Chào danh ca Hương Lan, khi về Việt Nam chuẩn bị cho dự án Trái tim phụ nữ - Trái tim ngọc trai cũng như lịch trình dày đặc, sức khỏe của cô có ổn định cho các hoạt động sắp tới không và cô chuẩn bị về tinh thần cũng như về sức khỏe như thế nào?
Tôi chỉ có khó khăn đi từ bên kia về đây thôi, còn sức khỏe tôi tốt. Chương trình này tôi đã dự định hơn 1 năm rồi nhưng để mà gặp nhau, để mà sắp xếp thành hình như vậy cũng qua một thời gian thử thách. Nào là vấn đề chương trình mời người này, người kia, rồi chương trình sẽ làm những gì. Hôm nay đã qua khó khăn đó rồi, bây giờ tôi cũng chuẩn bị đi sâu vào bài hát rồi nên tập dợt đi sâu vào bài hát thôi. Bên này các em lo tập dợt, tôi cũng phải lo sắp xếp về lại bên kia. Ngày 2/9 tôi về bên kia vì tôi có show bên kia. Mọi người vẫn liên lạc với nhau, ở đây ekip gửi nhạc qua cho tôi và tôi tập dợt, nói chuyện với các em. Về vấn đề bài bản tôi và đạo diễn đã bàn bạc xong hết rồi, bây giờ chỉ còn tập dợt thôi.
Di chuyển giữa hai nước có ảnh hưởng cô nhiều không?
Tôi cũng quen rồi. Cuộc sống bình thường của tôi chỉ tập trung ăn, ngủ và hát chứ tôi không đi chơi. Tôi tập trung vào công việc là chủ yếu.
Lần này trở lại có sự trẻ hoá nào đó trong âm nhạc như bản phối hay gì đó không?
Các bản phối bắt buộc phải làm mới hơn. Ví dụ những bài hát tôi đã hát và khán giả thích, tôi sẽ làm lại mới hơn. Ví dụ tôi sẽ hát với những người nào, hát làm sao, những ca sĩ, người mới hát chung với tôi để bài hát và cách trình diễn mới hơn. Nói chương trình mới nhưng tôi đâu có hát nhạc mới, tôi hát nhạc cũ vì khán giả của mình là những khán giả thích những bài nhạc cũ của tôi. Nhưng cách dàn dựng và cách sắp xếp chương trình sẽ khác đi.
Lúc nãy đạo diễn có nói làm việc chung với cô rất kỹ tính, không biết khi làm việc, sự kỹ tính của cô như thế nào?
Nếu nói về cuốn 18 của tôi, tôi rất cảm ơn đội ngũ làm việc với tôi vì họ rất dễ thương và chặt chẽ. Điều đó là điều tôi cần thiết nhất vì phải chịu khó với tôi, tính tôi khó lắm. Những người đó cũng nói chương trình liveshow thường người ta tập 2-3 lần, còn tôi tập đi tập lại 10 lần. Cứ tập rồi thêm ý kiến này kia nên người cực khổ nhất khi tập với tôi là các ban nhạc. Tôi hay có bệnh mê ban nhạc lắm, ban nhạc đánh hay tôi rất mê. Ví dụ ban nhạc nào đó đánh hay quá, tôi chỉ muốn hát phòng trà đó chứ không muốn qua phòng trà khác. 5-6 người làm 1 việc trong 1 đêm, chỉ mấy tiếng đồng hồ hoà quyện với nhau, hát về mà tâm trạng còn lâng lâng, thích lắm. Khó khăn bây giờ không phải đặt ở chương trình mà là giữa tôi và ban nhạc. Phải siết chặt hơn nữa, đêm diễn mới tạo được không khí như mình muốn.
Âm nhạc truyền thống dân ca quê hương vẫn ở đây, thế hệ lại càng ngày càng nhỏ dần, không biết quá trình mang âm hưởng dân ca quê hương tiếp cận giới trẻ với cô ở thời điểm hiện tại thế nào?
