Thái Thanh vốn là con nhà nòi âm nhạc, chị gái là ca sĩ Thái Hằng, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, con gái là ca sĩ Ý Lan, nhưng danh ca Thái Thanh cho đến khi tóc đã chuyển màu trắng cước vẫn chẳng hề bị chìm lút giữa những nghệ sĩ nổi tiếng trong đại gia đình mình.
Gia đình nữ danh ca Thái Thanh vốn là gia đình nòi âm nhạc ở Hà thành xưa. Thái Thanh là thứ nữ của ông Phạm Đình Phụng với người vợ hai. Người vợ đầu của ông Phạm Đình Phụng sinh được 2 người con là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Người vợ thứ hai sinh ra Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng – vợ nhạc sĩ Phạm Duy), nhạc sĩ Phạm Đình Chương và con gái út Phạm Thị Băng Thanh (tức danh ca Thái Thanh). Thái Thanh còn một người chị gái lớn, sinh trước ca sĩ Thái Hằng, nhưng không may đã trúng bom chết khi còn nhỏ.
Năm 13 tuổi, Thái Thanh đến với âm nhạc nhờ những tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy. Bà được mệnh danh là "Tiếng hát vượt thời gian", một diva lừng lẫy khó ai vượt mặt. Thế nhưng, đăng sau ánh hào quang của bất kì ngôi sao nào cũng sẽ có những câu chuyện khó nói cùng ai.
Danh ca và chuyện ba người
Cuộc hôn nhân giữa danh ca Thái Thanh và nam tài tử Lê Quỳnh một thời đã từng là khuôn mẫu của gia đình Việt Nam vào thập niên 1950. Thời điểm quyết định kết hôn, Thái Thanh đã là một đệ nhất danh ca Sài Gòn, còn Lê Quỳnh là một trong những nam tài tử điện ảnh đầu tiên của màn ảnh rộng Việt Nam, nổi tiếng qua phim Chúng Tôi Muốn Sống đóng cùng minh tinh Kiều Chinh năm 1956. Mối tình giữa đôi trai tài, gái cũng tài này xảy ra vào thời điểm mà truyền thông chưa phát triển, đời tư của họ không bị khai thác. Lê Quỳnh chung sống với Thái Thanh được 9 năm (1956 – 1965) thì gãy gánh. Họ có với nhau 5 mặt con.
Là một diễn viên có nét đẹp rất đàn ông, Lê Quỳnh được mô tả như một gã đa tình, nhưng tánh tình lại rất ghen tuông. Vì lẽ đó, cuộc sống vợ chồng của họ đầy sóng gió. Có lần, Thái Thanh đi hát cùng với hai người anh của mình là Hoài Trung, Hoài Bắc. Dù có xe đưa đón, nhưng Lê Quỳnh vẫn âm thầm bám sát để theo dõi, và ông đã ghen với cả người lái xe vì anh ta đã lịch sự mở cửa cho Thái Thanh.
Câu chuyện ghen tuông trở nên ồn ào hơn khi mối giao cảm giữa nhà văn Mai Thảo và Thái Thanh gây ra nhiều ngộ nhận cho Lê Quỳnh. Vào thời điểm này, vợ chồng Thái Thanh – Lê Quỳnh đang sống cuộc sống gia đình như địa ngục, với những xung đột tiếp diễn hàng ngày, và việc phải chia tay nhau chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên Mai Thảo vẫn là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.
Mai Thảo có tên thật là Nguyễn Đăng Quý, gốc gác ở làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nhưng được sinh ra tại chợ Cồn, xã Quần Phương Hạ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cha ông là một nhà buôn giàu có. Thơ ấu, ông theo học trường làng, nhưng khi lên trung học thì chuyển về học trường Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1945, ông rời gia đình vào Thanh Hóa để đi theo kháng chiến. Mai Thảo làm công tác viết báo và tham gia các đoàn văn công đi lưu diễn khắp Liên khu 3, Liên khu Tư và Liên khu Việt Bắc. Đến năm 1951 thì ông bỏ về thành đi buôn theo nghiệp cha.
Năm 1954, ông định cư hẳn ở Sài Gòn, và trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng. Cùng với Duyên Anh, Mai Thảo là hai nhà văn có số lượng tiểu thuyết xuất bản hàng đầu của miền Nam. Suốt đời Mai Thảo chưa một lần có vợ, nhưng già nhân ngãi non vợ chồng thì không kể hết. Ông được những bằng hữu thân thiết mô tả như một tay chơi có hạng, từng một thời không đêm nào là không có mặt tại vũ trường, sống trong trùng vây của rượu và gái.
Theo nhà thơ Thái Thủy thì: “Cuộc tình giữa Mai Thảo và danh ca Thái Thanh không phải là ngà ngọc mà chỉ là lãng mạn”. Điều này có thể đúng với tính chất của Thái Thanh vào thời điểm hạnh phúc gia đình đang bên bờ vực thẳm, đang rất cần một chỗ dựa tinh thần. Nhưng không thể đúng với một gã đàn ông như Mai Thảo.
