Dù không phải là người của showbiz nhưng vợ chồng đại gia Minh Nhựa luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Là đại gia nhưng vợ chồng Minh Nhựa lại có cách dạy con nghiêm khắc.
Mới đây, vợ 2 Minh Nhựa chia sẻ về hai con của mình: "Chuyện kể về 2 anh em nhà Mina Phạm. Năm nay anh chàng lớn 9 tuổi rồi, sắp thành thanh niên tới nơi. Còn cô công chúa, cũng được 7 tuổi rồi nhưng vẫn nghĩ mình còn bé bỏng lắm cần được anh trai bao bọc. Từ bé đến lớn 2 cô cậu không có một cái răng sâu nào cả cũng chẳng sún 1 cái răng nào, tất cả là do mami không cho ăn bánh kẹo, thi thoảng nhà có lễ cúng Phật papa cho thì mới được hưởng lộc (ăn bánh kẹo), mà 2 cô cậu cũng không thích ăn bánh kẹo bởi vì từ nhỏ ít ăn nên cũng tập thành thói quen không thích ăn. Mami nói rằng kẹo và bánh nhiều đường hoá học và chất bảo quản. Kể cả nước ngọt, nước trái cây đóng chai cô cậu cũng không hề đụng tới bởi vì mami dặn có hoá chất và không tốt với sức khoẻ, hệ xương khớp của con.
2 con được vợ 2 Minh Nhựa dạy dỗ nghiêm khắc.
Mặc dù có lúc không ngoan như việc ngủ dậy trễ, lười làm việc nhà, để đồ lộn xộn không ngăn nắp, lười tụng kinh lạy Phật nhưng cô cậu rất sợ và nghe lời ba mẹ. Ba mẹ gọi dạ bảo vâng chứ cũng không dám cãi lời. Chỉ cần mẹ cau mày, ba trừng mắt thôi thì cô cậu “rén” liền tự nhận ra lỗi sai chưa cần ba mẹ phải lên tiếng “vạch trần”.
Thời gian trôi qua nhanh, chẳng mấy chốc cô cậu thành thanh niên còn ba mẹ thì đã già, nhìn các con lớn lên và tự chăm sóc nhau, chăm sóc luôn được cả ba mẹ bỗng thấy vui và yêu đời. Đúng là gieo trồng lúa nay đã tới ngày gặt, cô cậu đi du lịch là mami nhờ vả được ngay, anh lớn vui vẻ chụp hình quay clip cho mami còn cô gái nhỏ cầm túi xách và áo khoác phụ.
Về hotel thì sau khi cô cậu tự lo khâu chăm sóc cá nhân thì cô cậu kiêm luôn take care cho mami xếp đồ, kiếm đồ giúp mami, kéo vali mua đồ giúp mami. Biết mami não cá vàng 2 con nhớ hết giùm chưa kể đến khoản phiên dịch Tiếng Anh cho mami nghe. Cưng hết sức.
Mặc dù cô cậu cũng hơi nhát thiệt nhưng bù lại ngoan, hiền lành, thật thà không ngông cuồng phá phách. Những đức tính này không tự nhiên mà có được, những thói quen tốt cũng không tự nhiên mà thành… Tất cả là do cha mẹ rèn dũa, cha mẹ không tạo điều kiện cho con hư, không nuông chiều con quá đáng thì con sẽ tự khắc hiểu chuyện.
Tôi đã từng thấy những đứa trẻ hư nằm khóc lóc ăn vạ giữa đường, có khi còn tức giận ném đồ, đánh tát vào người thân hay giúp việc và tôi cũng không thể hiểu tại sao lại để một đứa trẻ trở nên như vậy khác nào sát hại tương lai của nó. Trẻ con là tờ giấy trắng, nếu cho nó hạnh phúc, gieo vào đầu nó những điều tốt đẹp rằng: con là người con thật tuyệt vời, con tốt bụng hiền lành biết bao, con hiểu chuyện hiếu thảo và bố mẹ tự hào về con thì nó sẽ là như vậy.
Còn chúng ta cáu gắt chì chiết đay nghiến nó, chửi mắng, đánh nó và nói với nó rằng: con là đứa hư mất dạy, vô học, ngang bướng, hỗn xược không ra thể thống gì thì vô hình chung sẽ biến con thành người như vậy và con nghĩ rằng con tệ như vậy và làm gì cũng không thay đổi được quan niệm của ba mẹ.
