Ngoài cái tên GS Cù Trọng Xoay quen thuộc với khán giả truyền hình, Dũng “đê tiện” là cái tên bạn bè thân quen thường gọi. Và nghe nói, “giáo sư” có nhiều biệt hiệu khác nữa. “Giáo sư” thích được gọi bằng cái tên nào nhất?
Tôi không nhớ hết, nhưng mà những cái tên đáng nhớ như hồi bé thì bị gọi là Dũng “phộ” vì bụ bẫm quá; đến thời sinh viên thì bị gọi là Dũng “Vạc” vì hay lọ mọ thức đêm; vào đến FPT thì mới có cái tên Dũng “Đê tiện” do xuất phát từ địa chỉ account của tôi trong FPT là DungDT4 (viết tắt của Đinh Tiến Dũng – PV). Chính cái chữ DT đằng sau đó làm nên những biệt danh “kinh hoàng” như Đê tiện, Điên tệ, Dâm tặc…(cười). Với tôi thì tên nào cũng hay, vì khi người ta nhớ đến tên mình để mà gọi thì thế là đáng quý lắm rồi.
Lý lịch “trích chéo” của giáo sư Cù Trọng Xoay là gì?
Một vị giáo sư hư cấu đến từ một trường đại học hư cấu. Giáo sư này bị … “ngộ chữ” nên hỏi gì cũng trả lời được và chẳng quan tâm là đúng hay sai.
Còn lý lịch “trích dọc” của Đinh Tiến Dũng là gì?
Sinh ra và lớn lên tại phủ Thiên Trường, năm nay 31 tuổi, hiện đang công tác tại Công ty Cổ phần FPT.
Ước mơ ngày bé của “giáo sư” là trở thành…?
Người lớn!
Và bây giờ mong ước là gì? Thực hiện đên đâu?
Giờ thì tôi lại mong thành trẻ con, nhưng điều này là không thể. Tôi giờ chỉ có thể …tạo ra trẻ con chứ không thể quay về làm trẻ con được. (cười)
“Giáo sư” biết yêu năm bao tuổi, mô tả tình yêu đó như thế nào?
Tôi nghĩ là năm 5 tuổi gì đó. Chúng tôi ở cùng nhà trẻ với nhau, được nằm chung cũi. Hai bên bố mẹ cũng thống nhất sẽ là thông gia của nhau, rất tiếc là tình cảm này đã tan vỡ khá nhanh do việc … tranh giành đồ chơi của hai đứa xảy ra khá quyết liệt!
Nếu mô tả về mình theo cách “hỏi xoáy đáp xoay”, đó sẽ là…?
Kẻ mà ai cũng biết là ai đấy nhưng …không thèm chấp!
Công việc 1 tuần của “giáo sư” là gì? Thời điểm nào là thời điểm ngồi viết kịch bản cho Hỏi xoáy đáp xoay?
Tôi đi làm như bao công nhân viên chức bình thường. Tôi viết kịch bản vào ban đêm hoặc vào những ngày nghỉ. Chủ yếu là khi nào có hứng thì sẽ viết.
Khi xem Hỏi xoáy đáp xoay, sếp “giáo sư” (ở FPT) nói gì?
Sếp tôi, anh Trương Gia Bình, có vẻ khá “ấm ức” khi vất vả bao năm mà mới chỉ là Phó giáo sư. Còn tôi, chỉ lên hình có mấy tháng mà giờ ai cũng gọi tôi là Giáo sư! (cười)
Có người nói, kịch bản Hỏi xoáy đáp xoay ngày càng tệ. Thời gian đầu còn mang tính chất xã hội, sau này toàn lôi ca dao tục ngữ ra xuyên tạc vui và “suốt ngày hỏi về chuyện bậy bạ”. “Giáo sư” nghĩ sao?
Tôi không có thói quen nhận xét về những quan điểm cá nhân của quý vị khán giả. Chúng tôi đang cố gắng làm tốt nhất có thể để đem lại những phút giây thư giãn cho người xem, còn chuyện hay dở, nông sâu thì cũng là chuyện bình thường khi mà chương trình có tính dài hơi. Hơn nữa những khái niệm này nó còn tùy quan điểm của mỗi người.
