Chị Phạm Hồng Nhung – nữ thạc sĩ từ bỏ công việc nghìn đô để kinh doanh riêng
Người phụ nữ không thích an nhàn
Mẹ của Hồng Nhung làm nghề kinh doanh. Cả một đời theo nghiệp buôn bán, hiểu rõ những vất vả của nghề, bà không muốn cho con gái nối nghiệp. Từ tấm bé, chị đã được bố mẹ đầu tư và hướng theo con đường học hành, với mong muốn con sẽ có bằng cấp tốt, để tương lai có được công việc ổn định, an nhàn.
Tốt nghiệp xong cấp 3, chị Nhung sang Pháp du học. Cuộc sống du học sinh của chị có nhiều vất vả như bất đồng ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, nỗi nhớ nhà,… nhưng nhìn chung vẫn thuận lợi so với người khác, bởi gia đình chị có người thân định cư tại đây.
Thực ra, với điều kiện kinh tế của gia đình và sự giúp đỡ của người bác ở Pháp, chị có thể chuyên chú học tập mà không phải lo lắng nhiều về chi phí sinh hoat. Nhưng với sự năng động của tuổi trẻ và bản tính không thích an nhàn, chị Nhung tìm công việc làm thêm ngoài giờ học.
Hình chụp chị Nhung năm 2004, tại Pháp.
Mới đầu, chị xin vào làm bồi bàn. Làm được một vài hôm, chị buộc phải nghỉ vì nơi làm việc cách xa nhà, lại tan ca quá muộn. Buổi tối làm việc xong, chị cuống cuồng để bắt chuyến tàu điện ngầm cuối cùng lúc 11 rưỡi đêm để về nhà, bởi nếu có lỡ tàu thì phải đi taxi với giá khá đắt đỏ.
Lúc này, gene kinh doanh chị Nhung thừa hưởng của mẹ “nổi lên”. Chị kết hợp với một người bạn làm tiếp viên hàng không, kinh doanh dịch vụ vận chuyển giữa Pháp và Việt Nam. Mỗi tháng, chị để ra được 400 EUR, tự lo liệu cho cuộc sống mà không phải xin tiền từ gia đình nữa.
Sau khi lấy được tấm bằng Thạc sĩ ở Pháp, chị quay lại Việt Nam. Có thành tích học tập tốt, ngoại hình cao ráo, sáng sủa, chị nhanh chóng kiếm được công việc nhân viên thu mua ở một đại siêu thị có tiếng. Thu nhập lúc đó của chị có tháng lên tới 1000 USD.
Ấy thế mà chị quyết định bỏ công việc với mức lương trong mơ của nhiều người để mở cửa hiệu riêng. Có nhiều lý do khách quan khiến chị muốn rời bỏ công việc, nhưng chủ yếu vẫn là do thâm tâm chị cảm thấy mình không phù hợp với nghề nghiệp hiện tại, mà chỉ đam mê kinh doanh.
Cả mẹ chồng và mẹ đẻ của chị đều tìm cách khuyên con dâu, con gái. Bởi thời điểm đó, chị đang mang bầu con trai lớn. Hai bà mẹ lo lắng chị vất vả, khuyên rằng sắp có con mọn thì nên làm công việc nhẹ nhàng, ăn lương đều đặn, không quá vất vả. Thêm nữa, mọi người cũng sợ lỡ kinh doanh có vấn đề, sẽ khó quay lại công việc cũ.
Nghe mọi người phân tích, chị Nhung suy nghĩ, trăn trở mấy ngày. Nhưng cuối cùng, chị vẫn quyết tâm mở cửa hiệu. Hiểu rõ tính tình quyết đoán, đã muốn là sẽ làm bằng được của chị, mọi người trong gia đình cũng không ngăn cản nữa. Và thế là cửa hiệu nho nhỏ của chị ra đời, bán các loại mỹ phẩm và giày dép. Lúc ấy, chị đang mang bầu ở tháng thứ 5.
Trái ngọt dành cho sự dũng cảm và ý chí kiên cường
Chị Nhung bắt đầu kinh doanh với số vốn vẻn vẹn 50 triệu đồng. Chị thuê một mặt bằng nhỏ, diện tích chỉ 15m2 trong ngõ, mất khoảng 3 triệu đồng, đóng kệ tủ hết 6 triệu, lấy hàng hết 40 triệu, còn lại là chi phí cho những khoản nhỏ ngoài lề.
Ngày ấy vốn còn ít, một tay chị phải lo toan hết tất cả. Chị không thuê nhân viên, mà đích thân trông hàng, bán hàng, làm hết mọi việc từ quét tước, lau dọn cửa hiệu, sắp xếp cửa hàng, bán hàng, quản lý thu chi,… Cửa hàng mở ra khi thai kỳ của chị bước vào giai đoạn giữa và cuối, bụng khá lớn, cũng có nhiều nỗi mệt nhọc. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của chồng và gia đình, cộng thêm sự hưng phấn, niềm quyết tâm khi được làm điều mình thích, chị quên hết mọi khổ cực.
