Vũ Thị Mai Anh - cô gái trẻ tài hoa.
Những ngày gian khó
Mai Anh thi Đại học mỹ thuật 3 năm đều trượt. Trượt đại học một năm đã buồn, đến ba năm, “cái dớp” này khiến bất kì ai cũng trở nên vô cùng hụt hẫng với bản thân. Tuy nhiên, Mai Anh tự nhủ, buồn thì buồn, vẫn phải tiếp tục sống.
Cô gái hai mốt tuổi khi đó bắt đầu làm đủ thứ việc không tên để kiếm tiền: bồi bàn quán café, nhân viên bán trà sữa, vẽ ký họa ở chợ đêm, vẽ tranh tường cho shop quần áo…”
“ Những công việc đó đương nhiên chẳng có tương lai, nên mẹ bảo mình ra chợ Đồng Xuân bán hàng giúp mẹ. Mẹ mình có quầy hàng ở chợ, bán buôn đồ trẻ em. Ra đến chợ, mình mới biết thế nào là khổ. Mỗi ngày, mình phải dậy từ 4-5 giờ sáng, làm việc luôn chân luôn tay, thường tối 7-8 giờ mới về đến nhà, cơm nước giặt giũ đến 10 giờ đi ngủ, sáng hôm sau lại tiếp tục với guồng quay đều đặn".
Đang từ người chỉ biết lo ăn học, cộng với tính nghệ sỹ bay bổng, mơ mộng về tương lai, đùng một cái, Mai Anh va vào cuộc sống bon chen và vất vả.
Mai Anh và những người lao động ở chợ Đồng Xuân
Cô chia sẻ: “Công việc khi ấy rất nhiều, ghi chép, dỡ hàng, đóng hàng, bê vác… Vì bán buôn nên lượng hàng rất lớn, có ngày đông khách 1 mình đóng hơn chục bao tải lớn cao to hơn người, đến nát cả tay. Nhiều lúc tủi thân vừa làm vừa khóc, nhưng việc nhiều đến nỗi cũng không dám khóc lâu, khóc xíu rồi lại chạy long sòng sọc lên làm. Sợ nhất lấy hàng trong kho, vì kho vừa nhỏ vừa tối , hàng thì nhiều, bới tìm hàng rất khổ, nhiều lúc hàng chất lên cao ngập đầu , thứ cần lấy thì ở dưới sâu , phải chổng mông đào như chuột chũi đào đất vậy…”
Mai Anh gọi đó là quãng thời gian “thử thách” của cuộc đời mình, cô không có lựa chọn nào khác, thi trượt, công việc không chủ động được thì không được phép chê bất kì việc gì đến tay cả.
Bước ngoặt cuộc đời
Dù khó khăn đến đâu, đến một lúc nào đó, cơ hội cũng sẽ đến. Sau khi làm việc ở chợ Đồng Xuân được hơn một năm, Mai Anh nghe nói có người quen là chủ một ảnh viện khá có tiếng đang làm gấp 1 bộ sưu tập áo dài nên cần người “chạy lon ton”.
"Mình quyết định sang giúp,làm không công khoảng một tuần, công việc là phụ chú họa sỹ chính vẽ áo dài. Sau tuần đó, anh chủ thấy mình nhiệt tình, được việc nên gọi về làm nhân viên chính thức.”.
Trước khi bắt đầu, anh chủ có ngồi nói chuyện hỏi Mai An mong muốn mức lương thế nào? Khi đó, cô nói thật là mình chưa cần tiền mà chỉ cần có công việc phù hợp để làm lấy kinh nghiệm nhưng vẫn được anh trả lương vừa học vừa làm. Đây là 1 ảnh viện cũng lớn nên khá đông khách.
“Ban đầu mình làm đủ thứ việc, không ngại việc gì, sau thấy thích làm ảnh nên tự lấy ảnh của khách hàng chỉnh sửa, làm maket, lên album, làm xong đưa cho mọi người xem thì được khen, anh chủ ưng nên từ đó có bộ ảnh nào của khách VIP là đưa mình làm".
Sơn nhà, sửa ảnh, sửa váy… Mai Anh không nề hà bất kì việc gì.
