Chuyện nghe có vẻ buồn cười khi một chức danh hoàn toàn nghiêm túc của quốc gia như vậy, lại có khả năng nằm trong tay người đẹp X, Y, Z nào đó nổi tiếng trong showbiz Việt vì ngực “khủng”, nói sốc, khoe của, hay “lộ hàng”…
Lý Nhã Kỳ, đại sứ đầu tiên của ngành du lịch Việt Nam được khen ngợi
có nhiều đóng góp.
Bởi xét trên ba tiêu chuẩn đại sứ phải có tiền, có tâm và có tiếng, xem chừng chẳng ứng viên nào có thể cạnh tranh nổi với những người đẹp của showbiz Việt. Cơ hội của họ lại càng lớn khi mà cơ quan xét duyệt có vẻ không bận tâm lắm đến chuyện đại sứ đã từng gây những scandal nào, miễn là đừng phát ngôn hớ hênh hay có hành vi phản cảm trong thời gian nhận nhiệm vụ.
Tất nhiên, có thể khẳng định ngay, một chức danh – với nhiệm vụ giới thiệu hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế – chắc chắn không được lập ra nhằm mục đích mang lại vinh dự giúp những người nổi tiếng vì tai tiếng có thể rửa mặt với thiên hạ. Bởi đây là nhu cầu có thật và bức thiết của ngành du lịch, vốn đã được các nước trên thế giới làm từ rất lâu và thực sự có hiệu quả.
Thế nên, ba tiêu chuẩn lớn – mà Cục hợp tác quốc tế của Bộ VHTTDL đã đề ra để xét duyệt hồ sơ và chấm điểm ứng viên – là phù hợp với yêu cầu khách quan và thực tế trước mắt của nhiệm vụ. Người ta có thể hiểu công việc buộc ứng viên phải có mức độ nổi tiếng nhất định để gây được sự chú ý và ảnh hưởng tới cộng đồng. Cũng như phải có tâm huyết đủ lớn để có thể hi sinh chút thời gian và lợi ích riêng tư, đóng góp cho lợi ích xã hội.
Tuy nhiên, câu chuyện có phần hơi tế nhị khi đòi hỏi ứng viên phải có…tiền. Theo như phát biểu của ông Cục trưởng Nguyễn Văn Tình với báo chí, nguồn kinh phí Nhà nước hoàn toàn không đáp ứng được các chi phí vé máy bay, khách sạn, ô tô…dành cho Đại sứ du lịch, bởi chúng đều phải ở hạng sang, ngang với Bộ trưởng.
Nếu nhìn lạc quan về hiện tượng các người đẹp ào ào nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển làm đại sứ trong mấy ngày qua người ta có quyền vui khi được thấy showbiz Việt xem niềm vinh dự được làm nghĩa vụ cho quốc gia lớn hơn sự hi sinh bản thân. Tất nhiên, đó là xét trên điều kiện người dự tuyển có động cơ hoàn toàn vô tư và vô vị lợi, điều mà chỉ có bản thân họ mới biết và chịu sự phán xét của lương tâm.
Thật không may, ba tiêu chuẩn mà phía cơ quan quản lý nhà nước đặt ra, cũng gần như phù hợp với…ba mưu cầu của không ít người đẹp không sống nhờ lao động nghệ thuật mà nương tựa hình bóng của các đại gia. Bởi chỉ cần đánh tiếng dự tuyển thôi là tên tuổi của họ ngay lập tức được hâm nóng trên bề mặt truyền thông. So với chiêu trò tạo scandal đầy rủi ro hệ lụy, cách mua danh này quả có giá rẻ hơn rất nhiều.
Bởi thế mới có chuyện vị đạo diễn X đang khốn khổ vì bị người đẹp Y "xù" nợ. Vào một ngày đẹp trời, anh bỗng phát hiện “con nợ” vốn im tiếng không trả lời điện thoại và tin nhắn trong nhiều tháng liền, xuất hiện trên mạng như một ứng viên sáng giá với một bức tâm thư đầy nồng nàn tha thiết, như thể đã sẵn sàng lên đường làm đại sứ bằng chiếc va ly nặng 8 kg! Cực chẳng đã, đạo diễn phải lên báo “tố” vụ việc.
Ngoài chuyện danh tiếng, tấm lòng của các người đẹp hẳn cũng sẽ “đẹp” hơn lên rất nhiều khi họ có dịp bày tỏ tâm nguyện (không nhất thiết phải thật) muốn được đóng góp cho xã hội.
Nhưng liệu công việc có thực sự khiến họ phải hi sinh đóng góp một phần vật chất của họ như giao ước ban đầu với cơ quan quản lý? Câu hỏi quả thật không dễ trả lời. Bởi ở chức danh mới xuất hiện được chưa đầy 2 năm này, hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, không ai có thể chắc chắn nó không bị lợi dụng cho những lợi ích riêng tư diễn ra phía sau hậu trường.
Vietnamnet