Ban đầu, “đạo” và “đức” là hai từ khác nhau. "Đạo” là phương pháp luận đối nhân xử thế còn “đức” là tu dưỡng nhân cách của con người. Đạo đức là một kiểu quy tắc và thói quen xã hội được đại chúng công nhận. Bình thường, đạo đức coi việc bảo vệ lợi ích của quần thể đại chúng xã hội làm tiêu chuẩn, có tác dụng ràng buộc, cân bằng, giáo dục đối với cá nhân.
Tuy nhiên, đạo đức không có điều khoản rõ ràng như pháp luật, vì thế đạo đức có tính chủ quan và tính không xác định mãnh liệt. Cho dù nhiều lúc nó có tác dụng tích cực đối với cá nhân hoặc tập thể nhưng chúng ta cũng không thể loại bỏ việc một số người coi đạo đức như một công cụ trục lợi, đứng trên đỉnh cao của đạo đức để trói buộc, chỉ trích, yêu cầu người khác. Hành vi này được gọi là “trói buộc đạo đức”.
(Ảnh minh họa)
Ngày nay, hiện tượng trói buộc đạo đức đang thu hút được nhiều sự quan tâm của mọi người, rất nhiều người đều chia sẻ họ đã từng trải qua việc vị trói buộc đạo đức. Những trải nghiệm này nhìn có vẻ đủ các trường hợp, thông qua tâm lý học chuyên nghiệp phân tích có thể phát hiện, những kiểu trói buộc đạo đức kinh điển nhất, thường gặp nhất và gây tổn thương nhất là 3 câu nói này.
''Một giọt máu đào hơn ao nước lã''
Đối với nhiều người mà nói, tình thân là điều vô cùng đẹp đẽ, nó chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong các mối quan hệ xã giao của chúng ta. Đặc biệt là người Đông Á có tình cảm vô cùng nồng hậu đối với “nhà”. Tuy nhiên, con người đều là những cá thể có khác biệt rất lớn, không phải tất cả mọi mối quan hệ giữa những người thân đều hòa thuận.
Có người bình thường rất lạnh nhạt, thậm chí chẳng hề quan tâm tới anh chị em hoặc họ hàng của mình, đến khi trong nhà có người ốm đau mới biết đi tìm kiếm sự giúp đỡ, khi bị từ chối thì lại chỉ trích người ta là lòng dạ độc ác, đồng thời lấy lí do quan hệ huyết thống để chèn ép đối phương.
Có nhiều ông bố bà mẹ có tư tưởng trọng nam khinh nữ nặng nề, những người con gái từ nhỏ đã không nhận được sự yêu thương từ cha mẹ, thậm chí còn chán ghét chính con gái ruột của mình. Để rồi khi con gái sau này lớn lên có sự nghiệp thành công lại bắt họ phải cung phụng mình, dùng đạo lý “hiếu kính cha mẹ” hòng ép buộc con gái phải là tròn “đạo hiếu”.
(Ảnh minh họa)
Có người nợ họ hàng một khoản nợ lớn nhưng lại muốn ì ạch không trả, cứ mỗi lần đối phương nhắc tới chuyện trả tiền thì lại bắt đầu kêu khổ, chỉ trích những người đã từng giúp đỡ mình là “máu lạnh”, “ác độc”.
Những trường hợp như vậy xuất hiện đầy rẫy trong cuộc sống hiện thực, dẫu cho quan hệ huyết thống không thể cắt đứt được, nhưng không có nghĩa tình thân là vô điều kiện. Là một cá thể độc lập, bạn không có quyền bắt người khác phải phục vụ cho bạn, điều này cho dù là đối với họ hàng hay cha mẹ cũng đều có ứng dụng như nhau.
Vì thế, tất cả những hành vi lấy danh nghĩa “tình thân, đạo hiếu” để yêu cầu, ép buộc người khác thì đều là trói buộc đạo đức.
Có nhất thiết phải so đo tính toán như thế không?
Trong cuộc sống hàng ngày, trêu đùa lẫn nhau là việc mà bạn bè thân thiết thường làm, có thể khuấy động không khí trở nên vui vẻ hơn, giúp kéo gần khoảng cách giữa mọi người. Nhưng đùa cũng cần phải có chừng mực, nếu đùa quá đáng thì không những không có tác dụng vốn có của nó mà còn gây mâu thuẫn, xung đột.
Có người EQ rất thấp, nhiều lúc không giữ được chừng mực dễ làm tổn thương người khác. Nhưng khi người khác thể hiện sự tổn thương hoặc phẫn nộ thì lại đùn đẩy trách nhiệm bằng cách phản bác lại với những câu “sao cậu nhỏ mọn thế?”, “có nhất thiết phải so đo tính toán như thế không?”,... Vốn dĩ là bản thân sai nhưng lại nói những lời như thể mình là người bị hại, còn người khác là kẻ hẹp hòi.
(Ảnh minh họa)
Còn có một số người, bình thường thích đồn thổi, dựng chuyện lung tung để thỏa mãn tính ích kỷ, nhiều chuyện, nói xấu người khác của mình. Khi người bị hại phát hiện ra hành vi dựng chuyện này của mình thì lại chỉ trích người ta là “nhỏ mọn”. Hành vi này luôn khiến người khác cực kỳ phản cảm và phẫn nộ, nếu người bị hại thực sự nổi nóng và làm ra những hành động quá đáng thì sẽ trúng kế của kẻ bịa chuyện.
Tôi là người già, cậu nhường cho tôi đi!
Vài năm gần đây, việc một số người già thường ép buộc người trẻ nhường chỗ cho mình đã không còn mới lạ nữa, coi hành động nhượng bộ xuất phát từ lòng tốt thành nghĩa vụ mà người khác bắt buộc phải làm khiến nhiều người phải cảm thán rằng: “Không phải là người già trở nên khó tính mà là người xấu đã trở thành người già”.
Kính già yêu trẻ là nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc, đây là sự thực không thể tranh cãi nhưng điều này không có nghĩa là người già có thể ỷ mình cao tuổi mà ức hiếp người khác. Có người già lợi dụng thân phận mình là “quần thể yếu thế” mà yêu cầu người khác bắt buộc phải phục vụ, giúp đỡ cho mình, nếu như đối phương không thực hiện thì sẽ mắng nhiếc họ là “không có đạo đức”, thậm chí còn ỷ vào việc không ai dám động tay với người già mà thượng cẳng tay hạ cẳng chân với những người trẻ không thể giúp đỡ mình.
(Ảnh minh họa)
Có người nói: “Nhường chỗ là nể tình, không nhường chỗ là bổn phận”. Cho dù đối phương có nỗi khổ riêng hay vốn dĩ không có ý thức nhường thì họ cũng không có nghĩa vụ bắt buộc phải nhường. Không nhường chỗ cho người già có lẽ là hành vi không có đạo đức, nhưng là người trong cuộc, không thể dùng cái cớ mình già mà chèn ép người khác. Suy cho cùng, đạo đức không có tính cưỡng chế, bản thân việc ép buộc người khác làm việc “có đạo đức” đã là không có đạo đức rồi.
Trong cuộc sống, những người thích trói buộc đạo đức chẳng qua là dùng lý do, danh nghĩa mỹ miều để trục lợi về mình, gây thiệt hại cho người khác, còn người bị hại thì thường do bị yếu thế do người khác đứng trên bục cao của đạo đức để chỉ trích. Cuối cùng là đã phải hy sinh một cách vô ích để những kẻ lòng dạ ác độc, thâm hiểm được lợi.
Vũ Phong (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)