Trong sự ồn ào, hỗn tạp của âm nhạc đương đại, người ta vẫn có thể bắt gặp những giọng hát luôn cháy bỏng đam mê và khát vọng như Tùng Dương. Ở bất cứ chương trình ca nhạc nào có sự góp mặt của anh, người xem có thể hoàn toàn yên tâm rằng đó là một chương trình đáng xem. Bởi với Tùng Dương, âm nhạc chính là cuộc sống, là sự nghiệp và là tình yêu lớn.
Văn hoá Việt không phải là thứ văn hóa bị lai căng
- Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, âm nhạc Việt Nam đương đại rất khó để có thể thâm nhập vào làng nhạc thế giới. Theo anh điều này đúng hay sai?
- Dương nghĩ rằng để đưa được âm nhạc của Việt Nam ra thị trường quốc tế không phải là điều đơn giản bởi nền âm nhạc của các nước trên thế giới đã đi trước chúng ta rất xa. Theo Dương, chỉ đưa bản sắc riêng của âm nhạc Việt ra thế giới mới có thể được. Hiện nay, chỉ có nhạc sỹ người Pháp gốc Việt là Nguyên Lê có đủ sức mạnh để đem âm nhạc của Việt Nam ra thế giới.
Ca sĩ Tùng Dương
- Phải chăng nền âm nhạc Việt Nam đang xuống cấp một cách trầm trọng?
- Dương không nghĩ như vậy bởi trong sự xuất hiện quá nhiều của những điểm đen sẽ có những điểm trắng xuất hiện. Thực ra, ở bất cứ nền âm nhạc nào trên thế giới cũng còn có rất nhiều điều cần bàn như nhạc thị trường hoặc những bài hát được gọi là "thảm họa". Nền âm nhạc luôn tồn tại tất cả các dòng nhạc theo mọi sở thích, mọi trình độ thưởng thức âm nhạc của công chúng. Nhưng vẫn còn rất nhiều người luôn trăn trở để tìm ra những giá trị âm nhạc đích thực. Gần đây có rất nhiều chương trình âm nhạc được công chúng đón nhận nồng nhiệt và đánh giá rất cao như chương trình Dương – Lý, chương trình của Thanh Lam – Quốc Trung….
- Giữa lúc dòng nhạc thị trường đang phát triển rất mạnh, những ca sỹ hát nhạc thị trường có thể kiếm tiền, show diễn nhanh chóng thì anh lại luôn tìm về với những hình ảnh xưa cũ như "Cánh cò, cây đa, bến nước sân đình". Tại sao vậy?
"Khi ca sỹ Việt Nam đội tóc giả hay nhuộm tóc vàng hát nhạc hiphop thì đó không còn là hình ảnh thể hiện văn hóa người Việt nữa"
- Dương nghĩ rằng mình là người Việt Nam, mang tâm hồn và tính cách của người Việt chứ không phải là thứ văn hóa bị lai căng. Khi ca sỹ Việt Nam đội tóc giả hay nhuộm tóc vàng hát nhạc hiphop thì đó không còn là hình ảnh thể hiện văn hóa người Việt nữa.
Văn hóa người Việt Nam là cánh đồng, là con cò, là cây đa, bến nước. Tại sao mình không đưa những hình ảnh đó vào âm nhạc và thổi vào đó hơi thở của thời đại hoặc nhìn vào nó theo một góc độ mới. Những người trẻ như Dương cảm nhận cuộc sống đó theo lăng kính riêng của mình. Đó là điều rất đáng quý, nó sẽ tồn tại được trước thử thách của thời gian. Còn thứ âm nhạc ồn ào, thị trường mà ca từ vô nghĩa, không có tính văn học chỉ mang tính thị trường, nhất thời và không thể sống lâu được trong lòng công chúng.
- Nếu có ai đó nói rằng: nhạc mà Tùng Dương chọn, cách mà Tùng Dương thể hiện bài hát rất khó nghe. Anh sẽ nói với họ như thế nào?
