- Khi nuôi con, chị có định hướng cho con cái về những thứ chúng đọc, xem, nghe?
Những ai có con hẳn sẽ thấy đây là chuyện nhức đầu lắm. Thực tế, mình nuôi dưỡng cho con khỏe mạnh dễ hơn là “nhào nặn” nó thành một hình tượng nào đó như: cách nghĩ, cách cư xử, nhân cách… thì thật là khó trong thời đại này. Nhiều khi mình lo cho con đi đường gặp chuyện này nọ không hay nên đến 13-14 tuổi vẫn bỏ công đưa đón với ý là bảo vệ con. Nhưng nhiều khi con lại không thích vì cảm thấy bị gò bó.
Tôi nhớ lại khi mình còn nhỏ, ba mẹ bắt mình làm cái này, cái kia mà trái ý là mình không thích, nên giờ đến lượt con mình cũng vậy thôi. Nhất là thế hệ này có quá nhiều kênh để tiếp xúc với mọi thứ của xã hội như: internet, games… Tôi may mắn vì con mình biết nghe lời, chứ tuổi này nếu con cái muốn qua mặt cha mẹ thì cũng không thể nào kiểm soát được. Nên có chuyện gì con làm không vừa ý mình cũng phải tìm cách nhẹ nhàng cho con biết là làm vậy bố mẹ sẽ buồn để con tự điều chỉnh.
Ca sĩ Cẩm Vân
Dĩ nhiên, mình không thể giữ mãi chân con được, đến một lúc nào đó cũng phải tiếp xúc các vấn đề trên vì nó quá dễ, chỉ cần một cái click chuột… Một số kênh truyền hình hiện nay cũng thường đưa lên những cảnh phim rất nhạy cảm với tuổi mới lớn. Tôi cảm giác là bây giờ chuyện kiểm duyệt cũng chưa được sâu sát, vì có những cảnh phim con nít xem được rất tệ hại.
Ngay những quảng cáo cài nhạc chuông, nhạc chờ trên báo cho lứa tuổi này cũng có những hình ảnh ăn mặc nhạy cảm, kể cả ở những báo lớn. Bên cạnh những bài viết phê phán về vấn đề này nhưng sao vẫn đăng những quảng cáo nội dung như vậy. Tôi xem thấy rất bất mãn nên chuyện này quả là đau đầu. Từng ngóc ngách của xã hội được thấm vào đầu con trẻ mỗi ngày một tí nên không có cách nào cấm tiệt được mà phải lựa lời tâm sự từ tốn, nhẹ nhàng với con.
- Ở thời đại công nghệ thông tin phổ biến như hiện nay, có lúc nào chị cảm thấy bất lực trước việc ngăn con cái tiếp cận những thứ mà theo quan điểm của chị là không được phép?
(Cười) Chưa, tại con mình luôn đi chung với gia đình chứ có bao giờ được đi chơi riêng đâu. Con cái có vào chat thì tôi vẫn kiểm soát bằng những phần mềm lưu trữ và khóa lại những trang không phù hợp với lứa tuổi của con. Bây giờ thì chưa phát hiện ra điều gì đáng sợ, nhưng tương lai thì chưa biết được, vì thông tin có thể đến từ tin nhắn của bạn bè của con... và cả khi con ở trường? Vậy nên mình phải thường quan sát khi con đi học về, xem con vui buồn thế nào, có gì lạ không vì tuổi này dễ có những thay đổi bất ngờ nhất, tuổi teen mà.
- Người ta bảo “hãy là cha mẹ có mục đích”, tức là nếu muốn con mình trở thành người như thế nào thì hãy thể hiện chính bản thân mình như vậy. Chị có tin điều đó và có làm theo như vậy?
Rất đúng. Mình sao thì con cái sẽ giống vậy. Tôi có một cái dở là luôn muốn con mình ăn nói mềm mại nhưng nhiều khi mình nói chuyện nhanh quá. Khi thấy con mình như vậy mình lại bảo con không được như thế nhưng nghĩ lại thấy đó là do bị ảnh hưởng từ mình. Hiện con nó giống tôi ở tính trung thực, không bao giờ thấy có nói không hoặc thấy không nói có được. Khi dạy về sự trung thực có nhiều thứ bất ngờ làm mình bối rối lắm.
Cẩm Vân và cô con gái cưng 14 tuổi của mình
Ví dụ, khi đi ra ngoài gặp người mời mình ăn cơm, muốn từ chối nhưng ngại người ta nghĩ ngợi nên bảo là “tôi mới ăn xong, no lắm”. Con thấy mình nói vậy liền bảo “mẹ ăn hồi nào”. Mình chống chế: mẹ nói vậy đừng bao giờ nói theo. Con bảo: mẹ dạy con không được nói dối mà. Nên nhiều khi cũng làm mình bị “bể” (cười).
