Trong xã hội hiện đại việc du nhập những nét văn hóa, lối sống từ bên ngoài sẽ góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho bản sắc văn hóa truyền thống, nhưng điều gì cũng cần phải có sự chọn lọc. Cũng vì suy nghĩ sính ngoại như vậy mà nhiều bạn trẻ không ngại “yêu là cho” như Tây.
Trong khi bản thân lại “mù mờ” về kiến thức sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy đáng tiếc. Liên tiếp những con số báo động được đưa ra chính là hồi chuông cảnh bảo cho việc lối sống Việt đang bị “Tây hóa”…
Học Tây sống thoáng
Xã hội ngày càng hiện đại, tư tưởng và lối sống cũng theo đó mà thay đổi. Quan niệm tình yêu, tình dục cũng tân tiến và thoáng hơn xưa. Đã qua rồi cái thời “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
Ngày xưa, nam nữ dù có yêu thương nhau đến mấy, cũng chẳng bao giờ dám chạm vào nhau, dù chỉ là một cái nắm tay. Ngày nay, giới trẻ Việt đã có nếp nghĩ phóng khoáng hơn rất nhiều. H., một học sinh trường THPT QT quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi thuộc thế hệ 9X, với tôi giữa tình yêu và tình dục có sự ràng buộc lẫn nhau, yêu là phải có sự hòa hợp từ tâm hồn cho đến thể xác...”.
Vẫn biết rằng tình yêu vốn là thứ tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng của lứa đôi nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự du nhập văn hóa phương Tây mà mỹ từ này đang dần mất đi ý nghĩa đích thực của nó.
Nhiều bạn trẻ ngày nay coi tình yêu như một trò chơi đầy ma lực. Sống trong thời đại nam nữ bình đẳng, không chỉ nam giới “yêu mười, chọn một” mà nhiều bạn nữ cũng rất “đáng mặt anh hào”. Tại khu vực phòng trọ gần trường ĐH SP quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều sinh viên tỏ ra rất bái phục V. một chàng trai không “hào hoa phong nhã” cho lắm nhưng là tay “sát gái” có hạng. V. không chỉ bắt cá hai tay mà 5, 7 tay là đằng khác. V. cũng rất có tài “căn” giờ chính xác. Cô này vừa đi cô khác đã tới. Cô nào đến cũng cửa đóng then cài, khi bạn bè thắc mắc thì V. thản nhiên chia sẻ: “Tây còn hơn thế, mình chưa thấm vào đâu, cuộc sống bây giờ là phải tận hưởng, có ai sống 2 lần trên đời đâu…”.
Thật đáng sợ hơn là nhiều nữ sinh viên có nhan sắc một tí, chịu chơi một tí là nay anh này, mai anh khác. Có cô sinh viên năm thứ hai mà bản danh sách “khách mời đặc biệt” đã lên tới hàng chục thế nhưng các cô đâu đã thèm “e thẹn”, lại cứ bô bô coi đó là giấy chứng nhận cho nhan sắc và tài năng.
Có lẽ câu chuyện sống thử là vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ hiện nay. Nhiều đôi bạn trẻ vừa yêu nhau được một vài tháng đã vội “a lê hấp”, vậy là xong.
Ngay cả những cô gái từ bản làng xuống thành phố học, chưa được bao lâu cũng bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống thành thị. H. một sơn nữ khá xinh, vừa bước vào năm thứ nhất ĐH VH (Hà Nội) đã bập vào yêu ngay. Nàng từ núi xuống, chàng từ quê lên, biết và yêu nhau trong vòng 2 tháng, họ thuê phòng góp gạo thổi cơm chung.
Thế là hàng ngày nào là đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, giận dỗi, ghen tuông... đủ cả, sống cuộc sống tự do nên cô nữ sinh trẻ không còn thời gian tập trung vào học tập. Vì thế, bước vào năm thứ 2, cô sơn nữ ngày nào trông như một bông hoa bị rút hết sinh khí. Chẳng biết thế nào mà 2 người cũng gắng gượng được 4 năm ĐH. Đến ngày cả lớp ra trường thì nàng thi trượt tốt nghiệp, còn chàng “chồng hờ” thì chia sẻ: Bố mẹ anh bảo học xong vào Sài Gòn để bác anh xin việc. “Chúng mình đành chia tay vậy”.
Nàng đau khổ, khóc lóc vật vã dọa uống thuốc ngủ tự tử, may được đưa đi cấp cứu kịp thời. Cái suy nghĩ thoáng ngày nào của H. khi cho rằng: “Sống thử với người yêu như bây giờ là biết đối mặt với khó khăn thử thách, tuổi trẻ cần tự lập giống như các nước phương Tây.
Cuộc sống tạm bợ còn chấp nhận được nhau thì sau này lấy nhau chẳng sợ những bất cập lo toan” giờ đây đã khiến cho H. phải trả giá, không hiểu khi đưa ra những lời suy nghĩ như vậy H. có nghĩ tới cái viễn cảnh “sau này” hay không?
