“Thằng Bình về quê”. Thông tin ấy lan nhanh trong xóm nhỏ của xã tôi ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bình là con của chú Hai làm nghề bốc vác ở nhà máy xay xát gạo. Không phải bỗng dưng Bình nổi tiếng mà là vì nó là đứa đầu tiên của xóm đậu Trường Đại học Y Dược TPHCM.
Bác sĩ tương lai đi bốc vác
Sáu năm trước, khi Bình đậu đại học không chỉ gia đình chú Hai vui mà cả xóm mừng lây. Bình được đem ra làm gương cho thanh niên trong xóm, ai cũng hyvọng con mình làm rạng danh gia đình như Bình. Nhà chú Hai rất nghèo nhưng quyết chí cho con học hành. Chú cầm cố tài sản duy nhất là 2.000 m2 đất ruộng lấy tiền cho Bình lên TPHCM nhập học. Sau đó, hai anh của Bình cũng phải hoãn chuyện vợ con để đi làm nghề bốc vác lo cho Bình đi học. Cả nhà đều hy vọng khi Bình ra trường, sẽ có tiền chuộc lại mảnh ruộng của gia đình.
Nghe Bình về, tôi cũng sang chơi, định hỏi thăm chuyện học hành của em. Nhưng trái hẳn với những gì tôi tưởng tượng, Bình cúi gằm mặt, còn chú Hai buồn rười rượi, hai anh lớn cũng bỏ đi uống rượu. Thấy mọi người ngơ ngác, chú nói: “Nó bị trường đuổi học 2 năm rồi còn đâu”.
Thì ra trong thời gian đi học, Bình yêu cô sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP ở cùng chỗ trọ. Sau đó với lý do tiết kiệm chi phí, hai người thuê nhà sống chung. Nhưng tiết kiệm đâu chưa thấy, cô gái mang bầu. Cái thai quá lớn không thể bỏ được, phải chấp nhận để đứa bé chào đời. Ban đầu, Bình vừa đi học vừa đi dạy kèm, phục vụ quán ăn nhưng cũng không đủ tiền nuôi con và lo cho “vợ”… Không xoay nổi, Bình phải ra chợ đầu mối bốc vác kiếm thêm tiền. Đến năm thứ tư thì Bình bị đuổi học vì nợ môn quá nhiều.
Nghiêm túc thì đã muộn
Trong đám bạn của em tôi, Quốc cao ráo, sáng sủa nhất lại dẻo mồm, dẻo miệng. Gia đình Quốc ở Đắk Lắk rất khá giả nên cậu tiêu xài thoải mái. Quốc đã chấm ai thì khó cô nào “thoát”. Ban đầu là làm quen; sau đó đưa đón, tặng quà và cuối cùng là dọn về sống chung. Nhưng chỉ được một thời gian, Quốc lại chán và dọn sang chỗ khác ở để “trốn tình”. Nhiều lần đến chơi, tôi cũng có ý nhắc nhở nhưng Quốc phì cười: “Mấy cô ấy được tiền, còn em được tình. Cả hai đều có lợi mà. Khi nào gặp được cô gái vừa ý em sẽ nghiêm túc”.
Nhưng đến lúc Quốc nghiêm túc thì đã muộn. Mới đây, Quốc để ý thương Linh, hướng dẫn viên du lịch, xinh đẹp, con nhà nề nếp. Bữa trước, gia đình Linh mời Quốc đến nhà ăn cơm để “coi giò coi cẳng”. Lúc ấy, bà cô ruột của Linh tình cờ cũng về chơi để xem mặt cháu rể tương lai. Nào ngờ, vừa bước vào nhà, Quốc đã chết đứng khi nhận ra bà cô của Linh cũng chính là bà chủ nhà trọ cũ của mình. Chẳng cần khách sáo, bà chỉ vô mặt Quốc đuổi thẳng.
Muốn yên cũng không được
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hữu Long kể ông vừa tư vấn cho một kỹ sư tin học để “giải quyết hậu quả” sống thử. Lâm, khách hàng của ông, từng có một mối tình sinh viên sâu đậm và hai người đã sống chung với nhau mà không chờ cưới hỏi. Những phút vui vẻ qua nhanh khi đối diện với cuộc sống thiếu thốn, nhàm chán. Đến lúc ra trường, Lâm nhận thấy mình không thể nào sống như thế mãi nên chủ động nói lời chia tay. Nhưng cô gái lại tuyên bố: “Đâu có dễ vậy, anh phải chịu trách nhiệm cả cuộc đời tôi như anh từng hứa”.
Ban đầu, cô đến gặp bạn bè rồi đến chỗ Lâm làm để lu loa nói xấu. Không chịu nổi, Lâm phải xin nghỉ việc. Chưa hết, cô ta gọi điện thoại về quê gặp cha mẹ Lâm bắt họ phải cưới cô cho con trai họ. “Bây giờ họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp ai cũng biết tôi là người không ra gì”- Lâm than thở. Lúc này, chuyên gia bảo Lâm phải đưa cả người yêu đến để tư vấn cho cả hai người.
Theo một cuộc khảo sát với hơn 8.000 sinh viên tại các trường đại học ở Cần Thơ, TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên của một nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ mới đây, có 73% nam và 61% nữ đồng ý “sống thử”. Thế nhưng, chỉ có chưa đến 10% những cặp “sống thử” sau này trở thành vợ chồng
Người Lao Động