Đối với tôi mình nên làm mới một chút để thế hệ trẻ chấp nhận những bài dân ca, nhưng đừng để cho nó lạc hướng quá. Nói dân ca cũng không đúng vì tôi chuyên hát về nhạc Nam bộ, tôi thích hát nhạc Nam bộ và nhạc miền Trung, mình làm sao để các em tới gần mình hơn và trước tiên, khi các em tới gần mình thì mình phải tạo cho người trẻ biết mình đã rồi mới thích nhạc mình, đó mới quan trọng. Chứ bây giờ người trẻ chỉ biết ca sĩ trẻ thôi thì làm sao biết mình. Cái khó của mình, không phải mình dựng bài đó cho trẻ hoá vì đã không biết mình rồi thì sẽ không coi mình. làm sao để tiến gần tới người trẻ, rồi những người trẻ biết về mình, như vậy mới hoà nhập nhau được.
Cô có nghĩ đến việc cô sẽ đào tạo người trẻ và chỉ dạy họ để tiếp nối dòng nhạc của mình chưa?
Tôi đã làm từ lâu rồi. Ở nước ngoài tôi đã tập cho các bạn trẻ và cho các bạn lên hát. Ở đây tôi nghĩ mình cũng nên làm điều đó. Còn việc khán giả có chấp nhận hay không phải tuỳ theo tài năng của người đó. Còn tôi người đi trước, bao giờ cũng phải đẩy. Hiện tại tôi vẫn chưa thấy người nào có thể đứng vào chỗ của tôi. Đó là điều tôi rất đau đáu. Các em hát hay, trẻ nhưng chưa thể bước lên chỗ của tôi. Tôi không nói là thay thế nhưng vì phương tiện truyền thông bây giờ rất mạnh, tuy nhiên lại không có sự quan tâm về vấn đề sân khấu cho đúng. Ở đây tôi thấy các em tự bỏ tiền ra, tự làm, tự lăng xê mình, cái gì cũng tự, không có gì kiểm soát đôi khi quá lớn và quá lố rồi thì đôi khi khán giả nhìn vào, họ bị bội thực. Thay vì một chương trình mình hát 2-3 bài bolero cho người ta thưởng thức toàn vẹn, bây giờ lại làm liên khúc dài 20-30 bài, không ai ngồi nghe cả. Từ 10 bài trở lên không ai ngồi nghe, đó là cái Việt Nam mình đang bị. Một chương trình toàn một bài hát hay nhưng đưa vào 20-30 bài chẳng ai nghe, nhưng nếu hcir đưa 2-3 bài, hát thật hay, thật đúng. Ở đây vì các em tự làm, không ai kiểm soát và nói các em nên làm đúng bài, đúng nhạc, đúng lời. Đó là điều tôi muốn nhắc nhở là ở đây mình tự do quá mức. Chỉ đóng tiền tác quyền rồi muốn tự tung tự tác, điều đó là cái sai của những người trẻ sau này làm khán giả bội thực. Các em có thể chỉnh đốn lại các bước đi của mình. Trong một bữa ăn, chỉ cần chọn những món dân giả mà thật ngon thì chỉ cần 3-4 món đã là buổi ăn tuyệt vời.
Mong rằng trong tương lai sẽ có những giọng hát có thể đi đến con đường của tôi. Bây giờ tôi còn đi hát, nhưng những người đã mất rồi cũng không ai thay thế được, người nào cũng có chỗ đứng của người đó, nhưng ít ra mình thấy được những lứa đi sau cũng có một người tỏa sáng để đi theo con đường của mình. Các em có toả sáng nhưng đường đi chưa rõ ràng, không chính xác, không đậm đà tình, không có một đam mê thật sự mà các em đang làm với ý thích, làm để chạy đua nhau. Đó là cái các em đã không nằm vào trong lòng khán giả. Bằng tất cả lòng thương, tôi chỉ muốn gửi gắm các em như vậy thôi. Còn thật sự tôi không thích ngồi ghế giám khảo chê đứa này, khen đứa kia. Tôi không thích vì không muốn làm mất lòng ai, tôi muốn mọi người đều thương tôi nhưng nói lời thật lại mất lòng. Ngồi trên đó cũng có cái hay nhưng cũng có cái dở là tôi ôm hết. Nhiều người hỏi tại sao tôi không ngồi ghế giám khảo, vì tôi không muốn, tôi muốn mọi người đều thương mình. Tôi đi hát đâu còn bao lâu nữa, mà quãng đời của tôi gần 70 tuổi, vậy mà đã hát hơn 60 năm. Tôi hát từ 5 tuổi tới giờ nên tôi muốn giữ lại những tình cảm mà người lớn và người trẻ đã dành cho mình. Tôi muốn giữ điều đó. Đồng tiền là cuộc sống của mình nhưng không phải để giải quyết mọi thứ. Tôi suy nghĩ rất nhiều và rất sợ, tôi sợ mất đi tình cảm những người xung quanh dành cho mình nên tôi từ chối. Không phải tôi chê tiền, tiền không ai chê nhưng nhận rồi về sau tôi mất lòng nhiều người. Chưa kể bị chửi bới, gia đình dòng họ… Tôi chứng kiến rồi nên sợ lắm.
