Dũng cảm đối mặt với những áp lực cuộc sống, cầu viện đến cha mẹ như một phương cách cuối cùng… nhiều người trẻ đã vượt qua cái chết thành công. Nhưng cái giá phải trả là nước mắt, đau đớn về tinh thần, là những tổn thương khó quên.
Đơn thương độc mã
Nhà có 4 chị em gái, Hoàng Thị Mai (quê Bắc Ninh) nhiều lần chứng kiến bố uống rượu và đánh mẹ “vì không đẻ được con trai, vì kinh tế khó khăn và nhiều lí do khác nữa”. Những lúc như thế, cả 4 chị em Mai cũng bị bố đánh rất đau, mà chẳng vì lý do gì.
Mai thường xuyên sống trong sợ hãi. Em muốn tìm đến cái chết để bố phải dày vò ân hận. 15 tuổi em đã phải đơn thương độc giằng co với ý nghĩ chết - sống mà không có ai thấu hiểu, kề bên. Cuối cùng, Mai đã tự cứu mình bằng tình yêu thương dành cho mẹ.
“Tôi thấy rằng nếu mình chết thì chỉ có mẹ đau khổ. Tôi chọn cách sống thật tốt để sau này chăm sóc mẹ. Rồi tôi đi học xa, ít khi về gặp bố nên nỗi sợ hãi cũng không còn quá nhiều nữa. Chỉ thấy khổ và thương mẹ thôi” – Mai tâm sự.
May mắn hơn Mai, Thuỳ Dung (quê Phú Thọ) đã chọn giải pháp chia sẻ với bố mẹ những áp lực từng khiến Dung muốn chết khi 18 tuổi. Bị áp lực phải thi đỗ một trường ĐH hàng “top” từ bố, Dung luôn thấy mệt mỏi đến kiệt sức.
Có lần, em định đâm đầu vào ô tô nhưng sợ đau, sợ chết không toàn xác nên lại thôi. Dung đã ước giá có thuốc ngủ để mình quyết định dễ dàng hơn. Mọi chuyện chỉ vỡ oà khi một hôm, trong bữa ăn, bố tiếp tục nói về việc Dung phải thi đỗ đại học. Em ngắt lời bố, vừa khóc, vừa nói ra tất cả những gì mình phải chịu đựng, kể cả ý định tự tử.
Mẹ ôm chặt lấy Dung, khóc cùng con. Còn bố thì chỉ nói “Chết không phải là cách giải quyết vấn đề. Đó là một cách trốn chạy hèn nhát”. Nhưng sau đó, cả nhà thống nhất Dung sẽ tự giác học, bố mẹ dừng việc trách mắng để tránh gây áp lực cho con gái.
“Khi đối diện với vấn đề và tìm được tiếng nói chung để bố mẹ hiểu thì mình thấy mọi chuyện đơn giản hơn nhiều” – Dung chia sẻ.
Không nhiều học sinh đồng ý chia sẻ với bố mẹ những vướng mắc trong cuộc sống. Với nhiều em là do thiếu lòng tin, một số khác cảm thấy “không thể nói chuyện nổi”.
Nguyễn Thuỳ Giang (HS trường Nguyễn Bình Khiêm – Hà Nội) cho biết, nếu có rắc em sẽ tự giải quyết: “Trước đây em còn thỉnh thoảng tâm sự với bố mẹ, nhưng bây giờ thì không. Bởi bố mẹ em theo chủ trương “phải tự trách bản thân mình trước”, nên nếu cứ bức xúc muốn giải tỏa với bố mẹ thì bố mẹ đều bảo tại em.
Để vượt qua những áp lực, chuyện buồn.. thì em thường nằm ngủ, đọc truyện, xem phim, đôi khi ngồi tâm sự với anh trai hoặc lên mạng xã hội. Lên mạng chính là khi em chán”.
Cha mẹ giật mình
Ngỡ hiểu con lắm nên anh Nguyễn Văn Hùng (Kim Mã, Hà Nội) không nghĩ con mình lại có ý định tự tử. Vợ chồng anh kinh doanh buôn bán nên rất bận rộn, anh bù đắp bằng cách thuê gia sư, cho con đi học thêm …
Hàng tuần anh cho con tiền tiêu vặt, sắm cho con điện thoại “xịn”, mỗi năm học anh đều hứa hẹn nếu học giỏi sẽ đưa con đi Thái Lan hoặc Singapore du lịch, mua sắm. Thế nhưng, thành tích học tập của con vẫn lẹt đẹt khiến những lần nào hiếm hoi đi họp phụ huynh cho con anh cũng phải “rát mặt”.
Mới đây, anh phải đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm của con vì cháu nghịch điện thoại trong giờ, bị tịch thu. Trao đổi với cô giáo, anh “tá hoả” vì con học kém, thường xuyên ngồi sổ đầu bài.
Tức giận, anh Hùng mắng và có tát cháu một cái, doạ “nếu học không tử tế thì cho nghỉ, đi bán hàng”. Không ngờ vì vậy mà con gái anh nghĩ quẩn. Cháu nhắn tin cho gia sư của mình bảo rằng “muốn chết, và sẽ chết trước sáng mai”! Cô gia sư đang là SV năm cuối, may là biết cách trò chuyện và cũng khá gần gũi với cháu, đã kịp gọi điện lại an ủi, tâm sự làm cháu nguôi đi.
Giờ đây tuy biết chuyện, anh Hùng cũng chưa biết sẽ “giải quyết” như thế nào. Để ý thấy con lầm lì ít nói, khép mình, anh lo lắng nhưng không biết phải bắt chuyện, làm lành với con ra sao.
“Đành gửi gắm vào cô gia sư, người duy nhất cháu chịu tâm sự bây giờ” – anh Hùng day dứt nói.
Nhận định các vụ tự tử có thể đề phòng được với các biện pháp theo dõi quan sát tế nhị sát sao, kết hợp can thiệp kịp thời, bà Ngô Thị Thanh Mai, trợ lý đào tạo, khoa Công tác xã hội, Đại học Sư phạm Hà Nội nói: “Các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể nhận được những biểu hiện cho thấy trẻ có ý định “làm liều” như: Trẻ bỗng trầm buồn, không muốn giao tiếp, trốn tránh mọi người, thay đổi thói quen, sở thích hằng ngay hoặc không thích hoạt động… Đôi khi trẻ thể hiện ý định bằng lời nói ám chỉ sự chán nản, tuyệt vọng…”
Vietnamnet