Mở đầu cho những chia sẻ về cuộc đời mình, NSƯT Thanh Sang từng tâm sự: "Tôi là anh kép khổ nhất. Tôi mồ côi cha từ năm 7 tuổi.
Nhà tôi nghèo đến nỗi chỉ thường xuyên ăn cơm với muối ớt và rau dại. Tôi làm đủ nghề để kiếm sống. Vá lưới, giăng câu là nghề chính. Khi theo nghề hát, do ốm quá nên tôi chỉ được giao vai già. Nhờ sân khấu cách mạng sau năm 1975 nên tôi được làm kép chánh, có một sự nghiệp nghệ thuật được công chúng biết đến gắn với cái tên Thanh Sang".
Vận mệnh của cậu bé Thanh Sang bắt đầu từ con số 7 khi sớm ý thức mình là “người đàn ông” duy nhất trong gia đình. Ông không nề hà công việc gia đình lẫn trụ cột kinh tế cho mẹ và các chị.
Chập chững vào nghề hát từ năm 1957, Thanh Sang miệt mài trau dồi và rèn luyện. Bắt đầu với con số 0 và những vai diễn nhỏ. Lúc ấy không ai để ý đế một Thanh Sang nhỏ nhắn, gương mặt thanh tú nhưng đôi mắt đẫm u buồn. Ông không buồn, cứ kiên nhẫn bước từng bước đi một. Từ đoàn Ngọc Kiều, ông làm đệ tử của nghệ sĩ Kim Nên. Ông được sai mua đồ vặt, giặt đồ, nấu cơm... Trớ trêu thay, anh có vào đoàn nào là đoàn đó chỉ hoạt động được mấy tháng là tan rã. Bạn bè bảo: "Số mày nhọ lắm. Không bao giờ khá nổi đâu. Bỏ cái nghiệp này đi". Nhưng sức khoẻ kém lại bị bệnh tim bẩm sinh, nếu về làm nghề biển như xưa thì ông không thể làm nổi. Thế là anh kép làng biển nghèo lại kiên quyết gắn bó với nghề ca diễn.
Đúng 7 năm vào nghề, ông đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm cùng với nghệ sĩ Lệ Thủy vào nam 1964. Ông đóng vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long của đoàn Dạ Lý Hương, một vai kép lão tưởng chừng “dìm hàng” anh kép trẻ Thanh Sang, nhưng không ngờ lại đẩy Thanh Sang lên đài danh vọng. Đây cũng là điều khác biệt của một anh kép trẻ. Hầu hết các anh kép tài danh đều nổi tiếng với vai đại hiệp, vai công tử, vai mùi, vai độc... còn Thanh Sang lại thành danh với vai lão. Tuy nhiên, giới nghệ thuật đánh giá rất cao vai diễn của nghệ sĩ Thanh Sang. Bởi vai Tạ Tốn chẳng những là vai già mà còn khó diễn bởi nhân vật bị mù, làm sao nghệ sĩ sử dụng được đôi mắt hỗ trợ cho tâm trạng. Ông chỉ còn dùng nội lực trong giọng ca, trong diễn xuất của hình thể, và sự chững chạc của mình để chinh phục khán giả lẫn ban giám khảo, đến nỗi người ta gọi Thanh Sang bằng biệt danh của Tạ Tốn là Kim Mao Sư Vương. Ông bầu Xuân của Dạ Lý Hương ký liền một hợp đồng lớn với anh kép Thanh Sang. Ông mừng rỡ chạy ngay về Phước Hải mua một căn nhà cho mẹ.
