Chào anh Võ Hoài Nam, anh có thể cho biết cảm xúc khi xem lại những thước phim mình đóng trong "11 niềm hi vọng"?
Có lẽ không có từ nào để tả được vì quá tuyệt vời khi lần đầu tiên, tôi được vào vai hoàn toàn chưa bao giờ thử. Vai diễn khá thành công. Bộ phim được qua bàn tay nhào nặn cắt dựng của đạo diễn kết hợp với âm thanh, ánh sáng, tiếng động khiến phim khá hay. Không phải tự làm mà khen đâu, nhưng phim hay thật. Bản thân tôi xem đã phải rơi nước mắt ở một số phân đoạn. Nhất là đoạn cuối khi anh em một lòng đoàn kết đưa đội tuyển Việt Nam đến thành công.
Đó có phải là một phần mơ ước của anh đối với nền bóng đá Việt Nam khi thực hiện bộ phim này?
Điều mơ ước này đã có từ lâu trong lòng khán giả, trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nếu được như trong cái kết của bộ phim thì người yêu bóng đá Việt sẽ toại nguyện hơn.
Vai diễn này không giống những vai diễn khác nhưng liệu nó có đủ mạnh để vượt qua "cái bóng" trước của anh?
Tôi cảm thấy bộ phim này tôi đã thành công trong một lĩnh vực mới, một thử sức mới. Chúng ta không thể so sánh giữa phim này với phim khác vì sự thành công của mỗi nhân vật là khác nhau. Một bộ phim hay là tất cả diễn viên đều được nổi lên và được khẳng định mình hơn.
Đã lâu lắm mới thấy anh trở lại màn ảnh Việt, thời gian qua, công việc và cuộc sống của anh thế nào?
Tôi cũng như những người bình thường phải lo cơm, áo, gạo, tiền cho gia đình và cho bản thân. Điện ảnh làm không phải vì tiền mà làm để đốt cháy chính mình, để đạt được mong muốn, để mang đến cho khán giả những vai tròn trĩnh nhất. Điện ảnh không phải là nơi nghĩ về nó để kiếm cơm. Có những người có thể nghĩ kiếm tiền từ điện ảnh, còn với tôi, tôi chỉ nghĩ đó là nơi trau dồi nghề nghiệp ngày một tốt hơn.
Người ta gọi là làm phim, còn tôi gọi là chơi phim. Tôi chơi với điện ảnh, tôi chơi với truyền hình. Chính vì thế, chỗ tôi chơi thì tôi phải chơi cho hết mình. Ngoài màn ảnh sân khấu ra, tôi phải buôn bán nho nhỏ, làm gì đó để có thu nhập. Hai vợ chồng tôi phải làm kinh tế để các con không bị thua kém nhiều so với mọi người. Tôi cũng chỉ cần vừa và đủ để khi tôi bước chân đi chơi với điện ảnh sẽ không phải lo vấn đề kinh tế ở nhà nữa. Từ đó, bản thân sẽ cống hiến được tốt hơn, làm cho vai diễn tròn trịa hơn.
Anh từng chia sẻ: "Cuộc sống cho anh nên người". Còn riêng phim ảnh cho anh điều gì?
Trong cuộc sống, khi ta ghi nhận những vốn sống, những hoàn cảnh sống không phải lúc nào cũng được nhìn thấy, hay bộc lộ ra ngoài. Chính điện ảnh cho tôi cơ hội được bộc lộ những gì tôi được học ngoài đường, ngoài chợ, ngoài trường. Mình học được cái gì từ những mẩu chuyện, từ những nhân vật trong đời thực thì mình gói ghém những kí ức, những kỉ niệm, những vốn sống đó để tung ra màn ảnh. Tôi làm sao đủ vốn sống để làm phim nào, vai nào cũng thành công. Đó là vốn của xã hội.
Có khi nào áp lực kinh tế ảnh hưởng đến niềm đam mê của anh không?
Có chứ. Đó là lí do vì sao nhiều năm tôi không làm phim. Tôi chưa cảm thấy vừa và đủ cho gia đình nên phải cố gắng vượt qua được điều đó. Có gia đình mà lúc nào cũng lên đường đi làm phim chỉ để đốt cháy mình, đó sẽ là sự ích kỉ. Phải biết cách hoà hợp để vẫn được chơi, vẫn được đốt cháy và vẫn có gia đình nho nhỏ bên cạnh thật hạnh phúc.
