Trong phạm vi bài viết, điều muốn nói ở đây: Đàm Vĩnh Hưng không phải là người không rành ngôn ngữ, nhất là một cụm từ rất dễ hiểu như thế.
Nếu phóng viên nào đã từng phỏng vấn Mr Đàm qua mail, có thể nhận thấy rằng: Ca sĩ này rất am hiểu ngôn ngữ. Từng câu trả lời của anh được trình bày suôn sẻ, chuẩn mực đến từng dấu chấm, phẩy, hiếm khi mắc lỗi ngữ pháp. Phóng viên gần như không phải biên tập lại phần trả lời, ngoài việc bỏ thêm chút công sức, gõ lại câu trả lời bằng Tiếng Việt có dấu (Mr Đàm ít khi trả lời câu hỏi bằng tiếng Việt có dấu). Nếu ở nước ngoài, chắc chắn bài phỏng vấn này Mr Đàm cũng phải có nhuận bút, vì anh viết gần như trọn bài, phóng viên chỉ có phần câu hỏi ngắn.
Mr Đàm thường trực tiếp trả lời phỏng vấn mà không thông qua trợ lý
Một ca sĩ có khả năng tự trả lời phỏng vấn một cách nhuần nhuyễn, không thông qua trợ lý như Mr Đàm, chỉ đếm trên đầu ngón tay trong giới nghệ sĩ Việt Nam. Nếu nhận xét công bằng, những câu trả lời của Mr Đàm, ngoài chuẩn mực ngữ pháp, nam ca sĩ này có một khả năng sàng lọc ngôn ngữ tốt, khiến cho những phát ngôn của anh trở nên rất thông minh và sắc sảo.
Người viết bài này, đã từng phỏng vấn trực tiếp một ca sĩ hải ngoại, Nam ca sĩ này gần như ấp a, ấp úng, không trả lời được một câu nào có nội dung. Cuối cùng, anh chàng ngập ngừng nói với phóng viên: “Thôi, anh nắm ý tôi nói, về phăng ra thành câu trả lời giúp”. Không riêng gì nam ca sĩ hải ngoại này, có rất nhiều cuộc phỏng vấn nghệ sĩ, các phóng viên phải làm công việc “nắm ý” của nghệ sĩ, “nhào nặn”, “trang trí” phần trả lời. Công đoạn quan trọng cuối cùng là phóng viên phải gửi bài hoàn chỉnh cho nhân vật được viết bài đọc lại. Nếu họ đồng ý với phần trả lời đó, bài sẽ được xuất bản.
Nhưng không phải phóng viên nào cũng tử tế, gửi bài trước khi xuất bản cho nhân vật “duyệt”. Bài chình ình trên báo, nhân vật mới tá hỏa hay rằng mình đã trở thành “nạn nhân” của truyền thông, bị ném đá tơi tả, mối quan hệ bị rạn nứt vì ý của mình hoàn toàn bị sai lệch, có nghĩa là phóng viên đã “thay mặt” phát ngôn giúp nghệ sĩ, phóng bút theo ý chủ quan của mình. Nhiều chuyện dở khóc, dở cười vì những cuộc phỏng vấn kiểu này diễn ra…
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Những nghệ sĩ cẩn thận, dù chính họ phát ngôn, họ đều yêu cầu gửi lại bài cho xem bài lại và dặn dò phóng viên không được sửa một chữ nào. Chuyện “nói ý” cho phóng viên “trang trí” câu trả lời, gần như không nghệ sĩ nào dám…liều mạng, khi đụng đến những vấn đề nhạy cảm, hay nói về một ai đó.
Gần 20 năm ca hát, trả lời trực tiếp hay gián tiếp qua mail hàng nghìn bài phỏng vấn, Mr Đàm luôn luôn là người chủ chốt, chưa bao giờ có một trợ lý truyền thông nào. Chính vì vậy, đọc một bài phỏng vấn của Mr Đàm, những câu trả lời rất “độc đáo”, không lẫn lộn vào nghệ sĩ nào.
Quay lại việc phóng viên nắm ý, “trang trí”, “nhào nặn” phần trả lời cho một số nghệ sĩ, có một câu chuyện vui. Một nhà sư ngồi uống trà. Nếu viết: “Nhà sư ngồi uống trà”, sẽ không có vấn đề gì. Nhưng chỉ cần phóng viên viết thêm thế này: “Nhà sư ngồi uống trà, bên ly rượu”, mọi chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Lê Ngọc Dương Cầm (Nguồn Giadinhvietnam.com)