Từ một người phụ việc, Mai Anh trở thành thợ photoshop. Lúc ấy, cô mới thấy 3 năm học vẽ của mình có ý nghĩa. Công việc ở ảnh viện được chuyên môn hóa, mỗi người 1 việc nên không quá bận rộn, ko phải lao động chân tay mệt mỏi nhưng lại nảy sinh những áp lực khác:
“ Đi làm thuê thì không được tự quyết định bất cứ việc gì, chủ nói sao phải nghe vậy, cộng với việc đồng nghiệp xung quanh ma cũ bắt nạt ma mới nên mình phải chịu ấm ức nhiều, mình có lo làm tốt việc của mình đi nữa cũng vẫn bị những người khác soi mói”.
Trong ba, bốn tháng Mai Anh làm việc ở đây, được tiếp xúc với nhiều tầng lớp từ bình dân cho đến đại gia nên cô được mở mang đầu óc ra nhiều. Nhưng các bất hòa, đố kị cũng nhiều lên từng ngày, Mai Anh xin nghỉ, nhận làm ảnh tại nhà cho ảnh viện.
“Khi làm ảnh đẹp rồi thì bạn bè người thân bắt đầu nhờ làm ảnh, chụp ảnh. Mình mua máy và tự chụp tự làm ảnh luôn. Ban đầu chỉ là chụp ảnh sự kiện, trẻ em, sinh nhật. Sau rồi có cả những cặp đôi tin tưởng nhờ mình chụp ảnh cưới.” Để làm việc, cô phải đi thuê váy lẻ cho khách. Các ảnh viện lớn thường làm trọn gói, thuê lẻ váy rất đắt, đi thuê ở những studio nhỏ rẻ hơn thì váy xấu và cũ. “Thế là mình nhìn thấy nhu cầu của thị trường…”
Những ngày chập chững bước vào nghề
Mai Anh nhớ lại: “Khi mình ngỏ ý vay mẹ vốn để mở studio váy cưới riêng. Mẹ chỉ nói rất nhẹ nhàng: Đồng tiền bố mẹ kiếm được vất vả nên con phải làm sao cho xứng đáng với công sức của bố mẹ.
Mẹ nói đơn giản vậy thôi nhưng mình nhớ và ghi tâm lắm. Lạ là mình lại không hề nghĩ về thất bại , không biết có phải do nhìn thấy được thị trường và nhu cầu nên mình an tâm hay do tính mình nó đơn giản, chứ nếu mình nghĩ xa, nghĩ kỹ nghĩ cẩn thận, sợ thất bại có khi lại không dám làm.”
Gia đình không ai trong nghề này nên Mai Anh tự mày mò tìm kiếm. Với số vốn gần 100 triệu vay của mẹ, ban đầu, cô tham khảo khắp các địa chỉ may váy cưới tại Hà Nội nhưng đều không ưng mẫu mã kiểu dáng và cả kỹ thuật may nên quyết định đi Quảng Châu nhập hàng: “chỉ nhập loại vừa tiền, mẫu mã phổ thông dễ mặc, nhưng sự thật với mức tiền đó thì như vậy là quá đẹp rồi.”
Các cô dâu không chỉ là khách hàng, họ còn là bạn bè của Mai Anh.
Vì không có nhiều tiền để thuê cửa hàng nên Mai Anh cho thuê váy ngay tại nhà: “Nhà mình nhỏ lại trong ngõ ngách nên cô dâu đi tìm cũng vất vả. Phòng để váy của mình chưa được 10m2 trên tầng 4. Hôm trời mát thì không sao, hôm nào trời nóng khách đi tìm nhà đã khổ, lại phải leo lên tận tầng 4, lên đến nơi thở không ra hơi… Mình phải dịu dàng với khách, giảm giá triệt để để khách được vui vẻ.”
Cô tự chụp mẫu sản phẩm, tự quảng cáo trên một trang thương mại điện tử lúc đó đang hoạt động khá tốt. Vì không mất tiền thuê cửa hàng nên chỉ 1 vụ cưới (đông, xuân) là Mai Anh đã lấy lại gần như số vốn vay lúc đầu.
