Mới đây, thông tin học sinh trường Gateway bị nghi tử vong trên xe đưa đón khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Hiện tại, cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ nguyên nhân tử vong.
Là mẹ đã có hai con trai và cũng đang ở độ tuổi đến trường, trước vụ việc trên, Thủy Anh - bà xã Đăng Khôi cho rằng: "Câu chuyện trường Gateway và những cách xử lý của nhà trường khiến nhiều phụ huynh và cả dư luận thất vọng. Nhiều người nói đó là một sự thất bại của nhà trường.
Với Thủy Anh, sự thất bại của nhà trường không chỉ trong việc xử lý khủng hoảng, xoa dịu nỗi đau với bậc phụ huynh, đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi chân thành. Đó là sự thất bại trong cả việc dạy dỗ con trẻ: Các con được học những thứ tiên tiến “quốc tế”, được tiếp cận với những chuẩn mực của một nền giáo dục tiên tiến, còn việc làm sao để an toàn khi đi xe bus, giải quyết tình huống như vậy, ai sẽ dạy cho các con?
Cậu bé 6 tuổi biết trường học được vài ngày nhưng đó cũng là những ngày cuối cùng của cuộc đời con. Đáng nhẽ ra, ngay trước khi vào năm học, nhà trường cần có những buổi định hướng, giới thiệu mọi thông tin cho học sinh. Trường quốc tế luôn có những quy chuẩn, từ việc ăn uống, sử dụng phòng học, các thể loại giờ học với nhiều tên gọi phức tạp, việc đưa đón sử dụng xe bus, vậy tại sao không dạy cho con bài học vỡ lòng đầu tiên là phải đi xe bus sao cho an toàn?".
Theo bà xã Đăng Khôi thì việc nhà trường, phụ huynh trang bị cho các con kỹ năng thoát hiểm khi gặp trường hợp nguy hiểm như kẹt trong xe, đuối nước là vô cùng cần thiết:
"Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa hè là câu chuyện học sinh bị đuối nước thương tâm lại xuất hiện trên các trang báo. Trách nhiệm thuộc về ai lại được đem ra bàn luận: Trách nhiệm của phụ huynh? Của bản thân các em học sinh? Của nhà trường? Bao nhiêu năm với rất nhiều vụ đuối nước, nhà trường vẫn không thể dạy cho trẻ em cách để bơi an toàn, làm sao khi bị đuối nước, cách chọn chỗ chơi phù hợp…
Rồi hết mùa hè, khi trẻ con không đi bơi nữa, câu chuyện lại bị ỉm đi, các bài học cũng chìm vào quên lãng. Nhưng đó không phải là câu chuyện cá biệt khi có rất nhiều các kỹ năng mà trẻ em Việt thiếu mà không biết bao giờ mới có thể được bù đắp trong các môi trường giáo dục quốc tế. Người ta nói về những thứ to tát như công dân toàn cầu, học sinh biết sống bền vững và có trách nhiệm, kiến thức nền tảng tốt nhưng việc đi xe bus an toàn, cách để không bị đuối nước khi bơi, để vượt qua vấn đề tâm lý tuổi dậy thì, làm sao để các con luôn giữ cảnh giác kể cả trong các môi trường an toàn như gia đình thì đâu có ai dạy các con?
Mình thực sự đau đớn khi lái xe đưa con tới trường sáng nay. Năm học mới bắt đầu, các con còn đang háo hức để gặp bạn bè, thầy cô. Thỉnh thoảng quay lại nhìn con vui vẻ, mình nghĩ về hình ảnh người mẹ đang than khóc ở bệnh viện và bao phụ huynh khác đau đớn tập trung trước cổng trường. Có lẽ lúc ấy, người ta sẽ không nghĩ tới việc con trẻ cần phải học quá nhiều điều to tát nữa, chỉ mong nhà trường sẽ dạy cho con làm sao để đi xe bus an toàn, để sống lành mạnh và vui vẻ.
Mỗi ngày thấy con về nhà an toàn đã là một ngày vui và hạnh phúc, không cần con phải khoe điểm 10 hay đạt được thành tích gì lớn lao cả.
Khi con rơi vào những tình huống như thế, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về người lái xe hay monitor - nhân viên đưa đón con trên xe bus. Quy định của tất cả các trường quốc tế đều chỉ rõ monitor phải kiểm tra xe xem còn học sinh nào không trước khi xe di chuyển tới điểm khác. Bất cứ trường hợp nào không xuất hiện, thiếu khi điểm danh, monitor phải nhắn tin, gọi điện hỏi gia đình hay kiểm tra kỹ trên xe. Monitor không điểm danh check soát số học sinh, lái xe không kiểm tra khi đưa xe đến chỗ khác, còn giáo viên cũng không gọi điện hỏi hay check lại khi học sinh không có mặt trong buổi sáng hôm đó dù không có thông tin con nghỉ từ gia đình.
Nếu không thể giao phó sự an toàn của con cho một ai khác, nhà trường phải dạy cho con biết được làm như thế nào trong các trường hợp như vậy - một tình huống không ai muốn rơi vào cả".
Gia đình Thủy Anh - Đăng Khôi
Với riêng trường hợp trẻ bị bỏ quên trên xe đưa đón, phụ huynh có thể dạy con những kỹ năng dưới đây:
"Nếu con ngủ quên và khi trên xe không có ai, hãy thử mở tất cả các cửa xem có thể ra ngoài không, hãy nhìn ra bên ngoài xem đang ở đâu, có người xung quanh không và đập cửa thật mạnh.
Nhà trường cần phải sử dụng hệ thống còi có thể bấm được dù xe đã tắt máy. Như vậy các con có thể bấm được còi (phải được dặn dò kỹ trước) trong trường hợp khẩn cấp.
Trẻ nhỏ cần được trang bị thiết bị định vị (đồng hồ) còn trẻ lớn có thể được trang bị điện thoại để gọi hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp.
Trẻ em cần được trang bị kỹ năng phá cửa kính bằng các đồ vật mình có (balo, cặp xách, dùng chân đá…) hoặc kỹ năng phá cửa kính bằng các thiết bị cứu hộ. Mình biết có nhiều bé đi xe bus hay xe ô tô còn ngơ ngác không biết, những cái búa đó để làm gì và làm sao có thể lấy ra hay dùng khi cần thiết.
Nếu con đã quá mệt khi ở trong xe ô tô lâu thiếu khí, hãy cố gắng làm gì để có thể thu hút mọi người xung quanh. Đó là những điều hoàn toàn hữu ích, dù không ai mong muốn. Người lớn chúng ta, nếu bị nhốt trong xe như vậy cũng cực kỳ hoảng loạn. Kỹ năng giữ bình tĩnh nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.
Có lẽ, bây giờ, nói gì cũng là không đủ khi mọi thứ đã muộn. Chúng ta không ai muốn cứ khi sự việc đau lòng qua đi, cả xã hội mới lên bày cách cho nhau để làm sao giữ an toàn. Thủy Anh chỉ mong rằng, nhà trường sẽ thực sự cần biết dạy trẻ con điều gì là đúng đắn, cần thiết".
"Làm bố mẹ, cuối cùng chúng ta cũng chỉ mong những đứa trẻ có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Vậy là đủ rồi", bà xã Đăng Khôi viết.
Thủy Chi (Theo Tri thức xanh)