TS Hoàng Kim Ngọc hiện đang là Phó trưởng khoa Viết văn - Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cô đã tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội I năm 1987. Bên cạnh đó cô còn giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho nhiều sinh viên nước ngoài như: Mỹ, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc...
- Năm vừa qua có lẽ là một năm thành công của Hà Lade, đoạt giải nhất “Tài năng người mẫu” Miss teen 2011. Vừa qua Hà thi đỗ Thủ khoa ngành Đạo diễn sự kiện, Trường ĐH Văn hóa. Là người mẹ, có lẽ cô sẽ rất tự hào về con gái mình?
- TS. Hoàng Kim Ngọc: Tự hào về con mình ư? Chắc tôi cũng có tí chút thôi, bởi tôi bao giờ cũng nghĩ rằng con mình... bình thường. Tôi luôn nói với Hà rằng: Ở nhà nhất mẹ nhì con/Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta. Chút hình thức bề ngoài của con là của tạo hóa và di truyền, giá trị thực làm nên điều tự hào của con không phải là cái có sẵn như thế mà sẽ phải là kết quả học tập, tài năng và cách đối nhân xử thế.
Cô Hoàng Kim Ngọc luôn coi Hà Lade là một người bạn để lắng nghe tâm sự của con. - Cảm giác của cô trước mỗi ngày con dần xa vòng tay của bố mẹ để bước ra khỏi xã hội? Trước chặng đường nghệ thuật phía trước của con, cô có cảm thấy lo lắng?
- Tôi chú luôn lo lắng cho con, vì cuộc sống bây giờ có quá nhiều cạm bẫy. Hà lại còn trẻ, kinh nghiệm sống chưa dày dặn. Bố của Hà vẫn thường in những bài báo liên quan đến hành vi lệch chuẩn của giới trẻ, những vụ việc liên quan đến cạm bẫy, lừa đảo cho Hà đọc, nhằm nâng cao sự cảnh giác, giúp con có thêm kỹ năng sống trong những hoàn cảnh cụ thể. Nhiều khi bố còn đưa ra những câu hỏi tình huống để Hà trả lời, sau đó nhận xét góp ý, đưa ra lời khuyên…
Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở em phải chọn bạn mà chơi: Chơi cùng đứa dại nên bầy dại/Kết với người khôn học nết khôn. Đừng bao giờ nghĩ rằng chơi với đứa hư cũng chẳng sao miễn là mình giữ được lập trường, bởi vì bạn bè ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến quan niệm sống của mình.
- Làm cha mẹ thật không đơn giản. Ví dụ: Làm sao cô có thể rõ được tâm tư tình cảm của các em? Làm sao cô có thể giúp em nuôi dưỡng tâm hồn, ước mơ và tự đứng vững trên đôi chân của mình, nhất là khi tuổi vào đời phải đối diện với vô vàn cạm bẫy?
- Tôi coi con như bạn bè, cùng trao đổi trò chuyện để con tâm sự hết mọi nỗi niềm, mọi mơ ước. Tôi nói với Hà rằng: Bố mẹ có thể tha thứ cho con mọi lỗi lầm nếu con mắc phải nhưng không bao giờ được phép nói dối.
Bố mẹ không ép buộc, áp đặt con phải thi trường này trường nọ theo định hướng của mình mà để con tự lựa chọn ngành nghề phù hợp sở trường năng khiếu của mình để có thể phát huy hết nội lực, tố chất của bản thân, tất nhiên có sự tham khảo ý kiến của bố mẹ. Bố mẹ cũng luôn động viên con mỗi khi làm được việc tốt dù nhỏ, luôn nhắc nhở Hà trách nhiệm của người chị cả, phải làm gương cho các em. Bởi chúng tôi đều là con trưởng nên Hà có vai trò quan trọng với các em hai bên nội ngoại nữa.
- Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều clip tố cáo hành vi nói tục, chửi bậy của học sinh, sinh viên được tung lên mạng. Đây là câu chuyện không phải là mới nhưng vẫn nóng. Theo cô, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói tục, chửi bậy của học sinh?
- Nguyên nhân chính dẫn đến văn hóa ứng xử thấp kém của học sinh là do môi trường sống. Nếu sống trong gia đình, nhà trường, xã hội có nhiều người nói tục thì trẻ rất dễ bị "nhiễm độc". Trong đó, cách giáo dục của bố mẹ là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, ý thức của bản thân mỗi người còn quan trọng hơn.
- Cô giáo dục Hà Lade và em gái như thế nào về văn hóa ứng xử?
- Tôi chưa bao giờ nghe thấy hai con mình nói tục, chửi thề. Hoàng Anh (em gái của Hà Lade) về nhà hay than thở với mẹ là trong lớp con có nhiều bạn nói tục lắm, nghe rất khó chịu. Tôi hỏi: "Các bạn nói thế nào". Em bảo: "Con không nhắc lại, vì nhắc lại thì hóa ra con lại thành người nói tục".
Hà và Hoàng Anh nói chuyện với nhau chưa bao giờ xưng hô mày tao, lúc nào cũng chị em. Chị yêu thương em. Em quý và phục chị. Có lần “mất đoàn kết” thì Hà cũng chỉ thốt lên: Hoàng Anh ơi, sao em quá đáng thế?
Hoặc có lần giận nhau, Hoàng Anh lặng lẽ viết mảnh giấy để trên bàn của chị Hà: “Em thấy dạo này, tình cảm chị em mình có vẻ sa sút!”. Buổi tối, Hà đi học về nhìn thấy lại viết giấy để sang bàn em: “Em ơi, không phải là dạo này chị không quan tâm đến em đâu mà tại vì chị bận học quá mà, thông cảm cho chị nhé. Chị luôn yêu em”. Tôi đọc mà vô cùng cảm động.
Hot girl Hà Lade được cha mẹ giáo dục từ nhỏ về văn hóa ứng xử - Là một giáo viên dạy bộ môn tiếng Việt thực hành, theo cô phải làm thế nào để dạy học sinh biết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?
- Tôi luôn hiểu rằng trong cuộc sống cũng có lúc chúng ta không tránh khỏi tức giận, muốn nói cho hả, vậy làm thế nào để đối phương xấu hổ, ngượng ngùng, trả đũa được mà không cần phải nói tục chửi bậy? Thực tế có khá nhiều cách như nói bóng nói gió, nói cạnh nói khóe, nói xóc, nói kháy, nói mỉa…
Tuy nhiên, ngay cả những cách ấy cũng chẳng hay ho gì. Là người có văn hóa thì chắc chắn không nên nói tục chửi bậy. Muốn giàu thì có khi chỉ một đời, còn muốn sang có khi phải phấn đấu ba đời. Cái sang trọng toát ra từ cách dùng ngôn từ có văn hóa, lịch lãm đã được rèn luyện, giáo dục trong một truyền thống gia đình.
Tôi nghĩ, chúng ta muốn người khác tôn trọng mình thì trước hết mình phải tôn trọng chính bản thân mình đã, chẳng ai có cảm tình với một người nói năng thô lỗ cục cằn. Ngôn ngữ chúng ta dùng trong giao tiếp sẽ cho người khác biết rằng mình thuộc hạng người nào, có học hay vô học, sang hay hèn, ca dao đã nói: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe; Đất tốt trồng cây rườm rà/Những người thanh lịch nói ra quý quyền; Đất xấu trồng cây khẳng khiu/Những người thô tục nói điều phàm phu.
Phải chăng “đất tốt”, “đất xấu” đó chính là môi trường giáo dục? Đã là học sinh, sinh viên thì ai cũng mong mình được xác nhận là người có học, có văn hóa. Vậy hà cớ gì lại làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt bằng những lời lẽ thô lỗ, cục cằn, bẩn thỉu?
Infonet