“Cháu muốn tự tử vì nhục nhã”
Nhìn biểu hiện của Loan - cô con gái 16 tuổi - trong thời gian gần đây, anh Hưng khẳng định cô bé bị trầm cảm. Loan trở nên ít nói, mặt mày ủ ê, ăn xong lại tót vào phòng, từ chối mọi cuộc vui với bạn bè. Đến cả âm nhạc và những bộ phim Hàn Quốc vốn làm Loan mê mẩn thì bây giờ cô bé cũng chẳng thiết. Đến bữa ăn, Loan ngồi hờ hững nhai như nhai rơm, mỗi sáng thức dậy với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ…
Hưng đưa con đến chuyên gia tâm lý và sau buổi gặp đầu tiên, cô bé đã được chẩn đoán trầm cảm. Sau vài buổi nói chuyện nữa với cô bé, chuyên gia đã thông báo nguyên nhân gây bệnh, điều mà Loan không tiết lộ với bố mẹ mà vợ chồng Hưng khi nghe được cũng không tin: Cô bé cảm thấy mình vô giá trị, thấy đời không có tương lai vì... vòng một quá khiêm tốn.
Trong lớp 11 của Loan, các bạn nữ chiếm đa số, và phần lớn có hình thức khá. Ở tuổi 16, các cô gái bắt đầu quan tâm rất nhiều đến ngoại hình, thường cùng nhau trao đổi cách thức làm đẹp, hoặc cùng bắt chước xu hướng thời trang của các ngôi sao xuất hiện trên báo mạng. Vì thế, Loan nhanh chóng nhận ra sự thua kém của mình so với các bạn: cô bé không có ngực.
Loan đã thử nhiều cách để khắc phục nhược điểm này. Cô bé mua các loại phụ kiện “ nâng, đẩy”, nhưng chúng chỉ hỗ trợ biến “đồi” thành “núi” chứ không thể giúp cô bé “biến không thành có” được. Loan cũng đã nhịn ăn sáng 2 tháng trời, dành tiền mua một lọ kem bôi nở ngực. Nhưng chỉ dùng ít lâu, cô bé thấy mặt mày nổi mụn, kinh nguyệt thất thường, đọc báo thấy nói thuốc dễ gây ung thư do rối loạn hormone nên sợ quá vứt đi.
Các bạn gái thường góp ý với Loan về cách ăn mặc “kín cổng cao tường” những khi đi chơi. “Cậu lúc nào cũng cái khuy kín mít như bà già”, một cô bạn nói, “thử mặc áo rộng cổ ra xem nào”. Cô bạn khác giải thích: “Tại nó màn hình phẳng, mặc kín còn độn thêm được chứ mặc hở thì lộ hết à?”. Những câu nói vô tình ấy khiến nỗi mặc cảm trong cô thiếu nữ ngày một dâng đầy.
Loan càng buồn khi nhận thấy, bộ ngực tròn căng đang là chuẩn của vẻ đẹp phụ nữ, được các ngôi sao giải trí, báo chí và cả mọi người trong đời thực “tôn vinh”. Các cậu con trai xung quanh cô bé cứ thỉnh thoảng lại trầm trồ với nhau khi lướt mạng hoặc đi trên phố: “Ối giời con bé này ngon quá, ngực thế mới là ngực chứ”. Cô bé thấy như mình lạc loài, không có giá trị trong mắt người khác.
Nỗi tự ti, mặc cảm của cô thiếu nữ lên đến đỉnh điểm và thực sự trở thành nỗi đau khổ vào một buổi tối, khi Loan cùng hai bạn gái đi dạo trên phố. Vài cậu choai choai rảo bước ngược chiều, liếc nhìn ba cô rồi bô bô bình phẩm: “Mấy em này hay quá nhỉ. Cái em tóc tém (chính là Loan) kia kìa, nhìn mặt rất cá tính”. Cậu khác xì một tiếng: “Con cá rô đực ý hả? Mày mù chắc? Con gái gì mà ngực mông chả có, mặt hay mấy cũng vứt”. Cậu nữa cười hô hố: “Toàn lá mày ạ, cả chục nghìn lá mà chả có tí xôi nào”.
“Cháu thấy nhục nhã quá cô ơi”, Loan kể với chuyên gia tâm lý về cảm xúc của mình hôm đó, “Cháu chỉ muốn tự tử, ai cũng nhìn thấy nỗi nhục của cháu cả”. Phải mất một thời gian trị liệu kha khá, cô bé mới bớt mặc cảm để nhận ra mình cũng là một thiếu nữ xinh xắn, đáng yêu, và rằng nhiều ngôi sao gợi cảm cũng có vòng một lép.