Báo động quan niệm tiêu cực về lối sống “bắt chước” phương Tây
Tại một chương trình tư vấn về tình yêu tại TP HCM, nhiều bạn trẻ không ngại ngần cho biết, đồng tình với việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Khi được hỏi lý do, một bạn nam vừa tốt nghiệp ĐH ngành kinh tế bày tỏ: “Ở bên Tây, khi yêu nhau người ta làm “chuyện đó” là bình thường. Họ sống văn minh, hiện đại, họ làm được mình cũng làm được”. Khi được hỏi về một số kiến thức cơ bản như cách sử dụng bao cao su, quá trình thụ thai… thì anh chàng như gà mắc tóc, gãi đầu rồi ngồi xuống. Không khó để thấy hiện nay, nhiều bạn trẻ đã yêu là sẵn sàng dâng hiến bất chấp hậu quả.
Tại các khu công viên công cộng, hình ảnh nam nữ tình tứ ngày càng lộ liễu. Đến ngày nghỉ lễ, tại các thành phố lớn, nhà nghỉ giá cao bao nhiêu cũng “hết phòng” mà đối tượng khách hàng chủ yếu là những người còn rất trẻ.
Chuyện quan hệ tình dục không xa lạ với nhiều em thậm chí đang trong độ tuổi cấp 2, cấp 3. Còn nhiều anh chị sinh viên lớn hơn thì chọn cách sống như “vợ chồng” dù chưa biết ngày mai ra sao. Theo các chuyên gia, kiến thức giới tính, sinh sản còn quá mù mờ nhưng lại có tư tưởng “yêu liều” là nguyên nhân tỷ lệ phá thai ở vị thành niên của Việt Nam luôn nằm trong những nước cao nhất thế giới và không ngừng tăng.
Tại BV Phụ sản TƯ, hàng năm có trên 5.000 ca nạo phá thai, trong đó có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi. Còn tại BV Phụ sản Hà Nội, con số này thấp hơn chiếm khoảng 18%, nhưng tuổi đời của thai phụ lại trẻ hơn nhiều, trung bình là 20 tuổi. Từ hậu quả đó có thể thấy “tốc độ” yêu của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay đang gây “chóng mặt”. Nhiều bạn quan hệ tình dục sớm rồi bao biện “ở nước ngoài cũng vậy” và mình ảnh hưởng bởi văn hóa đó…
Nhưng có thật giới trẻ nước ngoài yêu “liều” như chúng ta vẫn tưởng? Theo điều tra xã hội học tại Mỹ thì ở đất nước được cho là rất tự do này chỉ có một số rất ít những nam thanh niên độ tuổi 13 - 14 đã được phụ huynh trang bị bao cao su trong người để chủ động bảo vệ mình.
Trên thực tế, phải trên 16 tuổi, nam giới mới bắt đầu “bước vào thế giới” người lớn. Đối với các bạn nữ sinh vấn đề này ít được đề cập hơn, họ vẫn được gia đình giáo dục phải giữ mình cho đến 18 tuổi. Điều đó chứng tỏ rằng, việc quan hệ trước hôn nhân trong giới trẻ Mỹ không phải là một việc làm phổ biến, điều này có lẽ chỉ xuất hiện trên phim ảnh.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Trưởng bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, TP HCM chia sẻ, trong khi bạn trẻ chúng ta ào ào “sính ngoại” thì ở nhiều nước tiên tiến lại đang có xu hướng quay về với kiểu yêu “cổ điển”. Họ dành cho nhau những giây phút lãng mạn, những buổi dạo chơi ở đồng quê, tâm sự dưới đêm trăng và “nói không với quan hệ tình dục”.
Theo bác sĩ Ngọc, hiện nay chúng ta chưa có một chương trình giáo dục giới tính toàn diện, bao gồm sự nhất quán của xã hội, gia đình, nhà trường, tôn giáo… Người lớn lại thường né tránh các câu hỏi, thắc mắc của trẻ cho rằng lớn lên rồi biết nên các em phải “tự bơi” tìm hiểu qua bạn bè, qua mạng. Điều này dẫn đến việc “tưởng mình biết nhiều nhưng rất nguy hiểm”, hươu chạy nhưng không đúng đường.
Trước thực tế, chuyên gia này nhấn mạnh, điều cần làm ngay là giáo dục về sức khỏe giới tính một cách có hệ thống cho trẻ càng sớm càng tốt. Việc giáo dục giới tính không chỉ đưa ra kiến thức về chuyện “quan hệ” mà gồm nhiều khía cạnh liên quan đến văn hóa, đạo đức, thể chất, xã hội, cảm xúc, tâm lý, tâm linh… Thế hệ trẻ, tiếp xúc quá nhiều với phim ảnh, văn hóa phương Tây du nhập và cuộc sống đầy đủ về vật chất đã phần nào ảnh hưởng đến lối sống, quan niệm và cách suy nghĩ về tình yêu, về sex. Đó là một sự tiến bộ đáng mừng, giới trẻ độc lập hơn, tự tin và hiểu biết nhiều hơn, nhanh nhạy hơn. Nhưng đổi lại là sự hời hợt, thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức trong việc điều khiển hành vi của bản thân mình.
Yêu vội, sống thoáng, chia tay chóng vánh và những hệ lụy không thể giải quyết một cách triệt để. Đồng ý rằng, ham muốn xác thịt là bản năng bình thường của mỗi con người, là nhu cầu thiết yếu của bản thân, là xuất phát từ sự tin yêu muốn hòa thành một. Nhưng không phải vì thế mà các bạn trẻ phải làm theo tất cả những gì trái tim mách bảo giống như… Tây.
Pháp luật & xã hội