Facebook đã trở thành chốn thị phi?
Facebook càng lúc càng trở thành một… xã hội, nơi người ta khoe khoang, than thở đủ thứ chuyện, ve vãn nhau, thậm chí nhục mạ, xúc phạm nhau. Cái “hay ho” nhất đó là, thay vì chỉ những người trong cuộc hoặc một nhóm nhỏ biết những chuyện riêng tư như thế, thì nay, “nhân chứng” có thể là cả một cộng đồng rộng lớn. Sự lan tỏa và kết nối mạnh mẽ của Facebook giữa những người dùng (kể cả không quen biết nhau ngoài đời thực) thông qua những chức năng “thích”, “bình luận”, “chia sẻ”… dường như đã khiến người dùng mạng xã hội này không còn và không muốn giữ những chuyện riêng tư đằng sau cánh cửa nữa mà tung hê tất thảy lên mạng.
Không khó để nhận ra, trong Facebook của chúng ta ngày ngày hiện lên những status, hình ảnh của bạn bè với mục đích khoe khoang: người khoe thân, khoe của, kẻ khoe thành đạt, khoe con… Khi đã bắt đầu nhạt chuyện, người ta lại khoe hạnh phúc, lại tán tỉnh, “vuốt ve” nhau trên mạng. Chẳng biết bao nhiêu phần trăm là sự thật, nhưng bạn bè anh N.D thi thoảng lại thấy anh thả những câu kiểu như “Yêu vợ lắm”, “Đang giờ làm việc, tự dưng thấy nhớ, thấy thương một người” rồi tag (đánh dấu) tài khoản Facebook của vợ vào, tung ảnh hai vợ chồng trốn con đi ăn nhà hàng, đi du lịch, ảnh hôn hít… Họ thậm chí còn (bị) nắm rõ lịch trình di chuyển, các món ăn mà vợ anh N.D thích, các khách sạn, khu du lịch mà hai vợ chồng này đến hơn là bố mẹ của anh chị. Bạn bè của anh N.D đùa nhau, nếu sang nhà tìm không thấy, gọi điện không liên lạc được, cứ mở Facebook, thể nào cũng biết đôi này đang đi đâu, làm gì.
Rồi đó cũng là chốn để người dùng trút nỗi mệt mỏi, bực dọc, than vãn đầy chán nản. Ức chế với chồng, không bằng lòng với mẹ chồng, bị sếp đì, con bị ốm, “khô hạn” sau sinh… tất tần tật những chuyện kín chuyện hở cũng có thể trở thành chủ đề để “buôn chuyện” trên Facebook, để cả thiên hạ nhòm ngó.
Như chị Đ.H.C chẳng hạn, thi thoảng lại online thả một vài câu than thở, mách chuyện chồng đi làm không về ngay giúp chị chăm con mà đi chơi điện tử đến khuya, trách móc chồng không ôm ấp, à ơi vợ như hồi chưa cưới, tố cáo chồng không tặng quà vợ… Có lần, chị còn viết hẳn một bài dài để khuyên các cô gái chớ vội lấy chồng, đừng dại sinh con mà hãy yêu đương chơi bời cho khỏi phí hoài tuổi xuân. Nghiệt một nỗi, mỗi lần than thở, chị không quên tag tài khoản Facebook của chồng vào. Thế là, lần nào cũng thế, bạn bè của chị và chồng chị lại vào hỏi han, an ủi và… chửi chồng hộ chị, còn một số “người cũ” của chồng chị được dịp chòng ghẹo hoặc hỏi thăm kiểu xách mé.
Những lời than thở bạn post lên Facebook có thể là "bằng chứng" để kẻ xấu lợi dụng.
(Ảnh minh họa)
Trên một số trang diễn đàn “kín” chuyên để xả stress chuyện nuôi con, chuyện mẹ chồng nàng dâu, đầy rẫy những lời than thở kiểu như: “Con mình x tháng mà mới được y cân thôi, còi quá, mà bé không chịu ăn, làm thế nào bây giờ?”, “Hôm nay em mang quần áo của chồng đi giặt thì phát hiện có một sợi tóc dài màu đỏ ở trong quần chip, mà tóc em ngắn, lại không nhuộm, thế nghĩa là sao hả các mẹ?” hay “Bao giờ mới có được khoảng trời bình yên? Mẹ chồng em bắt vợ chồng em buổi tối đi ngủ không được đóng cửa, bà bảo để cháu khóc bà còn chạy vào dỗ”… Thế là một loạt những người cùng cảnh ngộ nhào vào chia sẻ, hỏi han, tâm sự với nhau, thi nhau “kể tội” con, nói xấu mẹ chồng, chia sẻ cách để làm suy giảm “chí khí đàn ông” của chồng, cách đánh ghen, giữ chồng, mách nhau cách để con tăng cân…
Đáng sợ hơn, những bí mật sâu kín, rùng rợn nhất mà thường phải được khổ chủ ém nhẹm như lời tự thú sau khi chém người, giết người, âm mưu hãm hại một ai đó, ý đồ tự tử… cũng được một số người dùng đăng lên Facebook. Tất thảy những “chuyện kín” đã trở thành “chuyện hở”, vô tình và cả cố ý, người dùng Facebook chẳng còn giữ chỗ nào cho những chuyện riêng tư.
