Sau khi rời xa bố mẹ đi học đại học, các sinh viên đều được gia đình cho một khoản chi tiêu tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình. Có những người được bố mẹ cho ít nên phải đi làm thêm, có những người thấy dư dả với số tiền gia đình cho.
Mới đây, một người kể về em trai là sinh viên năm nhất tiêu hết 10 triệu một tháng: "Em trai mình, năm nay năm nhất, học..., tiền phòng trọ mình cho, tiền học thì bố mẹ cho, tháng vừa rồi nó khoe mình được bố mẹ các cô các chú bác cho hơn 10 triệu. À, nó thích ở riêng, không ở với mình nên mình cho tiền phòng trọ… Vậy mà hôm qua nó gọi mình xin 1 triệu.
- Sao đầu tháng bảo được cho hơn 10 triệu mà hết rồi à?
- Vâng hết rồi.
- Mày tiêu kiểu gì mà hết rồi.
- 3 triệu tiền ăn, sáng 20 nghìn, trưa, 30 nghìn, tối 30 nghìn, nước 20 nghìn
- Còn tiền gì nữa.
- Điện nước, internet hết 350 nghìn
- Gì nữa?
- Tiền điện thoại, xăng xe đi lại hết 800 nghìn
- Gì nữa? Thế mới hết cùng lắm có hơn 4 triệu.
- Còn lại thì em đi mua 2 đôi giày, mỗi đôi 2 triệu ạ, với 1 ít quần áo nên hết sạch.
Nói đến đây không còn gì để nói. Tất nhiên mình mắng nó 1 trận, bảo sinh viên năm nhất mà ăn chơi đua đòi. Bằng tuổi nó, mình đi giày Thượng Đình, ăn thì sáng trưa thành 1, tối bữa có bữa không, điện nước, internet chắc 200 nghìn, đi lại còn đi xe bus,… Tháng có 2 triệu là cũng hơi căng đét…kể cả tháng đầu tiên lên đại học luôn. Tất nhiên tháng tới, mình báo bố mẹ khống chế cho nó tiêu 3-4 triệu/1 tháng là cùng…
Đấy, sinh viên năm nhất hết 10 triệu/1 tháng đấy… Thật ra mình kể ra chỉ đơn giản là nhắc mấy bạn năm nhất muốn chi tiêu tiết kiệm thì phải tính toán cho kĩ, cái nào cần, cái nào không cần, nâng lên, đặt xuống, có nên mua hay không? Công thức đơn giản lắm. Phân biệt khoản nào là cố định và khoản nào là không cố định, phát sinh. Như mình hồi sinh viên cố định gồm: Tiền trọ, điện nước, internet, tiền điện thoại, xăng xe...
Còn tiền không cố định, phát sinh: Tiền ăn uống (Hà Nội thì món ngon không thiếu nên tiền ăn mình hàng tháng có tháng nhiều tháng ít), tiền quà cáp, sinh nhật, ma chay hiếu hỷ, tiền mua đồ,… Đấy, cứ thế mà chia ra thôi. Cố định thì tháng nào cũng mất, còn không cố định, phát sinh thì cân nhắc sao cho hợp lý. Chứ mà không ý, thì có 20-30 triệu thì cũng hết, năm nhất với chả không".
Nhiều người cho rằng, cậu em trai tháng đầu vẫn chưa biết chi tiêu nhưng sau sẽ quen dần với cuộc sống tiết kiệm của sinh viên. Bên cạnh đó, nhiều người cũng sốc với độ chịu chơi của chàng sinh viên khi dám bỏ 4 triệu mua 2 đôi giày.
"Mới sinh viên mà đã dám bỏ ra 2 triệu mua 1 đôi giày. Em tao thì tao cho nhịn", "Hai đôi giày 4 triệu thì tôi cũng chịu", "Mày đi máy bay hay sao mà 1 tháng 800 nghìn tiền xăng", "Mới đầu lên chưa biết thôi! Giờ có khi 1 tháng mình lại quay trở lại giống ngày xưa tiêu chưa hết 500 nghìn. Khi mà cả ngày không ra khỏi nhà, không đi chơi đâu. Cơm bố mẹ nuôi. 500 nghìn chắc là tiền đổ xăng hết", "Chỉ mất tháng đầu là sắm đồ dùng sinh hoạt nên hơi tốn 1 tí thôi, chứ từ sáng sau 1 triệu vẫn cứ ok", "1 tháng 10 triệu, các em sinh viên năm nhất chưa nếm mùi tiền nên khi được ra ngoài tự chủ, tiêu thoáng quá. Bái phục"..., cư dân mạng bình luận.
Nhiều người cho rằng, bỏ ra 2 triệu mua một đôi giày là quá chịu chơi đối với sinh viên.
An An (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)