Cửa hiệu mở ra những ngày gần Tết, lại thêm có duyên buôn bán, chị Nhung nhanh chóng lấy lại vốn và bắt đầu có lãi sau 6 tháng kinh doanh. Lẽ dĩ nhiên, làm ăn kinh doanh, không phải lúc nào cũng có thể thuận lợi.
Trải qua nhiều vất vả, chị Nhung có trong tay một “cơ đồ” của riêng mình. Chị còn chung vốn
với bạn mở một công ty chuyên phân phối mỹ phẩm và hàng tiêu dùng thông minh nhập khẩu.
Chị Nhung nhớ nhất một lần chuyển tiền trước cho một mối hàng, sau đó mãi mà hàng không thấy về. Chị rất lo lắng, gọi điện không ai bắt máy, xuống tận nơi tìm cũng không thấy ai. Đợt đó, chị vô cùng hoang mang, vừa xót tiền, vừa lo lắng cho việc quay vòng vốn cũng như chuyện nhập xuất hàng của cửa hiệu. Trằn trọc mấy đêm, chị mới có thể giải tỏa tâm lý. Chị xác định mất tiền, coi như đó là một vận hạn và giải phóng đầu óc để còn làm nhiều việc khác. “Suy cho cùng, chỉ cần người vẫn còn, sức khỏe, tâm lý vững vàng, thì không có việc gì không làm được” – chị Nhung tâm sự.
Sau 4 năm đi vào hoạt động, cửa hiệu của chị dần có uy tín, chị cũng mở rộng kinh doanh thêm nhiều chủng loại mặt hàng. Doanh thu của cửa hàng khá tốt và ổn định. Chị Nhung mạnh dạn chung vốn cùng bạn, mở một công ty chuyên phân phối các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, chủ yếu là mỹ phẩm và sản phẩm tiêu dùng thông minh.
Mở công ty, chị bận rộn hơn, lúc nào cũng có cả núi việc chờ chị giải quyết. Cũng may, công việc tiến triển thuận lợi nên chị cũng thừa thắng xông lên, càng có thêm nhiệt huyết để làm việc.
Dù bận rộn với công việc, hàng tuần, chị vẫn dành thời gian cùng gia đình nhỏ ra
ngoài ăn uống, vui chơi.
Không có bằng cấp – có thể thành công, nhưng nhất định không bao giờ được ngừng học hỏi
Khi được hỏi về bí quyết kinh doanh, chị Nhung trả lời: “Thực ra, không có bí quyết nào đặc biệt cả”. Theo chị, quan trọng nhất là xác định mục tiêu, sau đó nghiêm túc thực hiện, quyết tâm theo đuổi, thành công nhất định sẽ tới. Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, có hai điều chị luôn tâm niệm: một là phải giữ chữ tín; hai là chân thành, xởi lởi, dù là với khách hàng hay đối tác làm ăn. Tất nhiên, năng khiếu và sự may mắn cũng là yếu tố không thể thiếu trong công việc đầy may rủi này.
Chị Nhung giản dị, hạnh phúc khi vui đùa cùng con trai trong ngôi nhà ấm cúng của mình.
Tấm bằng Thạc sĩ chị mất nhiều công sức, thời gian học tập không còn được sử dụng nhiều trong cuộc sống và công việc hiện tại. Nhưng chị không hối hận với những gì chị đã quyết định. Bởi những kiến thức chuyên sâu được đào tạo ngày xưa đã giúp chị có được định hướng đúng đắn trong công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, chị Nhung cho rằng, kinh nghiệm và bài học tích lũy từ cuộc sống thực tế mới là yếu tố quyết định cho những “trái ngọt” hiện giờ của chị.
Chị chia sẻ “Mối quan hệ giữa bằng cấp và thành công chỉ mang tính chất tương đối. Không nhất thiết người có bằng cấp thì mới thành công được. Tôi nghiệm thấy rằng thành công chỉ đến với ai có nhiệt huyết, đam mê và biết học hỏi”.
Bận rộn kinh doanh, nhưng chị Nhung vẫn làm tròn bổn phận làm vợ, làm mẹ. Chị học cách làm việc logic, sắp xếp mọi việc gọn ghẽ để có thời gian cho gia đình. Hàng tuần, gia đình nhỏ của chị cùng nhau ra ngoài ăn uống, vui chơi. Mong muốn lớn nhất hiện giờ của chị là con gái út bé bỏng có thể lớn thật nhanh và bớt nghịch ngợm để đi chơi được với bố mẹ và anh trai nhiều hơn.
Chị Nhung và con trai trong một chuyến du lịch.
Chị vui vẻ bật mí: “Kinh doanh riêng tuy vất vả nhưng mọi thành quả mình đều được hưởng trọn. Bên cạnh đó, tôi có thể chủ động về tài chính và thời gian. Nhờ vậy, tôi cũng linh động hơn trong việc dành thời gian chăm sóc cho gia đình. Đó chính là một điều tuyệt vời mà công việc này ban tặng cho tôi!”.
aFamily.vn/Màn Ảnh Sân Khấu