Để tồn tại trong giới showbiz Việt, các sao nổi, sao xẹt luôn có nhiều chiêu trò khác người để có thể trở thành tâm bão dư luận. Trong đó, việc xuất hiện trên mặt báo với những món đồ xa xỉ hàng tỷ đồng dần trở thành xu hướng với người nổi tiếng. Và Lý Nhã Kỳ - một "biểu tượng của làng giải trí Việt” lại hay được nhắc đến cùng những bộ cánh xa hoa lộng lẫy dự sự kiện, món đồ trang sức vô giá trên thế giới.
Công ty Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Lynk (tên viết tắt của Lý Nhã Kỳ) được thành lập ở Việt Nam và Hong Kong từ cuối năm 2007. Cho đến nay, Lynk Group không ngừng mở rộng, phát triển trong các lĩnh vực kinh doanh, tư vấn đầu tư, giải trí và từ thiện.
Mỗi lần LYNK mở rộng hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, cô Kỳ lại được dịp ra mắt với báo giới sự chịu chi của cô nàng, ban đầu là ngưỡng mộ, nể phục, sau đó người ta lại hồ nghi về khối tài sản khổng lồ mà Lý Nhã Kỳ đang sở hữu.
Khi mới thành lập, Lynk Group hoạt động chủ yếu về mảng cố vấn tài chính và tư vấn đầu tư cho các tập đoàn nước ngoài như Tập đoàn BC&A của Hong Kong, Công ty cổ phần Forever Fame của Hong Kong, Tập đoàn giáo dục Raffles của Singapore, chủ yếu nhờ mối quan hệ của Lý Nhã Kỳ.
Sau đó, đến tháng 11.2011, sự ra đời của Lynk High Jewelry Diamond Boutique đánh dấu việc lấn sân vào lĩnh vực kim hoàn của Lý Nhã Kỳ. Lynk Group trở thành tập đoàn đầu tiên đưa các thương hiệu kim hoàn nổi tiếng thế giới vào thị trường Việt Nam như de Grisogono, Paolo Piovan, Crivelli Gioielli, Graziella và Staurino…
Chiếc đồng hồ gắn kim cương được trưng bày tại Lynk High Jewelry
Diamond Boutique
Đầu năm 2013, Lý Nhã Kỳ làm nhiều người phải "ngã mũ" khi chính thức khai trương trung tâm thương mại sang trọng, đẳng cấp Lynk Luxury Gallery với diện tích 600m2, tọa lạc tại con đường đắt đỏ của TP.HCM. Nơi đây chuyên về 2 dòng sản phẩm Ready To Wear và Haute Couture (thời trang cao cấp và số lượng hạn chế) cùng các sản phẩm độc đáo và tinh tế từ các thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới về phụ kiện (Alexis Mabille, Alberta Ferretti…) và trang thiết bị nội thất duy nhất tại Việt Nam (Lalique, Skincare), dành cho các chính khách, doanh nhân, các ngôi sao trong nước và quốc tế mong muốn có một phong cách thật sang trọng.
Với việc mở rộng sản xuất kinh doanh chỉ phục vụ cho giới thượng lưu, Lynk Group đã khẳng định được tiềm lực tài chính vững mạnh, xây dựng thương hiệu trên thương trường Việt Nam và quốc tế. Người ta bị choáng ngợp bởi những hình ảnh long lanh về showroom đẳng cấp, xuýt xoa trước những bộ váy áo được trưng bày có giá lên đến hàng chục nghìn USD. Nhưng những con số về kết quả kinh doanh của cựu đại sứ du lịch Việt đa tài mới là điều đáng bàn.
Tuy nhiên, theo điều tra, khác với quy mô kinh doanh các mặt hàng xa xỉ, tình hình kinh doanh của tập đoàn Lý Nhã Kỳ thua lỗ hàng tỷ đồng. Năm 2012, tập đoàn này lỗ 1,766 tỷ đồng, sang đến năm 2013, một năm sau khi Lynk Luxury Gallery đi vào hoạt động thì tập đoàn lỗ 8,135 tỷ đồng. Nhưng dường như số lỗ này chẳng thấm vào đâu so với số tài sản mà Lý Nhã Kỳ đang sở hữu, thậm chí công ty còn gánh số lỗ ít hơn cả giá trị váy áo Lý Nhã Kỳ “cõng” trên người khi dự sự kiện.