- Quá trình làm gương cho con cái thường gặp những khó khăn gì vậy chị?
Thực sự tôi ít nghĩ đến chuyện làm gương, mà sống rất thoải mái, mình sao thì con người mình nó thể hiện ra vậy. Những thứ mình thấy phải làm gương là chuyện tình cảm, sinh lý. Ví dụ, mình dặn con: vô trường gặp bạn trai phải làm sao, không giỡn, bạn học là bạn học, tuổi này không có bạn trai được nhưng phải giải thích cho con hiểu là tại sao và bảo con có chuyện gì thì nói với mẹ, mẹ chỉ cho. Con nít bây giờ yêu sớm hơn mình ngày xưa, vô trường học thấy học sinh 14-15 tuổi ngồi ôm nhau công khai, chẳng giống thời mình tí nào. Lo lắm…
- Chị và chồng đều là người của công chúng, khi cả gia đình ra ngoài xã hội chị có chịu áp lực gì không?
Tôi chỉ bị áp lực về chuyện sợ con mình làm bạn với người không tốt thôi, chứ không bị áp lực rằng ra ngoài thì phải làm sao. Ngay với con cái, mình cũng nói cho chúng biết trước là đã lỡ sinh ra là con của nghệ sĩ thì ra ngoài người ta sẽ nhìn mình với con mắt gay gắt hơn người khác, con không nên khó chịu. Con bị áp lực chứ không phải mẹ, nhưng đó cũng không phải là áp lực nữa mà là tư cách của mình nên con phải cố gắng. Trong trường bạn con chửi thề hay làm cái gì mà con biết là cái đó hư thì đừng bao giờ làm theo. Tôi cứ chỉ dẫn được đến lúc nào hay lúc đó. Giờ còn nghe lời, đi đâu cũng theo mẹ là thấy mừng rồi.
Hai vợ chồng Khắc Triệu - Cẩm Vân
- Có người bảo sống trung thực mới là đáng sống. Riêng chị: như thế nào mới là đáng sống?
Tôi cũng thấy trung thực là đáng sống nhất và cũng dạy con như vậy. Tôi luôn bảo “mẹ lỡ làm người nổi tiếng, nhưng ra đường rất ít khi make-up, nên trong cuộc sống con hãy cứ làm những gì mình thấy thoải mái, miễn là lòng mình cảm thấy việc đó đàng hoàng, tâm mình tốt là quan trọng nhất. Và con thấy là chưa có ai chửi mẹ mặc dù mẹ là người của công chúng, chắc một ngày nào đó cũng có người ghét nhưng được đa phần quý mến...”.
Tôi cũng dạy con đừng bao giờ sống giả tạo với bề ngoài, phải sống thật với mình, sống đàng hoàng với mọi người thì từ cái xấu cũng thành cái đẹp. Vẻ ngoài dù có đẹp cỡ nào thì một ngày nào đó cũng phải phai đi, chỉ có tấm lòng là không bao giờ xấu đi. Con trai khi ngã sẽ có thêm kinh nghiệm để đứng lên đi tiếp được, còn con gái mà ngã là dễ ngã luôn...
- Có câu “không có ai hoàn hảo cả”, vậy có cần phải thanh minh về những thiếu sót của mình không, thưa chị?
Không ai đạt đến sự hoàn hảo được, ngay bản thân tôi cũng không bao giờ bằng lòng với cái mình có. Tôi thấy bản thân có nhiều thiếu sót lắm, lớn nhất là không chăm sóc đầy đủ cho gia đình. Dù lo được cho con ăn học, nhưng không có thời gian dành cho con, cùng học, kèm cặp con vì giờ đó tôi lại phải đi hát rồi, nên phải thuê gia sư đến nhà dạy, bỏ mặc con với người ta, không sát sao được. Nhiều bữa đi làm về mệt mỏi quá, con cái hỏi mình cũng lơ lơ cho qua vì lực bất tòng tâm. Hôm sau kiếm cách bù lại… Những lúc làm con buồn là nó rơm rớm nước mắt, khi đó tôi cảm thấy hối hận lắm - con ai cũng là trời mà.
Làm nghề nào rồi cũng phải đến lúc dừng. Anh Triệu cũng muốn tôi nghỉ để lo cho con nhưng thấy lúc này mình vẫn mê nghề, hát vẫn được và vẫn còn khán giả. Tuy nhiên, không phải ở nơi nào tôi cũng nhận hát mà chỉ chỗ nào mình phiêu được, hát hay được, hợp mới nhận.
- Xin cảm ơn chị!
VNMedia