Bốn đứa con của anh có bé nào sở hữu niềm đam mê như bố?
Hai bé đầu đã có. Hai bé sau còn quá nhỏ nên chưa bộc lộ nhiều. Bé lớn học lớp 7 thì năm ngoái và năm nay đi hát liên tục, bé cũng học thêm về thanh nhạc.
Một thời gian dài anh không làm phim, nay lại trở lại bà xã anh đã nói gì?
Vợ là người ủng hộ tôi nhiều nhất, đẩy tôi ra đường nhiều nhất nhưng tôi không đi. Cô ấy suốt ngày bảo: "Anh đi làm đi, ra đường đi cho vui". Tâm trạng đâu mà làm phim khi gia đình đang thiếu thốn. Tiền điện, tiền nước, tiền con đi học thêm, tiền quần áo... đủ thứ trên đời. Khi tôi chưa cảm thấy đủ kinh tế, tôi chưa đi.
Vậy bây giờ anh đã vững kinh tế để phát triển đam mê rồi chứ?
Đủ thì đủ lâu rồi nhưng phim nào ta nên làm, ê kíp nào ta nên làm, kịch bản nào ta nên làm, đạo diễn nào ta nên làm... tôi hơi khắt khe trong việc chọn lựa . Vì những điều này nên đã lâu tôi không làm phim. Có những kịch bản nhiều tập với người khác là hay nhưng với tôi, đọc được vài tập và cảm thấy không thích, tôi đành phải từ chối.
Khi xưa là một diễn viên nổi tiếng, phải dừng lại một thời gian để làm một trụ cột kinh tế. Anh đã phải thích nghi hai vai trò này như thế nào?
Tôi phải rạch ròi nó ra. Khi làm kinh tế phải chú trọng vào kinh tế. Khi làm diễn viên ta chú trọng vào vai diễn vào nhân vật. Muốn rạch ròi phải lo cho nó chu đáo. Nếu hai cái đều dở dang thì làm gì cũng dở. Đừng có tiếc. Nhiều người cứ tiếc hộ tôi: "Sao đang nổi tiếng lại bỏ đi?" Dù có 10 năm, 20 năm nữa không đóng tôi cũng không sợ vì cái tiếng đó không bao giờ mất đi. Nhưng tôi sẽ mất ngay lập tức nếu tôi làm một bộ phim dở vì tiền hay vì những thứ tào lao.
Khi một diễn viên đang nổi tiếng hẳn phải có kinh tế. Vì sao anh lại phải bỏ phim ảnh để làm kinh tế?
Thù lao của phim ngày xưa có đáng gì đâu. Phim Cảnh sát hình sự đóng hai năm liên tục. Tôi tự đổ xăng xe để đi. Hai năm đó, người ta trả cho tôi 1triệu/1 tập. Hai tập cuối đạo diễn còn ăn bớt của tôi 2 triệu là tôi còn 38 triệu. Trong vòng hai năm với số tiền 38 triệu sao mà sống. Ngày xưa quay một tập phim ít nhất phải 15 ngày chứ. Phim truyền hình xưa toàn lấy bối cảnh thật, tiền đổ xăng cũng đã vượt con số 38 triệu. Có những người giàu theo kiểu khác, còn tôi chỉ biết làm diễn viên. Mình không có gì để bán nên tốt nhất không bán mà chỉ bán thân cho nghệ thuật nên cứ phải nghèo. Nghèo không quan trọng. Miễn lên được màn ảnh, làm tốt vai diễn của mình, khán giả nhớ đến mình là giàu sang lắm rồi. Trời cho bốn đứa con, ai giàu bằng tôi. Chưa chắc nhiều tiền mà đã giàu.
Vậy thời điểm anh đóng phim, gánh nặng kinh tế thuộc về vợ anh không?
Cả hai cùng vất cả. Khi tôi có một chút danh tiếng, nhà bán hàng nhậu, người ta đến uống rượu cứ muốn gặp tôi. Vợ phải làm, chồng phải tiếp rượu nên mấy năm đó tôi gầy nhom. Bây giờ có tuổi rồi phải bỏ vì lo cho sức khoẻ. Người làm thực thì không khổ, người ngồi tiếp khách nhìn thế chứ khổ hơn. Tuy nhiên, ngồi tiếp khách lại có thêm bạn, có thêm vốn sống, ngồi ở quán lại moi được vốn sống của thiên hạ lại được học nhiều hơn, khôn hơn.
