Tôi hẹn gặp diễn viên Trung Anh khi anh vừa trở về Hà Nội sau hơn 1 tháng lăn lộn giữa cái nắng nóng kinh hoàng của miền Trung để hoàn thành vai diễn chính trong bộ phim điện ảnh 'Những đứa con của làng'. Trông anh gầy và đen hơn nhiều nhưng gương mặt và dáng người khắc khổ thì khó trộn lẫn vào đâu. Trung Anh nói đây là vai diễn dữ dội, anh thích từ khi đọc kịch bản và thậm chí còn làm nó dữ dội hơn trên phim.
Nghiên cứu kịch bản trước 3 tháng, hơn 1 tháng sống cô lập ở một vùng đất hẻo lánh và khô cằn ở Đắc rông, Quảng Trị, quần quật làm phim từ sáng sớm tới đêm nhưng Trung Anh vẫn vui. Trong phim Trung Anh vào vai ông Thập, người có sức ảnh hưởng lớn trong làng. Tuy nhiên, ông luôn bị ám ảnh bởi cuộc thảm sát cách đó 20 năm vì cho rằng mình chính là một phần nguyên nhân dẫn đến cái chết của non nửa dân số trong làng.
Trung Anh và diễn viên Trần Bảo Sơn trên phim trường 'Những đứa con của làng'.
Chuyện đời của ông Thập thực ra cũng có nét tương đồng với đời thực của Trung Anh. Bởi ký ức kinh hoàng xảy đến với anh hơn 40 năm trước đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh với anh.
Nhấp một ngụm cà phê đắng, Trung Anh chậm rãi kể lại chuyện đời buồn của mình. "Chuyện xảy ra khi tôi còn bé. Đó là năm 1968, tôi chỉ mới 7 tuổi. Đêm ấy Mỹ ném bom xuống sân nhà tôi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, cướp đi mẹ, dì và chị ruột tôi cùng một lúc. Tôi ngủ ở dưới hầm nên may mắn sống sót. Đến bây giờ hình ảnh đó vẫn ám ảnh tôi. Tôi nghĩ dù có bao nhiêu năm trôi qua đi chăng nữa thì tôi cũng không thể quên được giây phút tang tóc đó", Trung Anh hồi tưởng lại.
Nam diễn viên kể trong khi bi kịch xảy đến với gia đình, bố và hai anh trai đang công tác và học tập ở Hà Nội. Thời đó điều kiện liên lạc khó khăn nên không có cách nào báo tin cho bố. Với sự giúp đỡ của bà con làng xóm, làm tang lễ xong xuôi cho mẹ, dì và chị gái xong, Trung Anh khăn gói lên Hà Nội. "Tôi đi bộ 400 cây số từ Đức Thọ ra Hà Nội để tìm bố. Tôi không nhớ đi trong bao lâu, đường đi khó khăn thế nào. Tôi vẫn còn nhớ nguyên ấn tượng về chặng đường ra Hà Nội, cái cảm giác sợ hãi và run bần bật khi lần đầu tiên ngồi trên tàu điện".
NSƯT Trung Anh trong phim truyền hình 'Những công dân tập thể'.
Ký ức về quá khứ đau buồn găm mãi vào trí nhớ của Trung Anh. Anh bảo cũng không biết có phải vì chuyện đó mà anh luôn sống khép mình, không thích giao tiếp rộng rãi. Trung Anh tâm sự chỉ chơi với một nhóm bạn thân, ngại tụ tập. Ý thức làm diễn viên nhiều khi phải biết tự PR cho bản thân nhưng anh không thích thế. "Tôi nghĩ mình cứ sống theo cách của mình, có thể hơi cổ hủ lạc hậu nhưng tôi vẫn muốn vậy". Chính vì thế Trung Anh ít tiếp xúc với báo chí và đặc biệt kiệm lời nói về bản thân cũng như chuyện gia đình. Anh bảo có lẽ đến 2 năm rồi anh mới nhận lời trả lời phỏng vấn.
Trung Anh đóng nhiều phim nhưng hầu hết khi nhớ đến anh, người ta luôn hình dung đến những vai diễn khắc khổ, nhiều số phận. Hình như chuyện đời nhiều nước mắt cũng tạo nên ngoại hình của anh và rồi vận vào những vai diễn anh mang. Nhưng ông Trời không cho ai hết và cũng không lấy đi của ai hết tất cả. Ngoài khả năng diễn trời phú, Trung Anh được cuộc đời dành tặng cho một gia đình hạnh phúc.
Vốn là người kín tiếng và khép mình nên Trung Anh cũng ít chia sẻ về chuyện đời tư. Anh lập gia đình muộn, 37 tuổi mới lấy vợ, một người không hề dính dáng đến nghệ thuật. Trung Anh hiện có hai người con, con trai lớn năm nay học lớp 11 trường Ams, con gái mới đỗ vào cấp 2 trường Lương Thế Vinh Hà Nội. Cuộc sống của anh không dư giả gì nhưng bù lại, yên ấm và bình yên. Như thế đã là niềm mơ ước của nhiều người. Trung Anh cười bảo anh kết hôn chậm nhưng không biết có chắc hay không. Tuy vậy có một điều mà anh biết chắc chắn, cho đến tận lúc này, là anh vẫn là người may mắn.
Trung Anh gặp chị Minh Hiếu năm 2007, khi anh đã 36 tuổi. Hai người ở cùng phố và chị thì hâm mộ anh từ lâu, dù kém 10 tuổi. Họ kết hôn sau đó không lâu và sống hạnh phúc đến tận lúc này. Số phận đã cướp đi của Trung Anh quá nhiều thứ và mang đến cho anh một tuổi thơ nhiều nước mắt nhưng bù lại, anh lại đang có một tổ ấm của riêng mình. "Tôi nghĩ nghề nghiệp của mình đôi lúc có sóng gió kiểu này kiều khác, nhưng có lẽ cái may mắn của tôi là gia đình. Gia đình hỗ trợ tôi rất nhiều, cho tôi được làm những gì mình yêu thích".
Được sự ủng hộ tuyệt đối của vợ, Trung Anh yên tâm đi làm phim xa, ngày này qua tháng khác. Anh tự hào khi kể rằng vợ mình gánh vác tất cả, từ chăm lo cho gia đình đến đưa đón, dạy dỗ con cái. Trung Anh không giấu được niềm tự hào về một nửa của mình và càng thương chị hơn khi phải gánh vác mọi việc để anh yên tâm làm nghệ thuật. Anh bảo: "Vợ tôi quá vất vả, vừa đi làm, vừa lo tất cả cho chồng, cố gắng để mình yên tâm làm việc. Có một người không cùng giới diễn viên mà hiểu mình đến thế là một may mắn. Nhiều khi gặp chuyện đời chuyện nghề buồn nhưng về nhà lại thấy nguôi ngoai đi nhiều", anh nói.
(còn nữa...)
Theo Vietnamnet.vn