NSND Lê Dung sinh ngày 5-6-1951 tại Quảng Ninh. Bà sống cùng cha mẹ trong một căn nhà nhỏ ở khu vực cầu 1, phường Cao Xanh của TX Hòn Gai (TP Hạ Long ngày nay).
Lê Dung bắt đầu cất tiếng hát từ năm lên 8, khi được nhạc sĩ Đức Huyên phát hiện và đưa vào CLB Thiếu nhi Hạ Long, đi diễn và thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Lê Dung vóc người nhỏ nhắn năm đó bắt đầu sự nghiệp ca hát chuyên nghiệp năm 17 tuổi, thành NSƯT năm 33 tuổi và được phong NSND năm 42 tuổi.
Có quá nhiều điều để kể về giọng hát của Lê Dung. Bà thuộc giọng nữ cao trữ tình đầy đặn (Full Lirico Soprano) với tất cả vẻ đẹp vốn có của một giọng trữ tình. Thường thì Lê Dung hát bằng phẩm chất nữ tính, bay bổng, mềm mại nhưng khi cần, bà có thể đẩy độ mãnh liệt của giọng lên ngang với giọng bán kịch tính (như hát những tác phẩm aria thế giới hay khi bà hát những tác phẩm: Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Trường ca sông Lô (Văn Cao).
Lê Dung hát nhiều thể loại, từ opera, bán cổ điển, tiền chiến, nhạc đỏ đến nhạc nhẹ. Bà chinh phục từ công chúng đến giới chuyên môn; không chỉ người Việt mê đắm mà nhiều lần các Đại sứ quán mời bà đến hát trong những cuộc gặp gỡ, giao lưu nghệ thuật.
Lê Dung đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng của nhạc cổ điển tại Việt Nam khi mọi thứ còn rất sơ khai. Lê Dung cũng đi tiên phong trong việc làm recitan (cuộc biểu diễn độc tấu) - loại hình đêm nhạc cá nhân quy mô nhỏ hơn concert, từ recitan ở Đại sứ quán Liên Xô đến đêm solo tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào năm 1992 với 21 bài nhạc bác học. Đêm recitan ấy cũng đi vào những câu chuyện kể của người học nhạc các thế hệ sau, về “Người đàn bà hát” với cổ họng, làn hơi phi thường.
NSND Lê Dung từng trải qua 2 lần kết hôn. Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, bà có một người con trai, nhưng họ sớm chia tay. Năm 1991, bà tái hôn với một nhà thơ nổi tiếng. Tuy nhiên, sau 6 năm chung sống, cả hai cũng đường ai nấy đi. Cuộc đổ vỡ này để lại nhiều vết thương trong lòng Lê Dung, nhưng bà hầu như không chia sẻ trên báo chí.
Mãi tới sau này, ca sĩ Ngọc Anh mới tiết lộ: "Cuộc đời cô Lê Dung có nhiều nỗi đau và trắc trở. Cô là người đã cho tôi một bài học đáng nhớ. Tôi nhìn vào cuộc đời cô để tự rút ra bài học cho mình, không giẫm chân vào vết xe đổ của cô. Cô Lê Dung là người yêu say đắm, yêu là để chết. Còn tôi yêu là để sống. Nói cách khác, tình yêu với cô Lê Dung quá tha thiết, dốc hết tâm sức nên dẫn tới đau tim, đau não và ảnh hưởng tới sức khỏe. Cô Lê Dung qua đời do huyết áp tăng dẫn tới đột quỵ. Nhưng tôi biết, cô bị như vậy vì đau đớn quá nhiều trong tình yêu, tình yêu của cô trao đi nhiều quá. Tôi cũng đau đớn trong tình yêu nhưng vì nhìn thấy tấm gương từ cô Lê Dung nên tự dặn lòng không được để bản thân bị như thầy mình. Tôi học cách dừng lại đúng lúc, không để sự đau đớn trong tình yêu ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của mình".
Ngày 29/1/2001, NSND Lê Dung qua đời đột ngột do tai biến mạch máu não, để lại nhiều tiếc thương trong lòng công chúng và đồng nghiệp.
Đã qua đời hơn 23 năm nhưng đến bây giờ Lê Dung vẫn nằm trong số ít ca sĩ có trình độ kỹ thuật tiệm cận với ngưỡng hoàn hảo. Lạ là, bà theo học Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) khá muộn, khi đã 26 tuổi và đến tận năm 35 tuổi mới sang Liên Xô học cao học tại Nhạc viện Tchaikovsky. Âm nhạc là bộ môn đặc thù mà việc đào tạo càng sớm thì thành tựu càng chín muồi. Trong lịch sử âm nhạc thế giới, không nhiều ca sĩ đào tạo bài bản muộn như Lê Dung mà kỹ thuật vẫn đạt đến độ chuẩn mực.
Nhan sắc và giọng ca Lê Dung nay đã thành huyền thoại
Lê Dung giọng hát lộng lẫy, còn được ví von quý như “vàng ròng”. Sinh thời, bà luôn nghiêm túc và giàu ý chí nghệ thuật, có tâm hồn phong phú: dễ bộc lộ, sôi nổi nhất nhưng cũng rất nhạy cảm, dễ khổ đau. Chính vì thế, Lê Dung hát hay là điều không có gì nghi ngờ song ngoài kỹ thuật, bà còn hát bằng nội tâm nên từng câu chữ đều rất có hồn, giàu cảm xúc.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)