Khi nói đến "Hồng lâu mộng", chủ đề về những nhân vật như Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc vẫn được đón nhận nồng nhiệt. Xét riêng về Lâm Đại Ngọc, trong số các phim truyền hình chuyển thể, chỉ có phiên bản năm 1987 là nổi tiếng hơn cả vì sự gần gũi so với nguyên tác.
“Hoa tạ hoa phi hoa mãn thiên/Hồng tiêu hương đoạn hữu thùy liên.” Những câu trong bài thơ “Táng hoa ngâm” của Đại Ngọc thể hiện sự ảm đạm và lạnh lẽo của hoa cỏ, qua đó ẩn dụ về những sự đau lòng của riêng cô. Những vần thơ này đã gắn chặt với Đại Ngọc, khi so sánh thì ai cũng phải công nhận rằng chính hình ảnh nhân vật đã được hiện thân quá hoàn hảo trên màn ảnh.
Thông qua vai diễn của Trần Hiểu Húc, những niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống của Lâm Đại Ngọc được bộc lộ đúng như vậy. Hẳn sẽ có người thắc mắc tại sao tính cách nhân vật phức tạp như vậy, chỉ với xuất thân không qua trường lớp mà Trần Hiểu Húc lại có thể khắc họa đúng những biểu cảm, cảm xúc của nhân vật. Có thể nói Trần Hiểu Húc rất giống Lâm Đại Ngọc, nên cô đang diễn xuất hay chính là đang thể hiện tất cả những gì mình từng trải thông qua nhân vật. Thật tiếc là người đẹp lại chết sớm khi mới chỉ 41 tuổi, cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh trông thật đau thương.
Nửa đầu cuộc đời xây dựng tính cách
Trần Hiểu Húc từ nhỏ đã rất rõ ràng về sở thích của mình. Cô không chạy theo xu hướng và không dễ dàng bị kiểm soát. Cô yêu thích khiêu vũ từ khi còn nhỏ và không muốn nghe theo sự sắp đặt của người khác để làm những việc mà mình không thích. Thời đi học, học sinh thường phải trải nghiệm lao động trong các nhà máy hoặc nông trại. Vì tính cách ương ngạnh của con gái nên mẹ cô đã khéo léo giúp con thoát khỏi trải nghiệm lao động. Nhưng không phải cô trốn việc vì ham chơi mà thay vào đó, cô dành hết thời gian vào việc tập nhảy. Lúc đó, cô chỉ có duy nhất một ước muốn là được vào học một trường tốt nhất của tỉnh.
Sau khi học khiêu vũ trong hai năm, Trần Hiểu Húc đã đi thử giọng. Năm 10 tuổi, cô thường xuyên xuất hiện trên sân khấu của trường, thậm chí của cả thành phố để hát ca khúc "Gió bắc thổi" trong vở ca kịch "Bạch Mao Nữ". Qua đó cũng có thể thấy rằng cô là một người biết chính xác mình muốn gì, và sẽ không đợi người khác nói cho mình biết mình phải làm gì.
Năm 12 tuổi, Trần Hiểu Húc từ bỏ môn khiêu vũ yêu thích của mình và chọn dành hết tâm trí cho sách. Cô thích đọc sách từ nhỏ, chính cha mẹ đã dạy cô đọc những bài thơ cổ từ năm ba tuổi. Phải nói là cô bị ám ảnh bởi những cuốn sách, càng khám phá ra nhiều thế giới chưa được biết đến, cô lại càng khẳng định đã tìm ra bến đỗ cho tâm hồn mình. Cô bắt đầu làm thơ, thậm chí còn xuất bản bài thơ đầu tiên "Tôi là một đóa hoa liễu" khi mới 14 tuổi. Dù tuổi còn nhỏ vậy nhưng cô đã có thiên phú trong những bài thơ tình.
Đối với những người yêu thơ và sách, sự hấp dẫn của thi nhân toát ra từ cơ thể họ như đã ngấm vào tận xương tủy. Vì vậy, việc Trần Hiểu Húc đắm chìm trong những cuốn sách này cũng thúc đẩy tính khí phi thường của cô. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến đạo diễn Vương Phù Lâm chọn Trần Hiểu Húc vào vai Lâm Đại Ngọc.
Cái duyên với "Hồng lâu mộng"
Một trong những cuốn sách yêu thích của Trần Hiểu Húc là "Hồng lâu mộng". Kiệt tác này không chỉ đơn giản là một sự ngưỡng mộ hoàn toàn. Sau khi đọc tác phẩm kinh điển này hàng trăm lần, cô đều cảm nhận được nguồn dinh dưỡng mà cuốn sách này mang đến cho tinh thần của mình. Vì cô là một phụ nữ theo đuổi tài năng, nên tài năng của Lâm Đại Ngọc trong "Hồng lâu mộng" là điều khiến cô mê mẩn nhất. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng chính mình sẽ sắm vai nhân vật này.