Cuối cùng, chuyện vụng trộm của Mai Thảo - Thái Thanh bị Lê Quỳnh phát hiện, ông đã kết thúc mọi việc bằng một trận đòn ghen vào một buổi tối thứ bảy năm 1965, tại phòng trà Bồng Lai. Lúc bấy giờ, Mai Thảo đang ngồi uống rượu với một vài bạn hữu thì Lê Quỳnh xuất hiện. Ông đã giáng một cú đấm như trời giáng vào mặt Mai Thảo nhưng trượt xuống vai. Tiếp đến là bàn tay được Lê Quỳnh võ trang bằng chiếc nhẫn sắt để tặng cho Mai Thảo một vết sẹo trên má, rồi rút êm. Thế nhưng, may mắn lúc đó, Thái Thanh được một viên chức lớn vì quý mến bà đã giúp ém nhẹm mọi chuyện để giữ danh dự cho tất cả.
Đòn đánh ghen của Lê Quỳnh khiến Thái Thanh phẫn nộ và quyết định ly hôn. Sau khi hai người ly dị, ai cũng tưởng Thái Thanh sẽ đến với Mai Thảo nhưng cái kết lại không như thế. Bà kết hôn lần hai với Trần Quý Phong, chủ khách sạn Catinat.
Danh ca, một người phụ nữ và một người mẹ
Thái Thanh được biết đến là nữ danh ca có ảnh hưởng lớn ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng cũng là một người mẹ hết mình vì gia đình. Bà dành cả đời để hát và dành toàn tâm sức để chăm sóc 5 người con yêu thương của mình.
Năm 4 tuổi, Lê Đại - con trai út của Thái Thanh bị ốm, được tổ chức Terre Des Hommes đưa qua nước Ý chữa trị 3 năm liền và năm 1971, Lê Đại trở về Việt Nam khi 7 tuổi. Từ khi sang Mỹ, Thái Thanh đảm đương trách nhiệm làm mẹ với rất nhiều nghị lực. Thái Thanh tập lái xe dù không thích thú. Bà vẫn cố gắng để có thể hàng ngày đưa đón con đi học. Sau 2 năm học tại College Golden West, Lê Đại đã được vào đại học Long Beach. Sự kiên trì và nhẫn nại của bà mẹ Thái Thanh đã giúp Lê Đại (nay là Michael Đại Lê) tự tin hơn, yêu đời hơn. Lê Đại tốt nghiệp đại học năm 1996. Sày này thành danh, Lê Đại đều xem mẹ là mẫu phụ nữ chuẩn mực nhất.
Là một diva, Thái Thanh vẫn chịu vất vả khi chăm các con. Khi cô bé Thanh Loan sang Mỹ, cô bé vương phải bệnh trầm cảm. Trong thời gian tìm hiểu bệnh của con, bà biết con không học hành bình thường như các anh chị em nên đã cố gắng dìu dắt con gái, đi làm những việc thiện nguyện, mong con tìm được niềm vui sống… Bệnh tình con nặng hơn, Thái Thanh đành phải nghe lời bác sĩ và các bạn đồng cảnh ngộ, đưa con vào một bệnh viện chữa trị. Vai trò làm mẹ của cô con gái bị bệnh nặng tâm lý đòi hỏi ở Thái Thanh một thứ nghị lực bằng “thép cứng” cùng sự kiên trì lớn lao.
Một mình Thái Thanh đảm nhận vai trò vừa là mẹ, vừa thay cha trong việc nuôi dạy con cái. Khi dịu dàng, lúc nghiêm khắc, Thái Thanh luôn mong các con có được căn bản vững chắc về văn hóa và đạo đức. Dù các con của Thái Thanh đều có giọng ca thiên phú, nhất là Ý Lan và Quỳnh Hương, nhưng khi Ý Lan còn nhỏ, Thái Thanh nhất quyết không cho con theo nghề ca hát. Thái Thanh buộc con phải học hành như bao người khác. Nhưng dường như là số phận, sau này Ý Lan đi làm, lấy chồng rồi mới bước vào nghiệp xướng ca và vẫn nổi tiếng dù bước vào nghề rất muộn.
Ý Lan luôn coi mẹ là thần tượng trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc, như Ý Lan đã tâm sự: “Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ Thái Thanh âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều khi tôi làm mẹ. Tình cảm thiêng liêng của mẹ dành cho tôi là niềm hạnh phúc và cả sự may mắn vô bờ bến”.
Trên sân khấu là một bà hoàng nhưng ngoài đời thường, Thái Thanh cũng là một người rất đỗi đàn bà. Bà vẫn là một người nội trợ thích nấu ăn, một phụ nữ thích mặc đẹp, ăn ngon, kể cả ăn quà vặt. Khi 70 tuổi, Thái Thanh vẫn cần mẫn làm các món dưa chua, củ cải ngâm nước mắm, kho cá thu, làm thịt đông…
Người phụ nữ tuyệt vời ấy nay đã ra đi. Câu hát năm nào vẫn van vọng mãi: "Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca biệt ly". Thái Thanh giờ không thể cất tiếng hát nhưng những bản nhạc của bà vẫn ngân mãi trong lòng người mộ điệu.
Lam Khánh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)