Đòi mẹ bán nhà để kéo dài chân
Chưa bao giờ chân với ngực tràn đầy trên mạng như hiện nay, và được nhiều người trẻ tuổi coi như hai tiêu chuẩn bắt buộc của những cô gái thời thượng. Với điều kiện kinh tế tốt hơn trước, với các bí quyết làm đẹp được chia sẻ rộng rãi, các cô gái chân dài ngực nở càng trở nên lộng lẫy. Gái đẹp xuất hiện ngày càng nhiều trên phố khiến những cô chân ngắn, ngực phẳng cảm thấy hình như mình đã trở thành thiểu số.
Nếu như phụ nữ trưởng thành biết chấp nhận nhược điểm của mình và tự hào vể các điểm mạnh khác thì các cô gái tuổi teen không phải ai cũng làm được như vậy. Với nhiều thiếu nữ, sự thua sút về hình thức là nỗi đau khổ lớn nhất trên đời, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội có được một người yêu lý tưởng hay có sự thuận lợi trong đường công danh, và cuộc sống sau này sẽ khó mà sung sướng. Trúc là một trong những cô gái đó.
Trúc 17 tuổi, da trắng, mặt xinh nhưng chỉ cao 1m49. Các bạn gái của Trúc (toàn cao 1m60 trở lên, thậm chí nhiều bạn trên 1m70) thường hỏi đùa cô bé là “ở dưới đấy nóng lắm phải không”, khiến cô bé tuy miệng cười đùa mà trong bụng rất buồn. Dù đứng ở đâu, Trúc cũng nổi bật với sự "nấm lùn" của mình, và thường xuyên nhận được những lời nhận xét vô tâm về điều đó. Tình cờ nghe những thông tin tuyển sinh, tuyển dụng, thấy người ta đề ra tiêu chuẩn chiều cao cách mình đến cả chục cm, Trúc càng thấm thía nỗi thiệt thòi của chân ngắn.
Nhưng bi kịch lớn nhất của Trúc là cô bé thầm yêu một bạn cùng trường. Cậu này chẳng phải hot boy gì nhưng oái oăm lại cao gần 1m80. Cậu nói thẳng luôn với Trúc là hình thức không hợp nhau, rồi bạn bè biết chuyện bàn tán, xì xào, cười cợt, khiến Trúc cảm thấy vô cùng bất hạnh. Rồi cô bé nung nấu một quyết tâm.
Bố mẹ Trúc ngã ngửa khi con gái xin tiền làm phẫu thuật kéo dài chân. “Con đọc báo rồi, viện phí mấy chục triệu thôi, nhưng còn thuốc thang chăm sóc nữa, cũng phải tốn hàng trăm triệu, nhưng bù lại thì bố mẹ sẽ làm thay đổi cả cuộc đời con”, Trúc thuyết phục. Phụ huynh bảo họ không có số tiền ấy thì cô bé nói: “Thì bố mẹ bán nhà đi, đổi sang nhà nhỏ hơn. Lớn lên đi làm con sẽ mua nhà to cho bố mẹ sau”.
Những câu như “hình thức không quan trọng”, “vẻ đẹp tri thức, tâm hồn mới vững bền”… không lọt được vào tai Trúc. Thậm chí viễn cảnh bỏ học cả năm trong khi kỳ thi đại học gần kề cũng không làm cô thiếu nữ bận tâm. Cô bé khóc lóc, bỏ ăn bỏ uống, van xin bố mẹ “cứu vớt cuộc đời” mình. Cực chẳng đã, họ đành đưa con gái đến một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nơi rất có uy tín về phẫu thuật kéo dài chân.
Vị bác sĩ hình như đã tiếp rất nhiều nữ bệnh nhân tương tự, nên không từ chối mà chỉ tủm tỉm cười nói cho Trúc biết những gì cô bé phải chịu nếu làm phẫu thuật, từ những nguy cơ biến chứng đến nỗi đau khủng khiếp kéo dài triền miên cho tới khi chân đạt độ dài như ý. Ông cũng kể chuyện nhiều nữ bệnh nhân vốn quyết tâm cao độ nhưng sau đó vì quá đau đớn đã đòi tháo khung, tháo đinh như thế nào, có những cô không tuân thủ hết lời dặn dò của bác sĩ nên bị biến chứng ra sao…
Càng nghe, cô bé càng xanh mặt, mồ hôi ra lạnh toát. Đến khi bác sĩ bảo: “Đấy, cháu cứ về cân nhắc” thì Trúc đứng dậy chào về ngay. “Từ đó không thấy nó nói gì về chuyện đi kéo chân nữa”, anh Phạm Trung, bố Trúc, nói.
Trung cho biết, sau vụ này anh đã phải tham vấn một người bạn là chuyên gia tâm lý giáo dục để định hướng cho cô con gái đang đứng trước lứa tuổi bước vào đời của mình. Anh hiểu, trong cái thời mà quan điểm “phải đẹp, phải chân dài mới có cuộc đời sung sướng” vô tình đang được nhồi sọ vào lớp trẻ bằng những thông tin vẫn bủa vây trẻ hằng ngày, việc giúp con tin vào những giá trị khác không phải là đơn giản, và cần nhiều tâm lực của người làm cha làm mẹ.
Xzone