Hẳn bạn đã từng một lần nghe về cuộc Khủng hoảng Tài chính vào năm 2007. Khi đó, hàng triệu người đã mất việc làm và cuộc sống của họ cùng gia đình trở nên vô cùng khó khăn.
Các nhà kinh tế học đã đi tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng kinh tế này. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển vẫn không có những hiểu biết cơ bản về tiền bạc.
Hai nhà kinh tế học Annamaria Lusardi và Olivia Mitchell đã lập ra một nghiên cứu như sau. Họ nêu ra 3 câu hỏi đơn giản về tài chính mà một người trưởng thành được cho là phải nắm rõ. Sau đó, hai nhà kinh tế sẽ thống kê xem có bao nhiêu phần trăm những người tham gia nghiên cứu trả lời đúng được cả 3 câu.
Cùng xem đề bài và thử trả lời những câu đố trong nghiên cứu của hai nhà khoa học dưới đây.
Câu 1: Giả sử bạn có 100 USD (khoảng 2,1 triệu VND). Bạn gửi ngân hàng với kỳ hạn 5 năm và lãi suất là 2%. Hỏi sau một năm bạn sẽ có bao nhiêu tiền?
Nhiều hơn 102 USD (khoảng 2,150 triệu VND)
Đúng bằng 102 USD
Ít hơn 102 USD
Không biết
Câu 2: Bạn gửi ngân hàng với lãi suất 1%. Trong khi đó, lạm phát là 2% (tức giá cả chung của các loại hàng hóa tăng lên 2%). Hỏi sau một năm số lượng hàng hóa mà bạn có thể mua được sẽ:
Nhiều hơn trước đây
Vẫn y như thế
Thấp hơn trước đây
Không biết
Câu 3: Phát biểu sau đúng hay sai: “Mua cổ phiếu của một công ty duy nhất thì bạn sẽ nhận được tiền lãi an toàn hơn so với đầu tư tiền vào quỹ tương hỗ”. Quỹ tương hỗ là một hình thức đầu tư được một công ty quản lý chuyên nghiệp, bạn có thể tiếp cận với nhiều lựa chọn đầu tư khác nhau.
Đúng
Sai
Không biết
Sau khi tự trả lời các câu hỏi, bạn thử đối chiều với đáp án sau nhé.
Các câu trả lời đúng sẽ là 1a, 2c và 3b.
Nếu trả lời đúng hết được cả 3 câu, bạn chính là một trong thiểu số người dân trên Trái đất này nắm được những kiến thức cơ bản nhất về cách sử dụng tiền. Ở Mỹ, chỉ có 30% người được khảo sát trả lời đúng được cả 3 câu hỏi.
Người Đức có điểm số cao nhất về kiến thức tài chính.
Những quốc gia “thông minh” nhất về tài chính là Đức, với tỉ lệ người trả lời đúng trọn vẹn là 53%, theo sát sau là Thụy Sĩ (50%). Những nước có số người trả lời đúng ở mức trung bình gồm có Nhật Bản (27%) và Pháp (31%). Nước Nga “đội sổ” trong nghiên cứu này, với tỉ lệ là 4%.
Vậy tại sao những kiến thức về gửi tiền ngân hàng hay chỉ số lạm phát lại quan trọng đến vậy? Có lẽ với chúng ta, đó mới là những thuật ngữ được nhắc thoáng qua trong môn kinh tế hay trong các bản tin thời sự. Nhưng theo các nhà kinh tế học, nếu hiểu được những khái niệm này, bạn sẽ tránh được nguy cơ bị phá sản khi trưởng thành.
Nhà nghiên cứu Lusardi và Mitchell cho rằng, khi không có kiến thức về tài chính, chúng ta dễ mắc phải những sai lầm trong sử dụng tiền bạc. Chẳng hạn, sau này khi đã ra trường, có việc làm, chúng ta có thể “vung tay quá trán”, mắc phải những khoản nợ thẻ tín dụng khổng lồ hoặc cho vay tiền một cách đầy rủi ro, rồi “mất cả chì lẫn chài”.
Hai nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh việc học về sử dụng tiền càng cần thiết ở những nước có tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, trong đó có Việt Nam.
Những bạn đang đọc bài báo này nhiều khả năng sẽ trở thành một trong số 30 triệu người trung lưu và giàu có của nước ta vào năm 2020. Các bạn có sự độc lập về kinh tế cũng như khả năng tiêu dùng lớn hơn thế hệ bố mẹ, ông bà.
Để đạt được một cuộc sống đầy đủ khi trưởng thành, các nhà kinh tế học nhấn mạnh, mỗi bạn trẻ hãy không ngừng học hỏi những kiến thức về tiền bạc từ sách vở, gia đình hay thực tế cuộc sống.
Có thể ngay từ lúc này, chúng ta làm quen với việc mua sắm tiết kiệm hay tự lên những kế hoạch tài chính cho cá nhân. Để rồi nhờ vậy, các bạn sẽ không bao giờ mắc bệnh “viêm màng túi”.
Trí Thức Trẻ