Mạng ảo, hậu quả thật
Cái sự “tung hê” thông tin, chuyện nhà chuyện cửa lên Facebook lắm lúc hữu dụng, vì có thể chủ nhân câu chuyện sẽ được giãi bày tâm sự, được tư vấn cách giải quyết vấn đề; nhưng cũng không tránh khỏi những nỗi ê chề, những cơn xấu hổ hoặc bị quấy phá, khủng bố tinh thần.
Khoảng một tháng nay, chuyện chị H.T liên tiếp được dân mạng truyền tai nhau qua những cái share, like nhiệt tình trên facebook. Chẳng là chị T.T.H.T phát hiện chồng mình lăng nhăng với người con gái khác, nói chuyện phải quấy mà cô gái kia không nghe, chị tung hình ảnh và tin nhắn giữa mình với cô gái đã “lừa tình” chồng mình, kèm theo số điện thoại của cô gái lên Facebook để mọi người biết mặt và "cạch mặt" cô này. Hay một trường hợp khác - một anh chồng biết mật khẩu Facebook của vợ, tình cờ kiểm tra inbox, chứng kiến nguyên môt cuộc chat live giữa vợ và người mà anh ta cho là tình nhân của vợ. Chuyện chưa đâu vào đâu, anh đã chụp ảnh màn hình toàn bộ đoạn nói chuyện giữa vợ với nhân tình lên Facebook, để ở chế độ “công khai” để cho tất cả bạn bè, người thân biết.
Bực mình vì "gái xinh" dụ dỗ chồng, chị T. tung ảnh, số điện thoại và đoạn chat
với tình địch lên Facebook. (Ảnh minh họa)
Những câu chuyện riêng tư này rõ ràng chỉ nên giải quyết kín đáo giữa những người trong cuộc, nhưng có lẽ vì mắc phải hội chứng “cuồng” Facebook mà những người trong cuộc đã không hề suy nghĩ sâu xa, khiến “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”, người bị bêu riếu không còn dám nhìn mặt bạn bè, người thân, khơi thêm những vết nứt nữa trong hạnh phúc gia đình.
Hay như chuyện của chị Đ.M.H chẳng hạn. Thường xuyên “buôn” chuyện về mâu thuẫn giữa mình và mẹ chồng lên một diễn đàn kín, chị yên tâm xả hết những bức xúc trong lòng với những lời lẽ quá khích mà không hề biết, người yêu cũ của chồng chị cũng là thành viên của diễn đàn này. Người đó đã âm thầm chụp ảnh màn hình, ghi lại toàn bộ “bằng chứng” và gửi tất cả cho chồng chị xem. Vợ chồng chị sau đó đã xảy ra chiến tranh lạnh trong một thời gian dài.
Đáng nói hơn, có những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc “cuồng” Facebook khiến dư luận rúng động như vụ cô gái sinh năm 1995, đang học lớp 12 ở Hà Nội đã uống thuốc diệt cỏ quyên sinh vì uất ức với việc bạn học chế ảnh của mình “cho vui” rồi tung lên mạng. Trước đó, cô đã viết status trên trang cá nhân dọa sẽ tự tử, nhưng các bạn cô thậm chí còn trêu ngươi, chửi rủa cô bằng những comment ác ý, thách thức cô. Hay mới đây nhất là vụ sát hại dã man xảy ra ở Đồng Nai mà nguyên nhân đơn giản là… ghen với Facebook. Cho rằng vợ quan hệ bất chính với người đàn ông khác vì thường xuyên lên Facebook trò chuyện, nhắn tin và có nhiều hành vi mà anh cho rằng không quan tâm đến mình, người chồng đã rắp tâm, lên kế hoạch giết vợ, con rồi tự sát. Sự việc đã cướp đi sinh mạng của người vợ trẻ.
Những gì người ta đăng tải lên mạng xã hội Facebook, suy cho cùng là quyền cá nhân của họ, nhưng không phải vì thế mà chúng hoàn toàn vô hại. Một nghiên cứu gần đây của Trường đại học Michigan chỉ ra rằng, càng sống trên Facebook nhiều, bạn càng cảm thấy cuộc sống của mình buồn chán và tẻ nhạt hơn. Chứng kiến cuộc sống của những người bạn trên Facebook tuyệt vời và tràn ngập niềm vui, nhìn vào bằng chứng cho sự thành công của bạn bè, những em bé dễ thương, những kỳ nghỉ tuyệt vời có thể khiến bạn sự ghen tị, cô đơn và thậm chí tức giận.
Facebook có lẽ không chỉ là một thú vui, một công cụ hữu hiệu để kết nối thế giới; nó đang trở thành một “thùng rác thông tin” khổng lồ có thể hủy hoại sự riêng tư, ảnh hưởng đến cuộc sống thực của người dùng mạng xã hội này.
Theo Maskonline.vn