Chương trình nào của Hỏi xoáy đáp xoay “giáo sư” thấy thú vị nhất?
Tôi không nhớ được. Chương trình nào cũng có cái hay và cũng có cái phải rút kinh nghiệm. Có bao nhiêu cái để cười thì chúng tôi cười khi diễn mất rồi, nên khi xem lại chẳng có ấn tượng gì lắm.
Câu hỏi nào thú vị nhất?
Tuần vừa qua giáo sư cảm thấy thế nào? Thú vị bởi vì nó dễ trả lời.
Câu trả lời ưng ý nhất?
Tuần vừa qua tôi thấy rất bình thường, bởi vì nó rất bình thường!
“Giáo sư” sợ câu hỏi nào nhất, ngoài đời?
Giáo sư ơi, tối nay đề về bao nhiêu?
Lúc rảnh “giáo sư” làm gì?
Tôi ngồi nghĩ xem tại sao mình lại rảnh rỗi thế nhỉ?
Tật xấu của “giáo sư” là gì?
Mặt bị …ngơ ngác bẩm sinh, nên dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo và đôi khi làm người khác cảm thấy khó đoán.
Ngoài làm “giáo sư”, anh còn có nhiều tài ở lĩnh vực khác, nổi bật trong cộng đồng mạng là “nhạc chế” với Xăng, Giá, Bởi vì em là chiếc bồn cầu….Đã bao giờ anh gặp rắc rối bởi “chế nhạc” này chưa?
Bản thân “nhạc chế” đó đã là những rắc rối của tôi rồi. Nhưng mà chuyện thì dài và nhiều lắm. Tôi sợ chẳng kể hết được.
Trong các clip, dễ nhận thấy anh toàn chọn bối cảnh thực hiện bài hát là ở công ty? Đó là lúc nào?
Thì đương nhiên là khi hết giờ làm và đồng nghiệp đã về hết. Tôi không muốn làm loạn công sở!
Anh sáng tác nhiều bài hát “nghiêm túc” chưa? Là….?
Cũng có vài bài…nghiêm túc! Năm 2001, tôi viết Hành khúc xanh cho Thanh niên tình nguyện. Năm 2011, tôi viết Tình đảo xacho lính hải quân. Ngoài ra, các loại tình ca thì không kể hết, vì …chẳng nhớ bài nào.
Nghe nói anh sắp cưới vợ, vậy lần đầu anh đến nhà bố vợ có mang …tặng xăng (như lời bài hát) hay….?
Đương nhiên là không rồi! Đấy, bạn thấy “nhạc chế” rắc rối chưa?
Bố mẹ vợ nhận xét gì về ông con rể tương lai là “giáo sư” lại “nhí nha nhí nhố” với những ca khúc nhạc chế trên mạng?
“Thằng này trông vậy nhưng mà tốt!”
Là người hay tổ chức sự kiện, viết kịch bản hài…Đám cưới anh, có kịch bản gì đặc biệt?
Dao sắc thường không gọt được chuôi. Tuy nhiên, chúng tôi có rất nhiều bạn bè đồng nghiệp, tôi tin là họ sẽ giúp đỡ được chúng tôi.
4 năm tham gia viết kịch bản Táo quân, Táo quân Tân Mão năm nay anh vẫn tham gia? Anh có thể tiết lộ về mô hình năm nay, có gì mới, thi “hoa táo” hay là….?
Tôi chưa nhận được “chỉ thị” gì từ anh Đỗ Thanh Hải cả, nên cũng chưa biết là có được giao viết nữa hay không. Mà có thì không biết là viết gì đây….
Sau khi “thử giọng” với những clip ca khúc nhạc chế đăng tải trên mạng. “Giáo sư Xoay” đã được thể hiện tài năng ca hát thật sự trong Cặp đôi hoàn hảo. “Giáo sư” có thể chia sẻ điều gì sau 3 vòng thi đầu tiên?
Tôi thấy hơi hối hận vì vô tình đang lôi kéo gia đình, người thân và bạn bè vào một cuộc chạy đua tin nhắn ủng hộ đầy tốn kém. Tuy nhiên, thú thực là tôi rất hạnh phúc với sự động viên của mọi người dành cho.
Xin cảm ơn những chia sẻ của “giáo sư”!
Thế Giới Điện Ảnh