Tết là thời điểm mà một năm chỉ có một lần, là cơ hội để chúng mình đoàn tụ với gia đình, bạn bè và tranh thủ đi chơi cùng “người ấy”. Tuy nhiên, đối với các cặp đôi vì những lý do đặc biệt mà không thể ở bên cạnh nhau, họ sẽ đối mặt với một cái Tết “yêu xa” như thế nào nhỉ?
Từ những cách biệt về địa lý
Những cách biệt về địa lý như: hai người ở hai thành phố khác nhau, hoặc một người phải đi du học và không về Việt Nam ăn Tết được, hay gia đình “người ấy” tổ chức đi du lịch xa vào dịp Tết chẳng hạn… là những nguyên nhân khiến cho Tết của teen trở thành một cái Tết "yêu xa".
“Tớ và anh ấy gặp nhau khi tớ bước vào đại học, lúc ấy cứ có tình cảm rồi yêu nhau rất tự nhiên mà không hề băn khoăn đến việc hai đứa ở hai nơi khác nhau gì cả. Đến gần Tết, tớ mới phát hiện ra mình sẽ không thể gặp anh trong ít nhất là 2 đến 3 tuần nữa, và dù có người yêu nhưng vẫn sẽ phải đối mặt với một cái Tết một mình. Thực sự lúc ấy tớ thấy rất hụt hẫng…”, Thu Trang (19t) tâm sự.
Dù là lý do gì đi chăng nữa, thì rõ ràng đó đều là những trường hợp bất đắc dĩ mà hai bạn không hề mong muốn, cũng không thể làm gì để thay đổi được. Vậy thì thay vì cứ ngồi một chỗ “than ngắn thở dài” hay buồn chán vì hội bạn đứa nào cũng có đôi có cặp trong khi mình lại phải một mình như thế này, tại sao teen và “người ấy” không cùng nhau lập kế hoạch để đón một cái Tết “yêu xa” thật vui và đặc biệt hơn cho cả hai nhỉ?
Cô bạn Vân Anh (17t) chia sẻ: “Hè vừa rồi cậu ấy được nhận học bổng du học Anh. Khi nghe tin, hai đứa tuy rất vui nhưng cũng hơi buồn một chút vì những dịp đặc biệt như Tết lại không thể ở bên nhau. Tuy nhiên, vì đã chuẩn bị tinh thần trước nên tớ nghĩ mình có thể vượt và cùng bạn ấy chuẩn bị một cái “Tết yêu xa” thật đặc biệt với cả hai!”
Tranh thủ gặp nhau nhiều hơn trước Tết
Đối với các cặp đôi sinh viên không cùng quê, thì đây là một phương án cực kỳ hiệu nghiệm và được các bạn ấy sử dụng thường xuyên đấy. Sau những ngày ôn thi vất vả, thông thường sinh viên sẽ bước vào những tuần đầu tiên của kỳ học mới khá nhẹ nhàng, vì thế áp lực bài vở cũng không nhiều.
Đây chính là “thời cơ thuận lợi” để các cặp đôi yêu xa cùng thực hiện những kế hoạch mà cả hai đã vẽ ra trước khi thi, đồng thời cũng giúp hai người có nhiều thời gian bên nhau hơn, bù lại cho những ngày Tết xa nhau.
“Vì hai đứa tớ đều cùng thích đi “phượt” và chụp ảnh, nên sau khi thi cuối kỳ xong, bọn tớ đã cùng nhau đi đến rất nhiều nơi, những địa điểm đó đều ở gần Hà Nội nên việc đi lại cũng ít khó khăn và tốn kém, lại không ảnh hưởng đến việc học nữa.
Tớ và cô ấy đã có thật nhiều những kỷ niệm vui vẻ và hạnh phúc bên nhau, còn “hành trang” về Tết của tớ thì đầy ắp những bộ ảnh đẹp lung linh của hai đứa. Đối với tớ, dường như khoảng cách “yêu xa” của hai đứa đã ngắn lại rất nhiều rồi”, Anh Tuấn (19t) chia sẻ.
Tận dụng triệt để các phương tiện thông tin liên lạc
Trong thời đại thông tin như hiện nay, với nhiều những phương tiện liên lạc nhanh chóng và hiện đại như: chat voice, chat video, các blog, mạng xã hội… thì “yêu xa” đã không còn nhiều khó khăn như trước nữa.
Dù cách nhau cả nửa vòng Trái đất, chúng mình vẫn có thể nhìn thấy và nói chuyện với nhau dễ dàng qua Internet. Vì thế, đây chính là phương tiện chủ yếu mà các cặp đôi “yêu xa” sử dụng để phần nào lấp đầy nỗi nhớ cũng như sự cô đơn khi không có người kia ở bên cạnh.
Đã trở thành thói quen từ sau khi về nghỉ Tết, cứ tối đến, sau khi đã làm xong mọi việc, Phương (18t) lại online chat video với anh chàng người yêu cùng lớp Đại học.
Mang tiếng là ở cách xa nhau, nhưng Phương và “người ấy” có thể biết rõ trong ngày hôm ấy người kia đã làm gì, ở đâu, thậm chí còn nhìn ra người kia mới cắt tóc, gầy đi hay mập lên… tường tận đến mức làm những cặp đôi bạn bè ở bên nhau còn phải ghen tị với hai người. “Có lẽ sau này khi nghĩ lại, chúng tớ sẽ phải cảm ơn cái máy tính của hai đứa rất nhiều đấy”, Phương vui vẻ chia sẻ cùng chúng tớ.
Pháp luật xã hội