Ở tuổi này cô nghĩ điều gì quan trọng nhất với cô, nhất là sau dịch cũng ảnh hưởng đến lối sống của mình?
Lối sống của tôi không có gì thay đổi cả, bao giờ tôi cũng có chừng mực của mình và đời sống của tôi quan trọng nhất là gia đình. Đối với tôi, một người nghệ sĩ có quá nhiều cơ hội, làm sao để dùng cơ hội đó gìn giữ bản thân mình. Nhân vô thập toàn, không ai hoàn hảo hết. Mình làm sao cố tranh thủ để cuối cuộc đời, mình nhận được tình thương. Người sung sướng nhất là người đi đâu cũng nhận được tình thương.
Niềm vui của bé Hương Lan năm 5 tuổi và hiện tại có gì khác nhau nhiều không?
Bây giờ thích hơn vì mình biết được, còn hồi nhỏ không biết, cứ thấy vỗ tay là sướng vui rồi. Trong mấy mươi năm đi hát, tôi muốn cảm ơn khán giả đã dành cho tôi những tràng pháo tay, những lời an ủi, những lời khích lệ. Đến giờ này khi bước lên sân khấu, tôi vẫn còn hồi hộp. Mấy đứa cứ hỏi tôi sao cứ gần giờ đi hát là không nói chuyện. Vì tôi thiếu tập trung sẽ không hát được, nhất là bây giờ lớn tuổi, càng phải tập trung nhiều hơn. Còn ăn nói lăng tăng, giỡn hớt là tôi không hát được. Phải tập trung, đầu tôi phải lắng xuống. Dù hát rất nhiều làn nhưng bây giờ mỗi khi hát, tôi phải tập dợt rất kỹ.
Khán giả đã yêu mến tôi rất lâu năm rồi, họ cứ nghĩ chương trình có Hương Lan, chắc chắn sẽ có chiếc áo dài đẹp, đó là điều tôi đã giữ được trong mấy mươi năm nay. Mặc dù tôi đã ra nước ngoài năm tôi 20 tuổi và ở đó 30 - 40 năm nhưng ở đây, tôi muốn nói cả một sự hy sinh. Tôi hy sinh cả tuổi trẻ của tôi, mỗi khi lên sân khấu tôi cũng thích mặc đồ này đồ kia nhưng không được. Dòng nhạc của mình phải như vậy. Trong sự thành công của mình, tôi muốn nói đến sự hy sinh của mình cho dòng nhạc của tôi, tiếng hát của tôi và cho những lần tôi lên sân khấu, tôi chỉ mặc áo dài. Nó quen rồi nên ngay cả tôi đi chơi, mặc đồ tây hay mặc đầm cũng thấy khó chịu. Còn khi mặc áo dài tôi lại thấy rất tự tin và khi mang lên người tà áo dài tôi cũng hãnh diện với bạn bè thế giới. Tôi là người Việt Nam với tà áo dài. Có thể đổi cổ này, đổi bông kia nhưng vẫn là áo dài với tay dài và chiếc tà dài. Có những khán giả yêu nhất Hương Lan, muốn đi xem Hương Lan hát để xem hôm nay Hương Lan mặc áo dài gì. Tất nhiên ấn tượng trong đầu là sự trả lại ấn tượng với khán giả, là sự hy sinh mà khán giả đã dành tình cảm cho mình từ tuổi trẻ đến bây giờ. Lúc đi hát còn nhỏ, em bé Hương Lan còn mặc áo đầm chứ lên 13-14 tuổi là tôi bắt đầu mặc áo dài luôn cho đến bây giờ.
Ngoài hạnh phúc đứng trên sân khấu, hiện tại cô có hạnh phúc nào nữa?
