Cái chuyện người ta cô đơn và có nhu cầu tìm đến nhau để làm quen, làm thân chẳng có gì mới. Kể cả nếu phải cần đến một "đơn vị" thứ 3 dẫn lối đưa đường cũng thế. Ví dụ như mấy bà mối lái, hay cái mục "kết bạn bốn phương" vẫn có trên các tờ báo từ xưa nay, nhỏ bé khiêm tốn nhưng lắm khi còn "làm nên chuyện". Nói thế để kết luận lại thêm về nhu cầu giải quyết vấn đề tình cảm: chả có gì mới.
Nhưng "thuê" lại là chuyện khác mất rồi. Thuê nghĩa là không phải thuần túy ta nói cho mọi người biết ta "available" và để cái "duyên số" tự quyền nắm giữ kết quả. Thuê nghĩa là thuần túy đem đồng tiền để trả cho một món dịch vụ có tính sòng phẳng dựa trên mức sử dụng và mức khấu hao. Trời vào đông lạnh lẽo thế này, tôi có một anh bạn trai, ông có một cô bạn gái, họ đi chơi cùng chúng ta hay đến các bữa tiệc với cương vị người yêu, có thể nói cười ôm ấp hoặc thậm chí "tới bến luôn", và ví ông hay tôi sẽ mỏng đi kha khá sau cuộc vui tàn. Đương nhiên là chuyện này rất kì quặc rồi.
Tại sao mô hình này lại nghiễm nhiên trở nên thân quen?
Trước hết chắc chắn vẫn phải xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của bản thân. Tức là có một số lượng nhất định những người cần đến một vai giả để giải quyết NHANH các tình huống như là bị gia đình thúc ép chuyện ra mắt, giữ thể diện trước bạn bè về độ quá lứa lỡ thì... (Thế hình như dạng éo le này ngày càng xuất hiện ở nhiều cá nhân hơn?)
Tiếp theo, nghe khó tin nhưng tràng vỗ tay sau đó chính là tác động "kì diệu" của...phim ảnh. Đặc biệt phim Hàn Quốc kể từ ngày ông đạo diễn đầu tiên nào đấy nghĩ ra cái kịch bản hợp đồng tình yêu. Nghĩa là, có một đôi nam nữ chính, đầu phim họ tự kí kết bản giao kèo về mặt tình cảm vì một lý do phi tình cảm, kết phim thì yêu thật, yêu say đắm. Rồi hàng đống bộ phim nữa ăn theo "mô-tip" hút khách này nhan nhản trên truyền hình. Và những chuyện lung linh vẫn thường được đi vào lòng người một cách dễ dàng bằng chính niềm ao ước đầy ảo tưởng như vậy.
Đã có nỗi niềm đắn đo riêng, đã có ý tưởng của phim ảnh, lại được thêm một cộng đồng rộng lớn tên là MẠNG luôn vui vẻ sẵn sàng vun vào mỗi khi bạn buồn phiền viết một câu chia sẻ "Ôi, Noel sắp đến rồi mà chưa có chăn 37 độ!", hay "Ôi, biết kiếm đâu ra gấu cho qua hết mùa đông?". Tùy vào độ "hot" của người viết status mà hàng loạt comment dạng nửa đùa nửa thật khuyên bạn phải "thuê người yêu" đi thôi, thậm chí có người nhiệt tình đến mức dẫn link trực tiếp các trang web dịch vụ với bảng giá cụ thể, rạch ròi.
Từ khóa dịch vụ thuê người yêu luôn đứng "top" còn các trang fanpage/website dịch vụ này luôn có hàng chục ngàn lượt like
Thôi thì cứ cho rằng giữa thời buổi cởi mở "sao phải xoắn" này, người ta trong khổ ló cái khôn là chuyện thường tình. Nhưng dù có thông cảm thế nào, tôi chắc phải là kẻ cổ hủ và lạc hậu lắm. Tôi không dám tin và không thể chấp nhận nổi một cuộc sống dịch vụ len lỏi sâu vào đời tư đến vậy. Cứ nghĩ đúng như Hàn Mặc Tử vẫn nói kiểu cách và văn chương là "Ai mua trăng tôi bán trăng cho - Không bán đoàn viên, ước hẹn hò...", nên đoán, đem cái thứ vừa đẹp đẽ vừa trừu tượng như yêu đương ra để trả mua bằng tiền, bao giờ chẳng đưa lại những trò biến tướng dị hợm. Và quả nhiên thế thật. Đã dịch vụ là "từ A đến Z", thay vì trong sáng, nó như cánh cửa mở ra cho ti tỉ cạm bẫy lừa đảo, trộm cắp hay mại dâm trá hình.
Nhưng điều tôi nghĩ đáng lo ngại hơn chính là sự mặc nhiên cho rằng mọi chuyện hết sức bình thường của đại đa số, nhất là người trẻ. Quay trở lại lý do khiến "thuê người yêu" thành một cụm từ phổ thông xuất phát từ sức mạnh của cộng đồng mạng. Vào thời điểm các dịch vụ thuê mướn yêu đương còn chưa có hình hài thật, bởi làn sóng nhu cầu chưa đủ mạnh, thì cộng đồng bí ẩn và giàu sức công phá này đã vô tình từng bước "vẽ đường cho hươu chạy" rất bài bản, chỉn chu. Từ sự vui miệng của một "Ai thuê người yêu không?", sau đó rất nhiều người"Có có!" "Thuê luôn" "Giá bao nhiêu em ei?", tiếp theo là thói quen ỉ ôi về nỗi quạnh quẽ mỗi khi tiết trời thay đổi mà không quên kèm theo một lời ao ước đòi thuê mướn bạn trai/gái của rất nhiều người khác nữa. Tất cả khiến chúng ta dần dà tiếp xúc với sự kết hợp của "thuê" và "người yêu" một cách tự nhiên, dường như ai cũng quên đi sự phi lý hiện hữu. Cho đến một ngày, cuộc sống mỗi người vốn dĩ đã cô đơn, lại còn cô đơn đến mức tin hoặc mặc định cho cụm từ vô duyên như "thuê người yêu" tồn tại trên đời. Những cô cậu thanh niên trẻ con nửa vời, nào đã vắt vai một mối tình, nào đã bao giờ trái tim biết trải qua rung động vì cảm giác yêu ai, thế mà vẫn hồn nhiên mở miệng ra là muốn "thuê gấu".
Sau cùng, chúng ta có gì sau vài giờ bên người yêu mạo danh đó? Cũng ôm vai bá cổ đấy, trước mặt mẹ cha vẫn xưng con xưng cháu ngọt ngào, nếu cô/anh người yêu thuê kia khéo léo tròn vai thì cũng khiến ta mở mày mở mặt với xung quanh thật, thậm chí bạo dạn ra còn bù đắp cả xác thịt nữa khi cần. Nhưng rốt cuộc chỉ là ảo hết. Kể cả sự sung sướng của chính bản thân người đi thuê, tại khoảnh khắc ấy, bản chất là sự "thở phào" trước vấn đề cần đối phó tạm thời đã được giải quyết, mà không phải nỗi mãn nguyện hay hạnh phúc lâu dài . Hợp đồng chấm dứt rồi, cái ví xẹp lép, mọi người trở về cùng thực tại trống rỗng quạnh hiu, thậm chí là chai sần đi những giác quan cảm xúc với con người một cách đơn thuần. Lúc đó, có khi người bạn đời bấy lâu chờ đợi đi qua trước mắt, chắc gì đã còn đủ rung cảm để nhận ra mà tiến tới nắm giữ lấy?
Theo Depplus.vn/MASK