Bởi nhu cầu ngày càng cao của khách hàng và cần thiết cho sự phát triển, Mai Anh bắt đầu tự thiết kế những mẫu váy cưới riêng. Tự thiết kế đồng nghĩa với việc tự lên sản phẩm, tự mày mò chọn lọc và tìm thợ cắt may:“tìm được những người có tay nghề tốt, yêu nghề, tận tâm với công việc, biết lắng nghe, làm việc ăn ý không đơn giản, thường thì được cái này mất cái kia, khó có ai hội tụ đầy đủ mọi yếu tố.”
Mẫu ưng ý của Mai Anh khi cô tham gia triển lãm váy cưới.
Công việc kinh doanh cũng không đơn giản, khách trả váy chậm là chuyện bình thường. Có lần, Mai Anh còn bị khách hàng quỵt tiền, giữ váy đến hơn 1 tháng không trả, khi gọi điện để nhắc còn bị mắng xơi xơi.
Thợ và nhân công để tự sản xuất cũng rất tốn kém. Không hiếm những quyết định sai lầm khiến Mai Anh gần như mất trắng và phải bắt đầu lại. “Thế nên, vừa trả được tiền cho mẹ thì lại phải vay lại để lo đủ thứ chi phí phát sinh,cũng may mình được ông xã (lúc đó là bạn trai) giúp đỡ nhiều, trang trí, décor sơn sửa văn phòng, việc gì làm được cho đỡ tốn kém là làm. Người trẻ kinh doanh cần phải học cách quản lý chi tiêu cẩn thận, nếu không biết tính toán lo liệu nên dù kiếm được nhiều tiền vẫn thất thoát đi hết.” .
Tiền quan trọng nhất là tiền lẻ, cuộc sống quan trọng nhất là gia đình
Mai Anh tự nhận mình là người dám đi và dám ngã, cô quan niệm cuộc sống rất thú vị, nó có thể dẫn đến ngõ cụt, có thể dẫn đến thành công. Sống có đam mê mang lại nhiều thứ nhưng cũng làm mất đi nhiều thứ khác, không có gì hoàn hảo, nhưng có 1 điều cô chắc chắn nếu sống có đam mê thì cuộc sống sẽ luôn ý nghĩa đến từng giây phút.
“ Có thể hơi ngây thơ khi bảo ai đó cứ làm việc cống hiến hết mình đi khi thứ họ nhận được chỉ là những đồng xu lẻ. Nhưng đó là bài học của mình, cứ sống hết mình, không hơn thua và toan tính, cuộc sống sẽ mang lại cho bạn nhiều điều bất ngờ.
Cô cũng vừa có gia đình riêng…
Cuộc đời quá ngắn, ngoảnh đi ngoảnh lại đã già, nhiều việc muốn nhưng ko làm được , đó là câu nói mà mình nghe được từ rất nhiều người lớn tuổi, luôn là những sự tiếc nuối kéo dài, nên mình quyết định sống để sao cho sau này khi già sẽ ko phải nói những lời nuối tiếc đó.”
Mai Anh kể, đôi khi vì quá mải mê công việc, cô bỏ lỡ mất những giây phút bên gia đình người thân , đó là những khoảnh khắc cô hối hận nhất. Nên dù công việc kinh doanh tiến triển, có điều kiện mở studio “hoành tráng” hơn, nhưng cô chỉ chọn một địa điểm mới ở quy mô vừa phải. “Bởi mình biết khi mở rộng quy mô đồng nghĩa công việc và áp lực ngày càng nhiều, thời gian dành cho gia đình sẽ ít đi. Mình vừa lập gia đình, cuộc sống cân bằng mới là điều mình luôn hướng đến”.
Ngoài đam mê váy cưới, chụp ảnh, làm đẹp cho cô dâu, Mai Anh thích làm từ thiện, có lẽ quãng thời gian làm việc tại chợ Đồng Xuân cùng người lao động nghèo đã giúp cô hiểu và cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn. Cô cho rằng: “Đó cũng là 1 cách để mình cân bằng hơn trong cuộc sống nhiều rủi ro này…”
Trí Thức Trẻ