Hiện tại cuộc sống của anh như thế nào?
Cuộc sống của tôi rất ổn. Cuộc sống sẽ luôn ổn dành cho những người không tham. Tôi là người không tham nên rất ổn.
Trong suốt khoảng thời gian không tham gia diễn xuất, nhìn những người bạn của mình đóng phim và có những vai diễn hay, cảm giác của anh như thế nào?
Một ngày bạn ăn bao nhiêu bữa? Ba bữa đúng không? Nếu một ngày cho bạn ăn một bữa thôi, bạn có đói, có thèm không? Tôi cũng vậy, rất thèm khát, rất đói nhưng có nên ăn không? Nên ăn vào lúc nào cho đúng bữa và ngon chứ không phải miếng nào ta cũng ăn. Mặc dù đói, có những món không ngon cũng sẽ không ăn, đá với sỏi làm sao mà nhai nuốt nổi. Ta phải chọn cơm, đâu phải lúc nào cũng có cơm mà ăn. Điện ảnh bây giờ làm vì nhiều cái chứ không phải vì một nền điện ảnh thực sự. Ta phải chọn những gì hợp lí, vừa miếng thì mới ăn được. Có những lần tôi phải từ chối vì có bộ phim tung ra vì một mục đích nào đó, ví dụ như làm chỉ để ca tụng một nhân vật, khi người ra bỏ một chút tiền để làm phim ca ngợi chính bản thân người ta thì tôi khó chấp nhận, khó thủ vai. Hay có những bộ phim nội dung rất bình thường nhưng nào là nhà lầu, xe hơi... với những người diễn viên không phải diễn, đọc thoại đến hai mươi mấy lần mà ra trường quay lại không thoại nổi thì làm sao có thể làm phim chung với họ được.
Thôi thì tôi không được cái giải gì cũng được cái giải trong lòng quần chúng trong lòng khán giả. Tại sao tôi lại đánh mất điều đó? Mặc dù một ngày người ta cho ăn một bữa đói lắm nhưng vẫn không ăn, quyết tâm tuyệt thực.
Nhắc đến anh, mọi người nhớ đến hình ảnh một nam diễn viên điển trai, phong độ, khi đóng với các diễn viên trẻ như: Nhan Phúc Vinh, Hiếu Nguyễn... anh cảm thấy thế hệ diễn viên sau này có điều gì kém hay hơn so với thế hệ anh?
Diễn viên của Việt Nam không ai kém, chỉ có đạo diễn kém, kịch bản kém. Diễn viên Việt Nam từ già đến trẻ đều rất giỏi. Đã bước lên sàn diễn là người ra cũng có học qua trường lớp. Nhưng sự học hỏi đó cũng không được phát huy nếu không có sự nhào nặn của đạo diễn, không có sự liên kết chặt chẽ của kịch bản. Diễn viên không được người này có thể thay người khác nhưng câu chuyện lại do đạo diễn quyết định chứ không phải do diễn viên.
Thời gian gần đây, phim truyền hình miền Nam đang bão hoà, phim truyền hình miền Bắc lại có nhiều phim được đầu tư công phu, chỉn chu, vực lại làn sóng phim truyền hình Việt. Anh đã xem những bộ phim đó chưa và có muốn tham gia lại phim truyền hình để vơi bớt nỗi nhớ của mình?
Cũng có lời mời tôi vào một phim truyền hình 27 tập, nhưng tôi từ chối. Thứ nhất, người ta gọi gấp quá. Thứ hai, tôi chưa đọc kịch bản. Khi người ra đã bấm máy mới gọi, tôi cho rằng đó là một sự thiếu tôn trọng. Khi đã bị "gợn" như thế thì còn gì là sáng tạo nữa. Khi đã bị ức chế thì tốt nhất không làm.
Phim truyền hình Bắc và Nam từ trước đến nay dù người ta có vo gạo, nấu cơm... làm hàng trăm việc nhưng vẫn bật ti vi và vẫn hiểu nội dung từng tập là vì phim nói nhiều quá, câu giờ nhiều quá. Bây giờ, người làm phim đã làm phim truyền hình tốt lên, câu thoại đắt giá hơn, sự câu giờ cũng bớt đi. Điện ảnh bây giờ sử dụng ngôn ngữ hình thể nhiều, khi nào bí mới dùng ngôn từ.
Cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!
Lam Khánh (Theo nld.com.vn)