Là gia đình. Ngoài sân khấu, tôi rất mê gia đình và mê nấu nướng. Ăn không bao nhiêu mà thích nấu này kia. Đi đâu ăn tiệc thấy món gì ngon, tôi sẽ để ý, ăn thử để về tập nấu. Đó cũng là một thú vui của tôi. Nhiều khi chú ở nhà cũng la, kêu tôi phải nghỉ ngơi đi. Tôi nói biết rồi nhưng mình ăn ở ngoài mình cảm thấy ở nhà ăn vui hơn. Đời sống gia đình vẫn rất quan trọng với tôi, ngoài giờ trên sân khấu, gia đình là số một.
Bây giờ cô còn làm vườn nhiều không?
Tôi không có làm vườn, chồng tôi làm đó. Tôi cắt cây trái nhiều khi cắt không vừa ý ổng, ổng la nữa. Sáng nào tôi cũng ra vườn chụp hình, bông này bông nọ tôi thích lắm. Nhưng công của vườn nhà tôi là công của ông xã.
Bây giờ cô có tuổi nghề và cuộc đời viên mãn, thành công, còn điều gì khiến cô đau đáu nhất không?
Có lẽ tôi là người mà ơn trên cho tôi, tôi được khán giả thương, về nhà có gia đình bé nhỏ, có chồng, có con, có cháu nội, tôi rất hạnh phúc. Nhưng như tôi tâm sự, tôi vẫn chưa thấy được một người tỏa sáng trong dòng nhạc của tôi. Các em hát hay, có đường đi của các em nhưng tôi muốn trong dòng nhạc của mình cũng có một người tỏa sáng. Ở đây có một người tôi hy vọng nhiều nhất và thật trẻ là Phương Mỹ Chi, còn nói về lớn hơn thì tôi rất thích giọng hát của Hà Vân. Nhưng em chưa đi xa hơn được, đó là điều tôi nên suy nghĩ lại vì nhiều khi do cách chọn bài hoặc em chưa có cơ hội để đi xa hơn. Nhưng Hà Vân là một giọng hát tôi rất thích, ngọt ngào, truyền cảm và quan trọng là có hồn. Không phải giọng ngọt, hát vút cao là giọng đẹp. hát làm sao mình đi về rồi mình vẫn ở trong lòng khán giả. Cái vỗ tay nhiều khi chưa chắc đâu, chỉ là lịch sự. Đôi khi tôi thấy có những người được khán giả vỗ tay, la lối, về hỏi lại thì ra thấy người khác vỗ tay nên vỗ theo. Tôi đã từng hỏi một người khán giả và nhận được câu trả lời vậy khiến tôi rất buồn. Làm sao các em có thể đi vào lòng khán giả bằng tiếng hát của em và đi vào lòng người ta chứ đừng tin quá vào tiếng vỗ tay.
Tôi hy vọng ở Phương Mỹ Chi rất nhiều vì giọng cháu ấm áp, ngọt ngào. Mà bây giờ trên con đường đi, hy vọng Phương Mỹ Chi sẽ giữ được chỗ đó, giữ được cách hát và loại bài, đừng theo tuổi trẻ nhiều quá sẽ hư đi. Khi hư không phải giọng hát hư mà hư ở khán giả sẽ không biết bây giờ cô này nằm ở đâu, giọng hát ở thể loại nào, đó mới là hư. Phải để cho người ta thấy mình đặc trưng về cái gì đó.
Cô có nhắn nhủ với Phương Mỹ Chi về những điều này chưa?
Chưa, hai bà cháu cứ nhắn nhủ, cháu cứ rủ rê tôi hoài mà chưa có thời gian. Nhưng tôi sẽ có thời gian để nhắn nhủ cháu, có hát gì cũng đừng quên tà áo dài dùm bà nội. Đó cũng sẽ là cả sự hy sinh của những đứa trẻ. Tôi hiểu điều đó. Nhưng muốn tạo ấn tượng trên sân khấu, để khán giả nhớ mình, không chỉ đơn giản bởi giọng hát mà còn hình tượng, đủ thứ nữa. Phương Mỹ Chi cũng rất tội nghiệp, sinh nhật hay gọi điện và hay may áo dài gửi qua cho tôi vì tôi về không được. Cưng lắm. Đang sắp xếp để hai bà cháu hát chung nhưng vẫn chưa có cơ hội.
Cảm ơn Hương Lan về buổi trò chuyện này!
Bảo Quỳnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)