Cô đơn ngay trong chính nhà mình
Đó là những teen có bố mẹ suốt ngày chỉ lo công việc, vô tình quên đi sự hiện diện của nhau, sự tồn tại của đứa con đang ở tuổi “ẩm ương” rất cần người để quan tâm chia sẻ.
Những cuộc làm ăn, những lần tiếp khách đã vô tình làm họ quên đi trách nhiệm, tình thương của bậc làm cha làm mẹ. Cứ cho rằng, mình làm thế là để con bằng bạn bằng bè, để con không phải thiếu bất cứ một thứ gì cả. Mọi việc đều giao phó cả cho người giúp việc.
T. Hằng (18t) tâm sự: “Nhìn bên ngoài ai cũng bảo "Cậu thật may mắn. Vừa xinh đẹp, học giỏi lại còn là con nhà giàu, thích gì được nấy, chẳng bao giờ phải lo nghĩ đến chuyện tiền nong”.
Nhưng mấy ai biết được đằng sau vẻ hào nhoáng đấy là một gia đình lạnh lẽo. Bố mẹ suốt ngày đi, thậm chí cả tuần cả gia đình chẳng có bữa cơm nào ngồi ăn cùng nhau. Mình đi học bố mẹ cũng chẳng đi họp phụ huynh, chẳng biết con mình học lớp nào? Với thầy cô giáo nào? Bạn bè nó có những ai?
Về nhà chỉ để đưa cho mình chút tiền, rồi hỏi thăm vài ba câu. Bố mẹ cũng đâu có nhớ sinh nhật của mình. Nhìn bạn bè được bố mẹ quan tâm hỏi han chuyện thi đại học sắp tới, mà mình thèm phát khóc".
Nhiều teen không tìm được tiếng nói chung với bố mẹ, không có người để tâm sự. Bố mẹ cãi nhau, bố đi đường bố, mẹ đường mẹ, không ai chịu nhường ai. Để rồi không chỉ hai người trong cuộc phải đau khổ mà ngay cả đứa con cũng phải chịu hậu quả.
Áp lực vô hình đè nặng
Bố mẹ có học vị, anh chị giỏi giang, niềm tự hào về gia đình quá lớn, kì vọng của bố mẹ, tất cả đã vô hình trung tạo ra một áp lực nặng nề trên vai teen. Nhiều bậc phụ huynh vì muốn “khoe” con mình mà ngay từ bé đã bắt teen phải học thêm võ, đàn, mĩ thuật… trong khi con không thích. Rồi sau đó lại ép con phải thi vào trường chuyên lớp chọn...
Tất cả đã khiến teen đến trường, teen sống đôi khi chỉ vì sĩ diện của cha mẹ. Rất nhiều bạn không may bị điểm kém vô cùng sợ hãi khi về nhà nếu bố mẹ biết được.
“Bố mẹ đều là lãnh đạo ở cơ quan nên suốt ngày tạo cho mình áp lực "không được để bố mẹ phải mất mặt với đồng nghiệp, nhân viên cấp dưới. Con phải thi vào Ngân hàng, mẹ đã chuẩn bị trước cho một suất rồi! Nhưng mình chỉ thích học báo chí.
Dù có nói thế nào thì bố mẹ cũng gạt đi. Nhiều khi mình nghĩ liệu có phải mình chỉ là vật trang trí của bố mẹ với mọi người”, đó là lời tâm sự của H. Anh (18t).
Sự quan tâm quá mức của cha mẹ
Cứ ngỡ được bố mẹ quan tâm yêu thương sẽ rất hạnh phúc! Nhưng nhiều khi chính sự quan tâm đó lại khiến cho teen cảm thấy ngột ngạt, bức bách và muốn kiếm tìm sự tự do ở môt nơi nào khác.
Mặc dù đã học cấp 3 và biết đi xe đạp từ năm học lớp 6 nhưng hàng ngày bố mẹ vẫn đưa và đón Quân đi học. Mặc cho cậu con trai rất ngại với bạn bè vì lớn tồng ngồng thế này rồi, cao hơn cả bố và mẹ một cái đầu vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, cứ để bố mẹ phải đưa đi đón về.
Cậu bạn đã xin phép tự đi học nhưng có lẽ vì xót con nên bố mẹ không đồng ý. Mỗi lần đi sinh nhật bạn bè, bố mẹ cũng đưa đi và lần nào cậu bạn cũng phải về trước mọi người. Nhiều khi bị bạn bè trêu Quân cũng xấu mặt.
Vẫn biết mỗi người ai cũng cần có một khoảng trời riêng của mình, nhưng bố mẹ làm như vậy tất cả cũng là yêu thương chúng ta. Vậy nên, dù thế nào thì teen cũng đừng chán nản và quay lưng lại với gia đình nhé.
Hãy nói hết những suy nghĩ, cảm xúc của mình cho bố mẹ biết, cố gắng tâm sự, gần gũi với bố mẹ hơn nữa, teen nhé!
xinhxinh