Tờ khai tự quyết toán thu nhập của Tập đoàn do Lý Nhã Kỳ sáng lập
nói lên nhiều về con số lỗ, lời.
Trong Đêm hội chân dài 6 - năm 2012, Lý Nhã Kỳ đã khoác lên người cây hàng hiệu gồm váy, kim cương, đồng hồ, ví da ước tính lên tới 12 tỷ đồng. Chiếc váy dạ hội được làm hoàn toàn bằng thủ công, có thiết kế rất tinh xảo với những họa tiết thêu kỳ công, đính từng hạt đá quý... Nhẫn Crivelli và đồng hồ đeo tay của Lý Nhã Kỳ làm bằng kim cương De Grisogono. Tất cả các thương hiệu này đều đã được Lý Nhã Kỳ mua quyền sở hữu và bán tại showroom riêng.
Tờ khai thuế GTGT của tập đoàn do Lý Nhã Kỳ sáng lập và quản lý
Lý giải về tình hình kinh doanh không hiệu quả, chỉ cần nhìn hoạt động ra vào showroom mỗi ngày của khách hàng là có thể hiểu được. Những mặt hàng bày bán trong showroom, dù đã được Lý Nhã Kỳ đích thân làm việc với các thương hiệu và nhà thiết kế danh tiếng, sau đó chỉnh sửa để phù hợp với thẩm mỹ và văn hóa Việt nhưng lại chỉ dành cho giới thượng lưu- một bộ phận cực nhỏ dân chúng.
Ngoài ra, dù liên tục xuất hiện với những bộ cánh đắt tiền dự sự kiện tầm cỡ quốc tế, hay chiếc váy Channel “độc quyền giá 2 tỷ đồng nhưng lại đụng hàng với công chúa Monaco” thì Lý Nhã Kỳ lại không được lòng giới chuyên môn về gu thẩm mỹ màu mè. Liệu rằng, khách hàng sẽ bỏ ra hàng tỷ đồng mua một chiếc váy của chính bà chủ còn đang “có vấn đề về gu thẩm mỹ”?
Với bộ trang phục này, Lý Nhã Kỳ đã chi ra khoảng 3,7 tỷ đồng.
Với quy mô hoạt động của 2 showroom mang thương hiệu Lý Nhã Kỳ, các chi phí để duy trì đẳng cấp mà cô gầy dựng nên chắc chắc không phải là con số nhỏ.
Trên thực tế, khoản chi phí không được phép trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản vượt định mức cho phép của pháp luật) rất lớn, năm 2012 là 1,385 tỷ đồng, năm 2013 là 1,536 tỷ đồng, khoản này càng làm giảm lợi nhuận của tập đoàn.
Có thể định hướng phát triển của Lynk trên lâu dài để tạo thương hiệu là con đường đúng đắn, nhưng việc kiểm soát những chi phí phát sinh đối với một doanh nghiệp không hiệu quả cho thấy sự yếu kém trong việc quản lý.
Showroom Lynk của Lý Nhã Kỳ sang trọng nhưng khá vắng khách.
Đây có là nguyên nhân mà Lý Nhã Kỳ thua lỗ hàng tỷ đồng?
Doanh số bán ra cả quý II năm 2014 của Lynk là 1,476 tỷ đồng, số thuế giá trị gia tăng (GTGT) mà doanh nghiệp còn được khấu trừ (chưa phải nộp thuế) là 835,5 triệu đồng. Các sản phẩm bày bán tại showroom được Lý Nhã Kỳ tiết lộ giá thấp nhất của chiếc váy tại Lynk khoảng 2.000 USD, cao nhất có chiếc lên đến 45.000 USD (gần 1 tỉ đồng) hay những sản phẩm kim cương vô giá được trưng bày mang thương hiệu riêng được chế tác hoàn toàn thủ công bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân hàng đầu thế giới như De Grisogono, Paolo Piovan...
Như vậy, gần như hoạt động của Lynk chỉ là vẻ ngoài hào nhoáng trong ngày đầu khai trương để bà chủ đánh bóng tên tuổi của mình, còn doanh thu hay lợi nhuận hoạt động là điều không cần bàn tới.
Theo Antt.vn