Năm 1984, đoàn phim "Hồng lâu mộng" tuyển chọn diễn viên. Nhiều người đã đến nộp đơn với mong muốn có được một vai diễn trong phim. Đương nhiên, một người đã đọc đến thuộc làu và rất yêu thích tập truyện này như Trần Hiểu Húc lại càng khao khát được trải nghiệm một vai diễn hấp dẫn. Vì vậy, cô đã viết một lá thư tự giới thiệu và gửi đến Bắc Kinh. Đạo diễn sau khi đọc bức thư và phân tích đặc điểm của Lâm Đại Ngọc, đã hồi âm và yêu cầu Trần Hiểu Húc đi thử vai. Cô đã trải qua cuộc thử vai ở Bắc Kinh dưới trời mưa, và quay về chờ thông báo sau khi trả lời một vài câu hỏi. Mất một năm để nhận được phản hồi nói rằng cô hãy đến đoàn làm phim để đào tạo. Thời gian đào tạo là ba tháng trước khi dàn diễn viên được ấn định.
Phong cách thường ngày của Trần Hiểu Húc là chỉ cần có quyết tâm thì sẽ làm được. Sau ba tháng huấn luyện, cô đã chiến thắng sít sao và giành được vai Lâm Đại Ngọc đúng như mong ước. Gọi là một chiến thắng sít sao bởi vì trong nhóm cạnh tranh hồi đó cho vai Lâm Đại Ngọc có một ứng cử viên nổi bật hơn và ngoại hình cũng đẹp hơn Trần Hiểu Húc. Cuối cùng, người đẹp họ Trần đã được chọn vì tính cách thơ ngây và tình yêu văn chương của mình, điều này khiến đạo diễn đã suy nghĩ đến việc cải biên cốt truyện để làm cho vai diễn linh hoạt hơn.
Sợi dây vô hình gắn kết với Lâm Đại Ngọc
Một số người nói rằng vai Lâm Đại Ngọc của Trần Hiểu Húc thực sự đang thể hiện đúng màu sắc của nhân vật. Bởi vì cô vừa có nét rất giống với Lâm Đại Ngọc, vừa có những nét khác biệt hoàn toàn. Nhưng chính sự khác biệt này lại bù đắp hoàn hảo cho những điểm yếu của nhân vật. Cô có tư duy độc lập và không thích bị người khác kiểm soát. Bất kỳ sự lựa chọn nào của cô cũng chắc chắn không bao giờ thay đổi. Còn Lâm Đại Ngọc không phải là người không chịu khuất phục. Mặc dù nàng không thể làm những gì mình thích trong Giả phủ nhưng nàng luôn bày tỏ những gì muốn thể hiện. Trong việc sáng tác thơ, nàng cũng có những hiểu biết và chất trữ tình của riêng mình.
Cả Trần Hiểu Húc và Lâm Đại Ngọc đều có suy nghĩ độc lập và lựa chọn đi theo con đường riêng vì tài năng của mình và không bị ảnh hưởng bởi người khác. Đây là nơi giao thoa tính cách của hai người. Nhưng cách thức hành động của họ lại rất khác nhau. Trần Hiểu Húc hiểu rõ hơn về việc chiến đấu và giành được những gì cô muốn, nhưng Lâm Đại Ngọc thì không.
Trong cuộc sống, Lâm Đại Ngọc hiếm khi chủ động đấu tranh cho những gì mình muốn, bản thân cũng rất nhạy cảm và hay nghi ngờ. Có nhiều chuyện nàng không nghĩ ra, cũng không hiểu được nên suốt ngày thấy chán nản. Nàng chỉ quan tâm đến những vấn đề bình thường, khiến bản thân kiệt quệ về thể chất và tinh thần, và cuối cùng qua đời với những bất bình trong trái tim.
Ngược lại, Trần Hiểu Húc, người trở nên nổi tiếng nhờ "Hồng lâu mộng" lại không suôn sẻ trong sự nghiệp diễn xuất, nhưng cô không lo lắng về những rắc rối đó mà quyết định tìm một lối thoát khác trong sự nghiệp kinh doanh. Cô cũng có thể từ bỏ nếu tình cảm không suôn sẻ, vì vậy mà cô có đủ dũng khí để tái hôn. Cô không cho phép bản thân đắm chìm trong đau buồn suốt một thời gian dài mà không thể giải thoát bản thân.
So sánh như vậy để thấy rằng thành công của Trần Hiểu Húc trong việc thể hiện vai Lâm Đại Ngọc có được là do sự lựa chọn táo bạo và tình yêu của cô với vai diễn này. Kết hợp tính cách của bản thân và của nhân vật, sau đó thể hiện chúng một cách tuyệt vời hơn và tạo nên hình tượng Lâm Đại Ngọc trong phiên bản 1987. Có thể nói Trần Hiểu Húc trong bộ phim chính là Lâm Đại Ngọc, nhưng trong nguyên tác thì Lâm Đại Ngọc vẫn là Lâm Đại Ngọc, và ngoài đời thực thì Trần Hiểu Húc vẫn là Trần Hiểu Húc mà thôi.
Nhật Linh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)