“Gặp nhau cuối năm”, hay còn được biết đến với cái tên Táo Quân đã là món ăn tinh thần không thể thiếu, được yêu thích và chờ đợi nhất mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tết Nguyên Đán 2021 này, khán giả Việt càng háo hức chờ đón chương trình hơn bởi năm 2020 vừa qua, Táo Quân bất ngờ dừng phát sóng sau 16 năm. Những dự đoán về kịch bản hấp dẫn, format mới lạ được mọi người xôn xao bàn tán từ khi chương trình thông báo trở lại. Tuy nhiên, ngoài tính thời sự xen lẫn tiếng cười mà chương trình gửi gắm, bấy lâu nay, vẫn còn ít người biết những câu chuyện “thâm cung bí sử” phía sau như thế nào.
Táo Quân ra đời thế nào?
Tính đến năm 2021, Táo Quân (tiền thân là Gặp Nhau Cuối Năm) đã có 17 năm gắn bó với khán giả trong những đêm 30 Tết. Và hai người có công nhiều nhất tạo dựng nên chương trình, không ai khác chính là NSND Khải Hưng - người được cho là “linh hồn” của Táo Quân và đạo diễn Đỗ Thanh Hải.
Nói về lý do ra đời Táo Quân, NSND Khải Hưng từng kể rằng, thời còn công tác ở VFC, trong một lần đi qua đoạn đường Lê Duẩn - Cửa Nam (Hà Nội) ông vô tình nhìn thấy tấm băng rôn giới thiệu chương trình “Gặp nhau để cười” với sự tham gia của nhiều diễn viên hai miền Nam - Bắc. Tự nhiên, ông nảy ra ý tưởng làm nên một chương trình hài mang tính dài hơi để mang đến tiếng cười cho khán giả truyền hình vào mỗi dịp cuối tuần. Vậy là sau nhiều đêm trăn trở cuối cùng ông quyết định trình đề án “Gặp nhau cuối tuần” lên lãnh đạo VTV và được thông quá khá nhanh. Khi lên sóng, chương trình cũng nhận phản hồi rất tốt từ khán giả. Và “Gặp nhau cuối năm” ra đời để tổng kết lại mọi sự kiện vào dịp cuối năm, bắt nguồn từ “Gặp nhau cuối tuần”.
“Thực ra, phải nói rằng, “Táo Quân” không phải xuất phát từ VFC mà là từ Đài Truyền hình TPHCM. Khi VFC bắt tay vào làm “Gặp nhau cuối năm” theo kiểu “Táo Quân” thì Đài Truyền hình TPHCM đã phát sóng chương trình này được 5 năm rồi. Tuy nhiên, thời đó họ làm đơn thuần theo kiểu kể câu chuyện của hai ông một bà lên chầu trời và báo cáo thực trạng trong làng ngoài phố. Vì thế, khi bắt tay vào làm “Gặp nhau cuối năm” theo kiểu “Táo Quân” như bây giờ có công rất lớn của anh Đỗ Thanh Hải, bấy giờ là Tổ trưởng tổ sản xuất “Gặp nhau cuối tuần”.
Sau nhiều lần họp bàn cuối cùng cũng nghĩ ra được Nam Tào - Bắc Đẩu, cái này trong truyền thuyết về “Táo Quân” không có. Sau khi nghĩ ra các nhân vật thì bắt tay vào chọn diễn viên để đóng vai”, NSND Khải Hưng chia sẻ.
Vai Bắc Đẩu do nghệ sĩ Công Lý đề xuất ý tưởng
Cũng theo NSND Khải Hưng, vai Bắc Đẩu ban đầu không phải nửa ông nửa bà như khán giả vẫn thấy, mà do nghệ sĩ Công Lý đề xuất ý tưởng nên biến hoá nhân vật theo hướng này để có được nhiều tiếng cười và sự tươi mới hơn nữa. “Không ngờ nhân vật đã tạo được một ấn tượng tốt và “sống” cho đến tận bây giờ. Tôi đảm bảo bây giờ mà xây dựng lại vai “cô” Đẩu thành “chú” Đẩu chắc chắn nhiều người sẽ phản đối kịch liệt”, NSND Khải Hưng khẳng định.
