Những ngày gần đây, một bài nói chuyện của tiến sĩ ngữ học Đoàn Hương tại trường THPT chuyên Chu Văn An đã làm nóng cộng đồng mạng Việt Nam với nhiều quan điểm “động chạm” đến một vấn đề rất “nhạy cảm” của giới trẻ: đó là chuyện tình yêu.
Dưới đây là một số lời của tiến sĩ Hương được dẫn lại từ bài nói chuyện:
“Các em học sinh ngồi đây, nhiều em đã bắt đầu yêu, nhưng vấn đề ở chỗ yêu là gì? hay đơn giản, làm thế nào để tỏ tình yêu? Ai dậy các em nếu các em không chịu đọc?”.
“Ngày nay, thế hệ trẻ tỏ tình yêu cực kém! Chúng tôi từng bố trí (tất nhiên có sự đồng ý của cơ quan công an) để đi vào quán cà phê, quan sát, lắng nghe xem bọn trẻ hôm nay khi yêu nói gì, nhưng thực sự là rất chán” .
“Tôi từng nói với các thầy cô rằng, các em có quyền yêu. Nhưng vì sao các em chưa nên yêu? Vì các em chưa biết yêu là gì. Đừng tưởng cứ hai đứa cầm tay nhau là yêu. Ngày hôm nay ở đây, những cậu con trai xứng đáng để được yêu chưa có, và những cô gái xứng đáng để được yêu cũng chưa có. Tại sao? Theo tôi, các cô gái đừng bao giờ yêu một cậu con trai còn phải ngửa tay xin tình phí. Khi cậu con trai chưa làm ra tiền, chưa tự lo được cho bản thân mình thì yêu như thế nào? nương tựa vào nhau như thế nào? Yêu để làm gì? Cho nên, phải có văn hóa để biết phải yêu như thế nào”.
Lứa tuổi học sinh chưa biết yêu là gì?
“Phải đọc thôi. Đọc để có văn hóa, đọc để trở thành người lớn!”.
“Thời chúng tôi xưa rất đói nhưng đời sống văn hóa tinh thần của chúng tôi rất cao, đến nỗi các diễn viên hôm nay còn ghen tị vì chúng tôi đã có những khán giả rất hàn lâm, rất ham đọc. Ngày hôm nay, chỉ cần làm test với các em, hỏi 1 trong 500 nhân vật của Chiến tranh và Hòa Bình là ai thôi, thì tôi đảm bảo 90% các em không biết. Tôi đã từng hỏi điều này ở một trường đại học sư phạm, nơi đào tạo ra những cái “máy cái” (những thầy giáo, cô giáo tương lai – PV), vậy mà trong 300 sinh viên, không một em nào có thể trả lời được. Nếu sang Nga mà không biết Lev Tolstoi, hay sang Trung Quốc mà không biết Hồng lâu mộng, người ta sẽ không cho ăn cơm! Vậy mà ngày nay chúng ta bỏ quên văn hóa, văn hóa đang sa sút, văn hóa đang báo động!”.
“Thế nào là một bản giao hưởng, tại sao lại chỉ có chương lẻ mà không có chương chẵn, các em có biết không? các em đã bao giờ nghe bản giao hưởng số 9 của Betthoven chưa? Đã bao giờ nghe bản giao hưởng định mệnh chưa? Chưa biết những bản giao hưởng đó đừng bao giờ đi ra thế giới, đừng nói chuyện với thế giới, bởi họ sẽ nghĩ mình là một dân tộc trên sao Hỏa. Các em phải học, phải đọc thật nhiều để có tầm của thế giới”.
Quan điểm của tiến sĩ Đoàn Hương đã gây ra những cuộc tranh luận với các ý kiến trái ngược nhau trên nhiều diễn đàn của giới trẻ như linkhay.com, thptcambathuoc.com, chuyenvinhphuc.net, vuontinhnhan.net… Khá nhiều người bày tỏ sự không đồng tình với các quan điểm của tiến sĩ.
Một độc giả báo mạng viết: “Yêu là cảm xúc từ trái tim, không phải từ não đâu mà biết yêu hay không biết yêu. Có ai thấy câu các em chưa biết yêu là gì có tức cười không? Câu đấy cũng tương tự như các em chưa biết buồn là gì, chưa biết vui là gì”.