Thanh Sang được nhớ đến với chất giọng mùi, cao và ánh mắt buồn xa xăm
Đoạt giải Thanh Tâm và mua được nhà cho mẹ, Thanh Sang vẫn lận đận với vòng quay của số phận. Khi mới nổi tiếng chưa kịp tận hưởng niềm hạnh phúc của hào quang sân khấu, Thanh Sang lại đi quân dịch tận 7 năm. Cuộc sống gia đình lại nghèo rớt mồng tơi như xưa
Con số 7 vận vào cả chuyện tình duyên của Thanh Sang. Trong số những anh kép của nghệ sĩ cải lương, có lẽ Thanh Sang là người nhiều vợ nhất. Ông có đến 7 người vợ. Trong đó, có một người là con gái của ngôi sao cải lương Ngọc Nuôi, tên Ngọc Bích. Ông trải lòng về số đào hoa của mình: "Nợ tình thì ôi thôi, nhiều lắm! Tôi đã trải qua 7 đời vợ, còn tình yêu lúc trẻ thì vô số kể. Tuy nhiên, tôi không quan hệ theo kiểu lăng nhăng, “bắt cá hai - ba tay” mà phải chấm dứt với người này mới đến với người khác. Làm đàn ông có số đào hoa thiệt là khổ. Đáp lại tình cảm của người phụ nữ này sẽ phải phụ một phụ nữ khác nhưng tôi xem đó là duyên nợ. Khi chia tay không để lại sự oán thù mà là sự kính trọng cho nhau. Đó mới là ý nghĩa của cuộc sống".
Ông từng gây tiếng vang với vai Thi Sách trong "Tiếng trống Mê Linh"
bên nghệ sĩ Thanh Nga
Tuy số nặng nợ tình, Thanh Sang không sống được với ai quá lâu. Ông trầm ngâm: “Và tôi cũng có 7 năm cô đơn, không vợ con gì hết. Cuối cùng mới gặp “bà Liễu” đây nè”. Bà Liễu tên thật là Ngọc Mỹ. Bà là con gái nhà giàu, mẹ bà vì mê cải lương, mê Thanh Sang mà kêu gả con cho ông một cách ngon lành. Tấm ảnh treo trên tường cho thấy bà hồi ấy rất đẹp, lấy chồng một cách khá ngây thơ. Và bà cũng rất vị tha khi thấy ông chồng “ngôi sao” của mình nhiều ong bướm dập dìu lượn quanh. Có người biết bà là vợ mà cứ xông thẳng vô nhà ngồi... đợi ông. Bà nấu cơm mời ăn, cũng ăn, rồi ngồi... đợi tiếp. Dạng si tình như vậy mà bà Liễu nhịn được, thảo nào đồng nghiệp cứ khen bà. Thanh Sang chỉ còn cách trốn biệt cho người ta nản mà bỏ cuộc.
Người vợ thứ 7 này của ông cũng là người một tay chèo chống gia đình, nuôi con nhỏ, chăm mẹ già khi chồng đi hát xa. Sau này bà còn mở quán cơm, thức khuya dậy sớm lo nấu nướng, quản lý, vất vả vô cùng. Đến lúc Thanh Sang bệnh nặng, cũng một tay bà chăm sóc. Nhắc ông từng viên thuốc, chở đi khám bệnh, chở đi hát, canh ông trong bệnh viện, đọc kịch bản cho ông, viết lại bản nháp hồi ký mà ông thảy ra... Vừa là vợ, là tài xế, là y tá, là nhắc tuồng, là thư ký, là bảo mẫu... Biệt thự vừa xây rất to bên bờ sông Sài Gòn cũng có công sức của bà rất nhiều. Có lẽ duyên phận của ông kết thúc ở con số 7 này, ở người vợ thứ 7 này cũng là xứng đáng.
Lặng lẽ sống, lặng lẽ làm nghề, lặng lẽ chống chọi với bệnh tật và lặng lẽ ra đi. Thanh Sang để lại cho sân khấu một khoảng trống khó lấp đầy. Những ngày cuối cuộc đời, nhìn lại sự nghiệp ca hát của mình, người nghệ sĩ già chặc lưỡi tiếc: "Tôi chỉ tiếc một điều là mình không mở được trường dạy nghề để truyền đạt kinh nghiệm ca diễn cho thế hệ trẻ theo phương pháp truyền nghề đúng nghĩa của sân khấu cải lương".
Thanh Lam (Theo Giadinhvietnam.com)