Xoài Non lấy chồng là "streamer giàu nhất Việt Nam" Xemesis năm 18 tuổi. Cuộc sống làm dâu hào môn của cô nàng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Không chỉ vậy, việc làm ăn kinh doanh của vợ chồng cô cũng rất phát đạt.
Nhưng đến gần đây, rộ lên tin đồn Xoài Non và Xemesis (Nghiêm Hiếu) trục trặc hôn nhân. Bởi lẽ cả hai không còn tương tác nhiều với nhau trên mạng lẫn ngoài đời như trước.
Trước tin đồn này, thông tin về thân thế cả hai được đặt lên bàn cân. Được biết, Xemesis là thiếu gia con nhà giàu, đi du học từ nhỏ còn Xoài Non lại có xuất thân bình thường, bản thân cô nàng còn nghỉ học từ năm lớp 10, tự bươn chải kiếm tiền.
Từ câu chuyện này, nhiều người tự hỏi liệu sự cân bằng học thức trong hôn nhân có thực sự quan trọng?
Dưới đây là bài viết thấm thía dưới góc nhìn của một dân mạng về vấn đề này:
"Xưa giờ trong showbiz, khi một cặp vợ chồng dính tin đồn li hôn thì người ta có trăm ngàn vấn đề để bàn tán. Chúng ta không phải người trong cuộc để biết tường tận nguyên nhân trục trặc của họ, nhưng riêng lần này, người ta lại hướng vào sự chênh lệch học thức của hai người nhiều. Khi xem lại hàng loạt những video trong giai đoạn hai người còn mặn nồng, rõ ràng đã có nhiều mầm mống báo hiệu sự chênh lệch này sẽ khiến kết cục của cuộc hôn nhân khó mà tốt đẹp.
Sự nhận thức vốn đã thiếu thốn do ít học, cộng thêm hoàn cảnh (tưởng chừng như) quá sung sướng dễ khiến con người ta giảm sự nỗ lực. Sau bao nhiêu năm, người ta vẫn chỉ nhớ tới cô ấy là một người đẹp, “may mắn” được làm dâu nhà hào môn, chứ chưa nhìn thấy sự cố gắng trau dồi việc học.
Trong cuốn Thư Cho Em của Hoàng Nam Tiến, tác giả đã miêu tả rất rõ khát khao học tập của mẹ mình - một người vốn mang thân phận người ở cho gia đình nhà chồng. Bà luôn hiểu mình phải phấn đấu để xứng tầm học thức với ông, chứ không chịu làm một người nội trợ. Ở chiều ngược lại, người chồng cũng hết sức tán thành, ủng hộ việc học tập của người vợ.
Trong hôn nhân, người đàn ông phải có sự nể trọng với bạn đời của mình. Họ phải trân trọng, phải sẵn sàng giao tiếp, trò chuyện, tranh luận để hai vợ chồng hiểu nhau. Nếu chỉ là sự sủng ái, lúc cưng chiều thì nâng niu, khi chán chê thì rũ bỏ, thì chẳng khác nào người thê thiếp chờ được ban ơn.
Từ thời phong kiến, các bà hoàng hậu, quý phi phần lớn đều là dòng dõi danh gia vọng tộc. Chỉ có một số ít những người xuất thân tầm thường được vua ân sủng mà leo lên những nấc thang quyền lực. Nhưng ở xã hội hiện đại ngày nay, việc học hành trở nên phổ biến, hôn nhân là tự nguyện, bình đẳng, một vợ một chồng, người phụ nữ hoàn toàn có quyền chọn cho mình mức độ học thức để xứng với một người chồng lý tưởng.
Không sợ trên đời thiếu người tốt, chỉ sợ mình chưa đủ tốt để xứng với họ. Nếu nhận thấy sự chênh lệch về học thức, cả hai cần nỗ lực để cân bằng. Một bên cần chịu khó rèn luyện, một bên cần hết lòng ủng hộ, động viên. Khi đạt được trạng thái cân bằng một cách tương đối, lúc đó mới có sự tôn trọng từ đối phương lẫn các mối quan hệ xung quanh".
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)