Kim Ngân (23 tuổi, Hà Nội) thường gọi sếp là "đại ca" và trả lời "Khó quá đại ca ơi, em không làm được đâu" khi gặp nhiệm vụ khó. Với cô, đây là cách tạo cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng và thể hiện sự lạc quan, trẻ trung đặc trưng của Gen Z. Cô cho rằng, giao tiếp "bằng vai phải lứa" không đồng nghĩa với thiếu chuyên nghiệp. Thay vì gửi sản phẩm chưa đạt yêu cầu, cô sẽ nói "Cái này chưa đủ 'wao' đâu sếp ơi, đợi em thêm chút nhé". Ngân cùng đồng nghiệp Gen Z chủ động tạo không khí sôi nổi, thoải mái tại văn phòng vốn nghiêm túc.
Cách giao tiếp này là một phần của xu hướng "Khi thế hệ cợt nhả tham gia thị trường lao động", lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Các hội nhóm lớn trên Facebook thu hút hàng chục nghìn thành viên chia sẻ kinh nghiệm làm việc hài hước, dí dỏm, từ sử dụng meme đến "cãi sếp theo kiểu trẻ con".
Gen Z sử dụng từ 'cợt nhả' để chỉ phong cách giao tiếp thoải mái, đơn giản hóa vấn đề, tạo sự hài hước (Ảnh minh hoạ)
Trong từ điển, "cợt nhả" mang nghĩa trêu đùa thiếu đứng đắn, nhưng Gen Z sử dụng nó theo cách khác. "Thế hệ cợt nhả" là một thuật ngữ được giới trẻ sử dụng để mô tả phong cách giao tiếp và làm việc mang tính hài hước, tự do, đôi khi có phần trêu đùa nhưng vẫn thông minh và sắc sảo. Đây không phải là sự thiếu nghiêm túc mà là cách thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, thể hiện cá tính, sự sáng tạo và linh hoạt trong mọi tình huống, kể cả trong công việc.
Minh Thư (24 tuổi, giáo viên mầm non) đăng video "Khi thế hệ cợt nhả đi làm: giáo viên mong giờ ra chơi hơn học sinh". Thay vì nhắc nhở từng học sinh ngủ trưa, cô hô "Ai thực sự đi ngủ rồi thì giơ tay!", tạo không khí vui vẻ, bớt căng thẳng. Thư khẳng định vẫn đảm bảo học sinh ngoan ngoãn, lễ phép nhưng không gò ép theo khuôn khổ.
Tinh thần "cợt nhả" lan rộng trong nhiều ngành nghề. Một luật sư trẻ chia sẻ video "Khi Gen Z đi làm, bằng chứng ra tòa là ảnh chụp màn hình". Bác sĩ trẻ trêu đùa "Ca bệnh này chưa đủ 'wao'". Sinh viên tốt nghiệp nhảy TikTok, chụp ảnh tự sướng cùng hiệu trưởng với chú thích "Thế hệ cợt nhả sẵn sàng bước vào thị trường lao động". Thậm chí, một số chuyên gia nhân sự còn viết "Cần tuyển thế hệ cợt nhả, chúng tôi muốn được làm phiền" trong thông báo tuyển dụng.
(Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, xu hướng này cũng gây tranh cãi, nhiều người cho rằng nó thiếu nghiêm túc, không phù hợp với môi trường chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng "thế hệ cợt nhả" là cách Gen Z thể hiện sự vui vẻ, hài hước, lạc quan. Họ lớn lên trong thời kỳ hòa bình, kinh tế phát triển, ít áp lực về kinh tế nên có tâm thế thoải mái hơn. So với các thế hệ trước, Gen Z cởi mở, dám thể hiện quan điểm, tranh luận với cấp trên và thử nghiệm cái mới. Thay vì than vãn, họ chọn cách dí dỏm để lan tỏa năng lượng tích cực.
Chị Nguyễn Hồng (35 tuổi), quản lý phòng marketing, từng "choáng ngợp" trước sự khác biệt văn hóa thế hệ khi làm việc với 15 nhân sự Gen Z. Trong cuộc họp, họ sôi nổi tranh luận, đưa ra ý tưởng, thậm chí yêu cầu sếp giải thích rõ. Khi căng thẳng, họ chủ động đề xuất nghỉ giải lao. Ban đầu chị thấy lạ, nhưng dần hiểu đó là cách Gen Z kết nối với sếp, giúp môi trường làm việc bớt cứng nhắc. Chị Hồng nhận ra, quản lý linh hoạt, thích nghi sẽ giúp nhân sự trẻ có thêm động lực sáng tạo và gắn bó.
(Ảnh minh hoạ)
Gen Z đang mang đến một luồng gió mới cho môi trường công sở, không chỉ sáng tạo, linh hoạt mà còn biết cách tạo không khí thoải mái, kết nối đồng nghiệp. Điều này khiến các thế hệ trước dần thay đổi quan điểm và cách giao tiếp trong công việc.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)