Bán kẹo kéo, nuôi đam mê ca hát
Được sinh ra nơi xứ sở ngàn hoa Đà Lạt - Lâm Đồng sương phủ trắng với thiên nhiên trong lành thơ mộng, Bùi Vĩnh Phúc hằng ngày cắp sách đến trường với bao ước mơ về một tương lai tươi sáng. Nhưng cuộc sống gia đình khó khăn, bố mẹ Phúc tuổi già, sức yếu, bệnh tật triền miên, không còn đủ sức lao động để nuôi các anh em ăn học đến nơi, đến chốn. Năm 16 tuổi, Phúc đi học nghề và trở thành thợ cắt tóc. Hai năm sau đó, anh một mình vào Sài Gòn lập nghiệp, mở 1 tiệm cắt tóc tại Quận 4.
Trong một lần tình cờ, được một người bạn cùng dãy trọ làm nghề bán kẹo kéo rủ đi bán chung, Phúc trổ tài ca hát với các ca khúc quen thuộc. "Từ bé mình đã rất thích ca hát. Hôm đó, được người bạn dẫn đi bán kẹo chung, mình hát vài ca khúc trước nhiều thực khách trong quán nhậu, không ngờ được mọi người vỗ tay, khen ngợi và mua ủng hộ mua kẹo rất nhiều. Từ đó, mình bắt đầu nhận ra niềm đam mê của bản thân là ca hát" – Phúc kể.
Khi sắm thiết bị để đi hát, Phúc không có nhiều tiền để mua cho mình một giàn âm thanh chuyên nghiệp như đồng nghiệp khác. Anh tích góp tiền từ việc cắt tóc, mua 1 cái âm li, 1 loa loại karaoke gia đình, mic không dây, từ các tiệm đồ điện tử cũ, sau đó dùng dây ràng vào chiếc xe máy cà tàng để lên đường ca hát. Điểm bán của Phúc chủ yếu tại các quán ăn bình dân tại Quận Gò Vấp. "Khi mưa xuống thì ướt hết các thiết bị vì không có mái che để bảo vệ nên ngày nào mình cũng dự phòng sẵn mấy cái áo mưa loại 5.000 đồng, khi mưa, còn có cái mà che những đứa con tinh thần của mình".
Năm 20 tuổi, Phúc đóng cửa tiệm cắt tóc. Thời gian đầu, ban ngày Phúc cắt tóc, tối thì đi hát, bán kẹo, nhưng sức khỏe không cho phép anh làm một lúc hai nghề. "Nhưng vì niềm đam mê ca hát quá lớn, được hát cho mọi người nghe vừa kiếm được tiền từ giọng hát mà lại được sống với niềm đam mê, thì sao mà từ bỏ được. Bán suốt rồi đâm ra nó đã trở thành thói quen, cái nghề mình yêu thích nhất trong cuộc đời" – anh nghẹn ngào nói.
Phúc đang hát tại một quán ăn trên đường Dương Quảng Hàm, Quận
Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Phantraiuc
Lúc mới đi bán, do không biết làm kẹo kéo, nên Phúc ra tiệm tạp hóa mua đủ thể loại bánh kẹo, "Hát xong xuống mời anh chị ủng hộ mà họ cười ngất, bảo em là tính bán tạp hóa di động hay sao". Phúc cho biết, anh vô cùng may mắn khi nhận được sự ủng hộ, yêu thương từ phía mọi người khi nghe mình hát. "Có những hôm gặp khách hào phóng, em được cho tiền gấp đôi 1 đêm, chỉ để ở lại hát cho họ nghe. Sau đó, mình cũng đủ tiền để sắm 1 loa hát dạo kiểu cao cấp, tiện lợi hơn, không phải cột tùm lum trên xe nữa, tiết kiệm được rất nhiều thời gian" - Phúc nói.
Thuộc hơn 300 bài hát và đối mặt với nhiều hiểm nguy
Được mọi người biết đến phong cách hát theo yêu cầu. Ai thích bài gì thì yêu cầu Phúc hát bài đó, đến giờ tủ bài thuộc lòng của Phúc đã hơn 300 bài. Từ ca khúc quen thuộc như "Vẫn nhớ", "Tình yêu lung linh", "Trái tim bên lề"… cho đến các bài hát mới của giới trẻ như: "Em của ngày hôm qua", "Nắng ấm xa dần", "Trót yêu"...
Clip Bùi Vĩnh Phúc bán kẹo kéo, hát dạo mưu sinh ở Sài Gòn
Bắt đầu công việc từ 7h tối đến 12h đêm. Có những khi, Phúc phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trong nghề như bị đồng nghiệp bắt nạt, đuổi đánh vì bán nhiều hơn họ, có đêm anh bị giang hồ chặn đường, cướp sạch hết tiền, nhưng vẫn quyết không bỏ nghề.
"Khi đi hát nhiều lần vô cớ bị người khác gây sự, đánh đập, nhiều lúc cảm thấy bản thân suy sụp, nhưng mình vẫn cố vượt qua, không vì những điều đó cản bước niềm đam mê. Đổi lại được những ông bà chủ quán thương nhiều hơn. Đối mặt với với nhiều khó khăn, mình càng thêm mạnh mẽ hơn" – Phúc chia sẻ.
Nhiều thực khách tại các quán ăn ủng hộ sản phẩm kẹo của Phúc. Ảnh: Phantraiuc
Vui vì được hát với tất cả niềm đam mê mãnh liệt. Điều Phúc cảm thấy thật sự hạnh phúc là được khán giả yêu quý anh vì giọng hát chứ không phải vì vẻ ngoài. Phúc trân trọng điều đó nên quyết tâm phấn đấu từng ngày hoàn thiện bản thân và giọng hát. Tập luyện, ra mắt những sản phẩm âm nhạc tốt nhất để không phụ lòng những người luôn tin tưởng, yêu quý anh.
Khi kiếm được tiền Phúc bắt đầu sống có trách nhiệm, phụ giúp gia đình để nuôi em nhỏ ăn học, số tiền còn lại Phúc dành dụm để tự trang trải cuộc sống. Trung bình 1 tháng, thu nhập của Phúc được 7 triệu đồng, nếu tháng mưa, ít khách thì khoảng 5 triệu. Hiện tại, Phúc có 2 người em nhỏ đang còn đi học. Hàng tháng, anh phụ gia đình từ 2 đến 3 triệu đồng.
Ước mơ và dự định tương lai của Phúc là sẽ mở một quán ăn nho nhỏ. Phúc cho biết, nếu mở quán ăn thì anh sẽ là ca sĩ hát chính cho quán của mình.
Nam Dương (Theo Giadinhvietnam.com)