Từ lúc yêu đến khi cưới, Đặng Văn Lâm và Yến Xuân đều giữ bí mật. Đến hôn lễ được diễn ra vào ngày 7/7 vừa qua tại Nha Trang, cặp đôi chỉ tổ chức riêng tư, có 23 người tham dự đều là người thân và bạn bè.
Lý do được nam thủ thành đưa ra là: "Tụi em chỉ xem đây là một bữa tiệc của gia đình, rình rang quá không phải là tụi em".
Bên cạnh các nghi lễ đơn giản, tiệc cưới của thủ môn đội tuyển Việt Nam còn có một số nghi lễ truyền thống Nga - quê hương mẹ Văn Lâm.
Bà Olga Zhukova mang đến trước mặt con dâu và con trai một ổ bánh mì đặc biệt. Cô dâu chú rể dùng tay bẻ bánh mì, ăn kèm một chút muối. Sau đó, chiếc bánh được chia cho khách mời thưởng thức.
Đây là một tục lệ lâu đời trong ngày cưới nói riêng và đời sống hàng ngày nói chung của người Nga. Chiếc bánh mì được gọi là Karavai. Theo truyền thống, bánh Karavai hình tròn tượng trưng cho mặt trời và trên bề mặt được trang trí họa tiết bông hoa, con vật đẹp mắt. Tuy nhiên sau này, chiếc bánh dần được thay đổi hình dáng bên ngoài đơn giản hơn.
Trong đám cưới của người Nga, sau khi kết thúc các nghi lễ chính thức, cô dâu chú rể trở về nhà và được cha mẹ chào đón, trên tay bưng chiếc bánh mì và hũ muối nhỏ. Hai người sẽ cùng nhau xé bánh, chấm muối và đưa cho nhau ăn. Hình ảnh này mang ý nghĩa từ nay, cả hai sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống, hứa cùng nhau vượt qua mọi chông gai. Ngày nay, nhiều gia đình người Nga vẫn giữ tục lệ này như một truyền thống tốt đẹp.
Bánh mì muối không chỉ được dùng trong đám cưới, còn rất phổ biến khi chào đón khách tới nhà, thể hiện thịnh tình tiếp đón của gia chủ. Sự kết hợp của bánh mì và muối mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Bánh mì biểu trưng cho giàu có và sung túc, còn muối được xem là có khả năng giúp con người tránh khỏi vận xui rủi, không may mắn. Khi vị khách ăn bánh mì, điều này cũng đồng nghĩa hai bên bắt đầu mối quan hệ hữu hảo, cùng nhau chia sẻ mọi khó khăn lẫn may mắn.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)