Nam Tào từng muốn làm Thiên Lôi
Ít ai biết, từ những năm đầu tiên của chương trình, nghệ sĩ Xuân Bắc đã muốn được đảm nhận vai Thiên Lôi, thay vì vai Nam Tào luôn kề cận bên Ngọc Hoàng và thường có những màn tung hứng hào hước, thông minh như bây giờ.
Nam danh hài thổ lộ rằng bản thân từng vừa "dọa dẫm" vừa "nịnh" đạo diễn Đỗ Thanh Hải để được đóng vai Thiên Lôi, nhưng kết quả là vẫn được giao đảm nhiệm vai Nam Tào trong Táo Quân. Là một nghệ sĩ tâm huyết với chương trình, anh cũng nhiều lần "hiến" cho đạo diễn những sự việc nhức nhối, nóng bỏng vào kịch bản của chương trình.
Cát-xê “bèo” khi tham gia Táo Quân
Gắn bó với chương trình qua nhiều năm, nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ anh tham gia Táo Quân không phải vì cát xê bởi nếu trả đúng, đài truyền hình sẽ không sản xuất các chương trình này nữa. "Với các chương trình mang tính thương mại, dù thiếu một xu cũng sẽ không tham gia, nhưng với các chương trình xã hội thì nam danh hài luôn sẵn sàng lên đường thậm chí là mang tiền ở nhà đi”, nam nghệ sĩ cho biết.
Vân Dung thẳng thắn cho biết với mỗi ngày ghi hình, các Táo sẽ được trả 5 triệu, còn nếu ghi hình hai ngày thì cát xê sẽ gấp rưỡi hoặc gấp đôi nên với mỗi số Táo Quân, các nghệ sĩ được trả 7 - 10 triệu, con số này khá thấp so với mức cát xê 50 - 80 triệu khi tham gia đóng phim, diễn hài Tết.
Chịu sức ép từ nhiều phía, chiều 30 Tết vẫn phải ngồi cắt sửa
Để mang tới một chương trình hoàn thiện nhất cho khán giả mỗi dịp Tết đến Xuân về là sự nỗ lực của cả một ekip tới tận phút chót. Theo NSND Khải Hưng thì những năm đầu thực hiện “Gặp nhau cuối năm”, chương trình luôn bám sát tiêu chí là tổng kết lại những vấn đề, sự kiện, hiện tượng, nhân vật… nóng trong năm dưới góc độ trào lộng, hài hước, phê phán… nhưng rồi lại được hóa giải bằng tiếng cười.
“Thú thật là không hẳn việc đưa vấn đề nhạy cảm vào kịch bản là “yên thân” đâu mà cũng có này có nọ đấy. Nhưng vì tôi quyết định phải bám chặt tôn chỉ, mục đích ban đầu nên đội làm kịch bản mới thoải mái sáng tạo. Nhiều khi kịch bản viết xong đưa lên chẳng ai duyệt cả nên tôi phải đứng ra duyệt. Chỉ đến sản phẩm cuối cùng thì các cấp lãnh đạo mới ngồi duyệt.
Có những năm, tôi phải lâm vào tình thế rất gay go. Chiều 30 Tết rồi, một mình tôi cùng với Tổng Giám đốc của Đài ngồi xem với nhau. Xem xong, Tổng Giám đốc bắt cắt chỗ này, sửa chỗ nọ, sửa chỗ kia thì mọi người đã về hết rồi. Tôi lại phải gọi điện thoại cho anh kỹ thuật đến để hai anh em cùng ngồi sửa với nhau. Anh Đỗ Thanh Hải là người trực tiếp làm chương trình này thấy cắt chỗ này, chỗ kia thì anh ấy chán nhưng anh Hải rất hiểu tôi là người tạo điều kiện hết mức để anh ấy được sáng tạo tối đa với chương trình nên chẳng bao giờ trách tôi cả”, NSND Khải Hưng chia sẻ.
An An (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)