Ông liên tục nhắc đến Ya Suy: “Tự hào lắm cậu à, có nó nên bữa nay cái tên Tà Hine mới trở nên quen thế này và cũng nhiều người biết đến người Chu Ru chúng tôi”. Già Ya Biên bảo đêm qua các ngả đường của xã vắng hoe, ai nấy đều tập trung trước tivi, hôm nay thì đâu đâu cũng nói chuyện về Ya Suy.
Bà con trong buôn đến chúc mừng bố mẹ Ya Suy sau đêm đăng quang.
Ông kể hôm nay ông dự một đám cưới trong xã, câu chuyện rôm rả nhất trên bàn ăn cũng là chuyện đứa con của buôn làng vừa thắng cuộc đêm qua. Ông Ya Biên còn bảo: “Tao sẽ xin cây đàn mà thằng Ya Suy từng chơi để bảo quản cho con cháu người Chu Ru sau này”. Bí thư Xã đoàn Tà Hine Phạm Thị Hoa bảo Ya Suy làm mọi người trong xã bất ngờ quá, biết anh ấy hát hay nhưng đâu có nghĩ người “hiền như cục bột”, ít nói, ít cười vậy mà có ngày nổi tiếng đến thế.
Sau hai năm học tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang, chàng trai dân tộc Chu Ru Ya Suy quay về quê nhà làm cán bộ văn hóa tại UBND xã Tà Hine (Đức Trọng, Lâm Đồng). Ya Suy cho rằng công việc này sẽ giúp anh được gần gũi với các hoạt động văn nghệ như ngày anh còn đi học tại đây. Một tối, Ya Suy nói với bố mẹ: “Con vừa xin nghỉ việc rồi, mai con đi Sài Gòn”. Mẹ anh, bà Ma Ly, không hỏi lý do nhưng bà đồng ý: “Tôi đưa tiền thì Ya Suy từ chối, nó có ít tiền tiết kiệm từ thời sinh viên”. Sau này, bà Ma Ly và chồng mới hiểu lý do Ya Suy bỏ việc tại xã để đi Sài Gòn: “Thằng đó sợ lỡ thi rớt thì người ta cười chê, nên mới lặng lẽ đi thi như vậy”.
Ya Suy đăng quang Vietnam Idol 2012.
Ông Ya Thiều, bố của Ya Suy, kể rằng Ya Suy mê hát từ nhỏ. Trong nhà, trên nương, nơi đâu có Ya Suy là có tiếng hát của Ya Suy. Ông bảo nó hát theo các ca sĩ hát trên tivi chứ không có ai chỉ dạy. Những năm học tiểu học cho đến trung học, không lúc nào Ya Suy không tham gia hoạt động trong đội văn nghệ của trường. Thỉnh thoảng Ya Suy tham gia hát phục vụ đám tiệc như một cách phụ giúp gia đình.
Nghe ông Ya Biên xin cây đàn của Ya Suy, ông bảo đợi nó về, cây đàn này rẻ tiền nhưng là công sức nó đi hái cà phê mướn cả tháng trời. Ông Ya Thiều kể từ lúc có cây đàn, Ya Suy hay ngồi hát một mình bên hiên nhà. Khi thì các ca khúc về Tây nguyên đã rất phổ biến, khi là những bản nhạc nước ngoài mà ông chưa nghe bao giờ. Nó cứ hát từ chiều cho đến tối, khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, không còn để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh.
Trong lần về thăm nhà gần đây nhất, Ya Suy nói với bố sau khi cuộc thi kết thúc sẽ có tiền thưởng, lúc đó sẽ thanh toán khoản vay ngân hàng hơn 20 triệu đồng. Ông phẩy tay: “Mày làm tốt những gì mày lựa chọn đi, đừng để tâm nhiều đến chuyện đó. Vay tiền cho mày đi học là chuyện tao phải làm”. Khắp làng xã nhắc đến Ya Suy như một niềm tự hào nhưng ngay tại căn nhà nhỏ nằm bên hông một quả đồi nhỏ, nơi Ya Suy sinh ra và lớn lên, mọi người trong gia đình đều bình thản. Mọi người vẫn lên rẫy bình thường. Đêm qua trên tivi nghe Ya Suy bảo sẽ mua thêm đàn heo sau khi nhận tiền thưởng, bố Ya Suy vội gọi cho con gái đang ở TP.HCM, dặn nhắc Ya Suy không được mua lung tung, để dành tiền kiếm thầy học hát cho đàng hoàng.
Cha của Ya Suy với cây đàn quen thuộc của con trai.
Ông nói: “Cô Mỹ Tâm còn nặng lời với nó như vậy là nó còn dở lắm”. Ông Ya Thiều còn dặn vợ nếu Ya Suy có gọi điện thoại về cũng không được khen nó. Các em Ya Suy báo với gia đình là Ya Suy chưa về thăm nhà được, ánh mắt bà Ma Ly ánh lên một nỗi lo: “Giờ nó nổi tiếng rồi, không biết nó có sống được như ngày nó còn ở quê để bà con trong buôn làng thương không. Nó có làm tới ông trời thì nó cũng phải nhớ nó là đứa con của buôn làng”.
Ya Suy, giữ lấy đam mê! |
Tuổi Trẻ