Mới đây, chương trình Gõ cửa thăm nhà đã lên sóng, với sự xuất hiện của nghệ sĩ Bạch Long, anh trai nghệ sĩ Thành Lộc.
Tại đây, nghệ sĩ Bạch Long đã giới thiệu với khán giả căn nhà đang ở thuê của mình trong một góc nhỏ Sài Gòn.
Vừa vào trong nhà, Ngọc Lan đã choáng ngợp trước một bàn thờ Tô rất to, chiếm nguyên cả một góc nhà. Trên bàn thờ thờ di ảnh cha mẹ và họ hàng của Bạch Long, đều là những nghệ sĩ cải lương lớn.
Thắp hương xong, Ngọc Lan đòi qua phòng khách vì tưởng căn phòng đang đứng là phòng thờ. Lúc này, Bạch Long xấu hổ nói:
"Thực ra tôi thuê cái nhà này diện tích chỉ vài chục mét vuông từ đó qua đây thôi, nên phòng thờ với phòng cách cũng là một, như nhau hết. Mọi người muốn ngồi đâu thì ngồi".
Tiếp đó, Bạch Long giải nghĩa về nghệ danh của mình: "Tên thật của tôi không phải Bạch Long mà là Nguyễn Thành Tùng. Ba tôi đặt cho hai anh em là Thành Tùng, Thành Lộc. Nhưng hồi mới đi hát, tôi là đệ tử của nghệ sĩ Thanh Tòng mà lại gọi là Thành Tùng thì không được, nên đổi thành Bạch Long.
Nguyên do có nghệ danh này vì lúc đó tôi đi hát xong có một ông bác yêu thích quá nên mời đi cà phê rồi bảo: "Con hát hay quá mà cái tên của con không hay, con đổi tên đi".
Tôi đang thần tượng Lý Tiểu Long nên lấy chữ Long là rồng trong tên ông ấy làm tên chính. Tiếp đó, tôi lấy chữ Bạch trong tên Bạch Lê của chị gái mình làm tên lót, thành Bạch Long".
Khi được hỏi về việc vì sao đến tuổi này vẫn đi ở nhà thuê, Bạch Long nghẹn ngào tâm sự:
"Nhiều người thắc mắc vì sao tôi từng nổi tiếng, vừa đi diễn lại vừa đi dạy mà đến giờ phút này vẫn cạn tiền, không có tiền mua cho mình một căn nhà.
Đúng là thời gian hoàng kim, tôi làm ra nhiều tiền lắm. Lúc đó, tôi sống trong một cái đình và cứ nghĩ, ở trong đình là sướng lắm rồi, bước ra một cái là có chợ Sài Gòn, chợ Thái Bình, ngay trung tâm luôn.
Tôi cứ nghĩ, ở trung tâm thành phố đang sướng thế này, mua nhà làm gì. Tôi nghèo không phải do cờ bạc, ăn chơi trác táng như người ta nghĩ. Tôi nghèo vì đam mê nghệ thuật quá mức.
Khi nổi tiếng và có nhiều tiền, tôi lập ra nhóm cải lương Đồng Ấu Bạch Long. Tôi dạy học thương học sinh nghèo nên không lấy tiền.
Trong lúc dạy, tôi cứ nghĩ, không có sân khấu thì làm sao chúng nó được thực hành để nên nghề. Thế là tôi mới lấy tiền của mình để lập đoàn hát, thuê sân khấu.
Khổ nỗi, thời điểm tôi mở đoàn hát, cải lương đang xuống dốc. Hai năm đầu, đoàn hát của tôi ế ẩm vì toàn con nít đi hát, khán giả đâu có biết. Ngày nào tôi cũng phải bỏ tiền túi của mình ra đắp lỗ, không thu lại được đồng nào.
Tôi chính là thầy của các nghệ sĩ cải lương thành danh ngày nay như Trinh Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo, Bình Tinh…
Giai đoạn làm ra tiền nhiều như thế, nếu tôi có một bóng hồng ở bên thì giờ không khổ như thế này".
Theo Pháp luật và bạn đọc