- Khó nghe hay dễ nghe là do sự cảm nhận của mỗi người nhưng đối với Dương nó hoàn toàn không khó nghe một chút nào. Những bài hát như “Con cò” hay “Giăng tơ” đậm chất Việt Nam. Ai nghe những bài hát đó cũng thấy mình trong đó. Hình ảnh con cò, cánh diều rất gần gũi với mỗi người dân Việt Nam. Chính vì vậy nếu ai nói nhạc của Dương khó nghe tức là họ chưa hiểu Tùng Dương và chưa nghe nhạc của Dương nhiều.
Rất khó để chiều lòng tất cả mọi người nhưng Dương tin rằng những ai yêu quý và nặng lòng với dòng nhạc mang âm hưởng dân gian sẽ luôn theo dõi và ủng hộ Dương.
- Hiện nay có thực trạng, có một số người mẫu, diễn viên, thậm chí cả hoa hậu cũng lấn sân sang lĩnh vực âm nhạc trước sức hút kỳ diệu của thị trường âm nhạc. Nhưng thực sự, họ gây ra những hiệu ứng thực sự không tốt. Anh có đánh giá gì về vấn đề này?
- Dương không đánh giá người khác bởi những gì không thuộc về mình thì mãi mãi nó sẽ không thuộc về mình. Thực ra cứ để cho họ thử nghiệm và tự họ sẽ thấy cái nào là vừa vặn và hợp với họ nhất. Trên thế giới có không ít người có tài năng thực sự ở nhiều lĩnh vực. Còn ở Việt Nam những người có thực tài ở nhiều lĩnh vực có lẽ là rất hiếm. Khi bạn thử dấn thân vào âm nhạc, nếu bạn thực sự có năng khiếu, thực sự có tài thì bạn sẽ tồn tại còn ngược lại, bạn sẽ bị quên lãng ngay.
- Theo anh, người nghệ sỹ có nên đa năng?
- Thực ra, đa năng trong một hạn định nào đó thì được. Quan trọng là phải biết đánh giá được khả năng của mình đến đâu và mình có thể phát triển theo hướng nào chứ không phải mình cứ ôm đồm những thứ không thuộc về mình.
- Vậy có bao giờ anh nghĩ mình tham gia đóng phim?
- Dương chưa thử nên chưa đánh giá được. Biết đâu sẽ có một Tùng Dương là diễn viên ngoài một Tùng Dương là ca sỹ (cười). Nhưng trong thời điểm này, Dương nghĩ mình sẽ chỉ tập trung vào âm nhạc.
- Biết đâu đó, có một ngày Tùng Dương tham gia đóng phim nhưng vai diễn không phù hợp với mình hoặc diễn xuất không tốt, anh có sợ mình đánh mất đi hình ảnh của Tùng Dương cháy bỏng đam mê, khát khao trên sân khấu âm nhạc?
- Dương là người tỉnh táo và biết được cái gì thuộc về mình.
- Anh có nghĩ rằng mình sẽ sáng tác âm nhạc?
- Dương có nghĩ đến việc sáng tác nhưng không phải để trở thành một Tùng Dương nhạc sĩ mà chỉ để cảm nhận một cách trọn vẹn bài hát, để có thể chọn được những bài hát phù hợp nhất với giọng hát của mình. Nhưng điều đó còn hơn rất nhiều mình phải đi đóng phim. Bởi nếu sáng tác âm nhạc, Dương vẫn được sống, được cống hiến cho âm nhạc chứ không phải dấn thân vào một ngành nghệ thuật hoàn toàn xa lạ khác.
- Tùng Dương có thể bật mí về dự án âm nhạc trong thời gian tới của mình?
- Cuối năm nay, có thể Dương sẽ làm một liveshow âm nhạc nhưng chưa thể bật mí điều gì lúc này. Trong năm, Dương sẽ ra mắt một album về nhạc tiền chiến. Đó vẫn là những giá trị xưa cũ nhưng được thể hiện theo phong cách hoàn toàn mới.
- Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
VTC