Từ chỗ được yêu chiều, anh phải đi làm thuê ở tiệm cắt tóc để trang trải cuộc sống. Bố Đàm Vĩnh Hưng phải đi đạp xích lô và chết vì bệnh gan bởi không có tiền chạy chữa. Khi ông mất, chiếc quan tài liệm ông cũng phải… mua nợ với dự định của gia đình anh là gom tiền phúng để trả.
Trước khi trở thành "Ông hoàng nhạc Việt", Mr Đàm từng kinh qua đủ thứ nghề để kiếm sống
Chính sự khó khăn đó đã khiến "Ông hoàng nhạc Việt" khi ấy phải tìm mọi cách kiếm tiền. Anh đã trải qua một quãng thời gian dài tủi cực, chờ đợi để rồi chỉ được… hát lót, lấp chỗ trống cho những ngôi sao ca nhạc thời đó chẳng may tới trễ. Dù thất bại rất nhiều lần trong các cuộc thi nhưng Đàm Vĩnh Hưng vẫn không từ bỏ và chính nhờ những nỗ lực không mệt mỏi đó nên anh mới có được danh tiếng như ngày hôm nay.
Đan Trường từng là thợ tiện, thợ in lụa
Trong số các nghệ sĩ nổi tiếng kỳ cựu, Đan Trường chưa bao giờ giấu giếm quá khứ nghèo đói của mình. Anh từng tâm sự: “Trường từng làm thợ tiện, thợ in lụa để đỡ đần cho cha mẹ gánh nặng kinh tế. Lúc đó, trong con mắt Trường, nghề ca sĩ là một thứ gì đó rất cao quý không thể nghĩ tới trong hoàn cảnh gia đình khó khăn…”. Đó là lời tự bạch của chàng ca sĩ đã có tới hơn 30 Album ca nhạc được phát hành và có lực lượng fans đông đảo kéo dài từ Nam ra Bắc.
Anh Bo Đan Trường cũng có một gia cảnh khốn khó mà ít ai nghĩ tới
Bên cạnh công việc tại xưởng làm bút bi, Đan Trường còn có một công việc khác là phụ giúp mẹ bán bánh mì trên chiếc xe đẩy nhỏ dựng ở đầu hẻm. Ngày đó, khách ghé qua xe bánh mì của mẹ con Đan Trường chủ yếu là lũ bạn học cùng trường anh. Ở trên lớp, chúng gọi Đan Trường là bạn, xưng tớ đàng hoàng. Nhưng về nhà, nhìn thấy Đan Trường đứng bán bánh mì giúp mẹ, chúng chỉ kêu: “Ê mầy, gọi mẹ ra bán cho tao cái bánh mì”.
Quyền Linh từng giữ xe, chạy bàn, bơm hơi xe đạp cho đến lượm ve chai lông vịt
Nghệ sĩ Quyền Linh tên thật là Mai Huyền Linh, sinh ngày 28 tháng 7 năm 1969. Bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật từ năm 1992 cho đến nay, Quyền Linh đã tham gia diễn xuất trong hàng trăm tập phim điện ảnh lẫn truyền hình và được coi là một trong những diễn viên được yêu thích nhất tại Việt Nam.
Quyền Linh của ngày hôm nay là một trong những MC đắt show nhất, một nam diễn viên quen mặt xuất hiện dày đặc trên truyền hình và có một gia đình hạnh phúc, giàu có khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, quá khứ của anh là những tháng ngày cùng cực đến khó ai có thể tưởng tượng được. Đó là một trong những lí do vì sao dù đã trở thành một tên tuổi nổi tiếng nhưng anh vẫn được khán giả yêu mến vì sự gần gũi và chân chất của anh. Vì bản thân anh đã trải nghiệm gần 1/4 cuộc đời qua những thứ đắng cay nhất.
Chính gia cảnh nghèo khó đã tạo nên ngôi sao Quyền Linh thời hiện tại
Từ khi sinh ra Quyền Linh đã không biết mặt cha, 3 mẹ con lầm lũi sống nuôi nhau. Cuộc sống của gia đình anh cơ cực thiếu thốn đủ bề. Đến khi mẹ anh đi "bước nữa" với cha dượng, cuộc sống lại càng thêm vất vả. Cả nhà 8 miệng ăn của Quyền Linh phải sống chui chúc trong một... căn chòi giữa ruộng chứ không có được một căn nhà đàng hoàng. Thậm chí "suất đi học" của Quyền Linh cũng là được em trai nhường lại vì gia đình không đủ tiền cho tất cả đi học.
Khi tốt nghiệp phổ thông và đậu vào trường Sân khấu - điện ảnh, chàng nông dân Quyền Linh háo hức bước chân lên Sài Gòn để thực hiện ước mơ đổi đời nhưng tất cả đều không dễ dàng. Vì nhà không có tiền, anh phải làm đủ thứ nghề từ giữ xe, chạy bàn, bơm hơi xe đạp cho đến lượm ve chai lông vịt cũng đã từng trải qua. Tâm sự về khoảng thời gian đó, Quyền Linh cho biết: "Linh không nhớ nổi mình đã tủi phận bật khóc bao nhiêu lần trước cổng chợ mùa mưa".
Cuộc sống cơ cực trong quá khứ cũng như sự chịu khó, kiên trì theo đuổi sự nghiệp của Quyền Linh đã giúp anh gặt hái những thành công khó ai bì kịp của ngày hôm nay. Tuy nhiên, điều làm nên ấn tượng và sự yêu mến từ công chúng dành cho Quyền Linh có lẽ là từ cái tâm của ngôi sao này dành cho những quãng đời nghèo khổ, cách sống bình dị mà hiếm có ngôi sao nào của showbiz có được.
Tuổi thơ khốn khó và nghèo đói của MC Nguyên Khang
MC "mắt hí" là một trong những tấm gương về sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Thuở nhỏ, gia đình Nguyên Khang sống trong một khu xóm lao động nghèo gần bờ kênh bị ô nhiễm đến nỗi mỗi khi mưa thì nước tràn vào trong nhà. Gia cảnh khốn khó tiếp tục cho tới khi Nguyên Khang học đại học. Trong khoảng thời gian này, không may bố anh qua đời, còn mẹ mắc bệnh Parkinson. Cái nghèo cũng lấy đi của Nguyên Khang suất học bổng cấp 3 ở Mỹ, ước mơ học võ thuật, chơi đàn… Có thời điểm Nguyên Khang tuyệt vọng vì cơ cực. Tới khi Nguyên Khang bắt đầu làm thêm bằng nhiều công việc, cuộc sống gia đình anh từ đó tốt đẹp hơn.
MC Nguyên Khang cũng nỗ lực vươn lên từ tuổi thơ đói khổ
Giờ đây, khi đã là một MC nổi tiếng, đắt show trong các chương trình trên truyền hình cũng như sự kiện bên ngoài, nhưng Nguyên Khang vẫn rất gần gũi và giản dị. Anh ghi điểm bởi cách nói chuyện thông minh, hài hước và rất trí tuệ. Được biết, thời đi học, Nguyên Khang học khá giỏi, chính điều đó đã khiến anh có một phông văn hóa khá tốt so với các nghệ sĩ trong showbiz hiện nay.
Mr Ngao (Theo Giadinhvietnam.com)