Thành viên nick anhlinhbeo cho rằng: “Thi vị quá tình yêu, coi những tình yêu trong sách vở là khuôn mẫu nhiều khi sẽ khiến chính bản thân mình gặp khó khăn trong tình yêu. Quan điểm cá nhân: Mỗi cuộc tình là một lần tập dượt cho trái tim, để chín chắn và trưởng thành hơn. Các khái niệm không đáng được yêu, phải tự lập thân mới được yêu... là đá nhầm sang vấn đề hôn nhân gia đình. Tình yêu đẹp nhất là tuổi học trò, cứ ngồi đó tính toán thiệt hơn thì sau này cũng hối tiếc nhiều”.
Đồng tình với ý kiến trên, thành viên nick kedienro bình luận: “Tình yêu thời học sinh, sinh viên là đẹp nhất, trong sáng nhất, không lo lắng tiền bạc, không vụ lợi. Còn yêu theo kiểu tiến sĩ thì là kiểu yêu thực dụng chứ văn hóa cái gì…”. Cũng theo thành viên này, các em teen yêu đại gia theo quan điểm của tiến sĩ Đoàn Hương là đúng rồi, quá có… văn hóa luôn. Còn những học sinh yêu nhau, sinh viên yêu nhau sớm đều kém văn hóa cả.
Về chuyện tiến sĩ Đoàn Hương đề cao “văn hóa hàn lâm” trong tình yêu, một thành viên nhận xét: “Tiến sĩ nói có nhiều cái đúng nhưng có vẻ có lỗi áp đặt suy nghĩ của thế hệ trước cho thế hệ sau. Thế hệ trước thì những bản nhạc giao hưởng, những bộ truyện nổi tiếng là đại diện cho văn hóa.Nhưng thế hệ hiên nay liệu có nhất thiết phải theo chuẩn đó? Cũng giống như ngày xưa văn thơ được dùng làm chuẩn trong thi cử, ngày nay có còn thế? Chính giới trẻ nước ngoài cũng nghe nhạc cổ điển ít dần…”.
Tuy vậy, bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có không ít người tán đồng các lập luận của tiến sĩ Đoàn Hương. Thành viên nick chuvantai bày tỏ: “Mình hoài cổ nên thích quan điểm của tiến sĩ. Ngày xưa giáo dục văn hóa cho giới trẻ còn có sự tham gia chặt chẽ của gia đình, nhà trường, xã hội. Giờ gia đình mải kiếm tiền, xã hội mải đếm tiền còn nhà trường mải thu tiền. Văn hóa không xuống cấp mới lạ”.
Trên diễn đàn Vuontinhnhan.net, thành viên nick For_a_while đưa ra các dẫn chứng về sự nghèo nàn trong “văn hóa yêu” của giới trẻ hiện nay: “Tôi tình cờ đọc một vài bức thư tình của các bạn trẻ, tuổi từ 17 đến 22. Đúng là các bức thư tình đó rất chán và buồn cười, chữ viết thì quá xấu, thua hẳn những bức thư mà hồi nhỏ các bạn học của tôi thường viết, tuy cũng ngây thơ nhưng câu văn mượt mà hơn. Tôi nghĩ, có lẽ họ rất lười đọc sách nên không cảm nhận được. Theo những gì tôi nghe kể từ các phụ huynh và từ chính các bạn trẻ, tôi thấy họ lao vào sex rất nhanh và cũng cho rằng mình đang yêu nhưng khi quan sát hành vi thì tôi nghĩ họ thích có đôi, có cặp như những người bạn khác chứ không phải yêu dù họ cố gắng chứng tỏ cho giống... phim hoặc giống ... nhau”.
Thành viên TanNg (Linkhay) nhấn mạnh đền những giá trị văn hóa trường tồn: “Tuy là mỗi thế hệ đều có sự khác nhau về khẩu vị và thị hiếu nhất thời, không ai có thể chê ai được, nhưng các tác phẩm nghệ thuật, văn hóa đỉnh cao thì lại trường tồn, ví dụ như hai tác phẩm tiến sĩ Hương trích dẫn: Khẩu vị văn hóa hiện tại của mỗi thế hệ là khác nhau, nhưng nhiều cái trong đó là nhất thời, rồi sẽ nhanh chóng trôi đi”.
Thành viên Sir Duke đưa ra nhận xét chung về những ý kiến của tiến sĩ Đoàn Hương: “Sau những lời lẽ khuyên nhủ chưa được khéo léo lắm này là một ý lớn thật sự mang ý nghĩa tích cực và đáng để những người trẻ dừng chân, suy nghĩ...”.
Đất Việt