Gia đình Mina mỗi khi con trẻ làm sai thì sử dụng những phương thức khác nhau và đều không sử dụng đòn roi: chép phạt 10 tờ giấy A4, quỳ góc tường tay cầm cây thước đưa lên cao, lạy 50-500 lạy tuỳ lỗi, vẽ tranh Phật, ngồi quỳ cao trong phòng thờ 3 tiếng xám hối. Đây là những hình phạt cơ bản nhưng Mina cũng có hỏi các con hình phạt nào các con cảm thấy nặng nhất và không muốn nhất, 2 con đều trả lời rằng không hình phạt nào bằng việc ngồi riêng trong phòng nói chuyện với mẹ cả…
Mina cũng thắc mắc hỏi tại sao lại nói vậy? Con nói rằng: "thà mẹ đánh con hay phạt con quỳ con còn không cảm thấy tội lỗi khi phải nói chuyện với mẹ. Mina nghe xong cũng hơi chột dạ, bởi mỗi lần con phạm sai lầm rất lớn thì mình đều không la hét hay càm ràm, mình chỉ nhìn con và nói: "mẹ cần nói chuyện riêng với con". Lập tức con đi theo mình vào phòng kín và chỉ 1:1. Cánh cửa đóng vào thì con quỳ trước mặt nhưng mình không nói gì cả, mình nhìn thật sâu vào mắt con… Nhìn rất lâu rất lâu cứ nhìn như vậy phải tầm hơn 30 phút, mình nói chuyện bằng mắt thể hiện cho con thấy rõ sự thất vọng và buồn vì con…
Sau đó mới chậm rãi hỏi rằng: con đã biết con làm gì sai chưa? Đợi con trả lời hết tất cả những lỗi sai mình mới giải thích và nói rõ cho con nguyên nhân và giải quyết việc sai như thế nào. Mình sẽ nói với con rằng nếu như con hành xử không đúng mọi người sẽ cười chê mẹ rằng mẹ không biết dạy con, con có muốn điều đó xảy ra không?
Sau tất cả những gì mẹ dạy dỗ và nuôi nấng chăm sóc con đối xử như vậy với mẹ vậy có phải là người con tốt không? Hãy làm gì để người khác nhìn vào thấy con là người chững chạc, khiêm nhường biết đối nhân xử thế và đánh giá gia đình mình văn minh con nhé, mẹ luôn yêu con. Hãy yêu thương bản thân và lòng tự trọng của mình. Nói đến đây là nước mắt con tuôn trào khóc nghẹn rồi. Lấy nước mắt tội lỗi của các con được lúc đấy mình mới cảm thấy hài lòng vì biết con đã “thấm”.
Mỗi một lần nói chuyện kín thì mình dùng nhiều lời văn khác nhau để nói chuyện với con trẻ, mình cũng phải giãi bày nỗi lòng và nỗi khổ của bậc làm cha mẹ khi con hư, và lí giải tương lai các con sẽ như thế nào khi các con sai như vậy, hàng loạt các dẫn chứng đưa ra và cố gắng để con thấu hiểu nội tâm của mình và nhận ra lỗi lầm một cách sâu sắc nhất. Tất nhiên mình cũng phải để cho con nói thì mới có thể hiểu được nỗi lòng con trẻ, để xem con cần gì và muốn gì và sau đó mình thu phục sau cũng chưa muộn.
Con trai Minh Nhựa ngoan ngoãn, ga lăng với mẹ.
Dạy con cũng đòi hỏi nghệ thuật và sự nghiêm khắc từ cha mẹ cái gì cho và không nên cho. Trước đây không phải Mina chưa từng đòn roi với các con mà là đã từng và cảm thấy không hiệu quả chỉ khiến các con thêm đau, tổn thương và lì lợm hơn khiến chúng “bất phục”. Mình đã dành thời gian nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm thời con nít của mình để đưa ra những tiêu chuẩn để rèn con, dạy con ngày một trưởng thành hơn. Ngày xưa thời còn con nít mỗi lần ba má đánh mình không sợ lắm đâu, bản tính ngang bướng lì lợm mà, mình sợ nhất là "nước mắt của cha mẹ". Mình sẽ dùng chiêu này khi con tới tuổi vị thành niên, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, dễ rơi vào cám dỗ hư hỏng, dùng nước mắt để xoa dịu trái tim con để các con hướng về gia đình, nhưng mong rằng sẽ không cần dùng tới nước mắt, hi vọng rằng các con luôn ngoan ngoãn nghe lời ba mẹ như bây giờ. Gia đình là nơi khởi đầu cho ngọn nguồn trái tim thiện lành của trẻ nhỏ, là những bài học đầu đời ,là nơi ấm áp để trẻ nương tựa. Chúc các bạn luôn an yên hạnh phúc viên mãn với gia đình nhỏ và có những đứa con thật hiếu thảo nhé. Love All".
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)