Vân câm lặng nuốt nỗi buồn vào lòng, bởi cô biết, tất cả cũng chỉ vì mình quá xấu.
“Phụ nữ xấu thì không có quà” – chồng Vân đọc to cái tiêu đề truyện ngắn ấy lên cho cô nghe rồi chép miệng: “Chà! Kể ra người ta cũng nhìn nhận đúng vấn đề thật. Chẳng có người đàn ông nào thấy thích thú khi mang hoa tặng một phụ nữ xấu cả”. Bao năm nay, Vân đã sống bên chồng như một cái bóng, phục vụ chồng tận tụy chỉ vì cô mang ơn anh. Nếu không có anh, chắc đến giờ, Vân vẫn sẽ mang tiếng “ở giá”.
Quả thật, Vân rất xấu. Người đã thấp lại còn thô, nước da ngăm đen, sần sùi, đường nét gương mặt chẳng hài hòa tí nào. Ngày Vân bắt đầu dậy thì, mẹ cô đã lắc đầu với vẻ chán nản: “Con gái người ta xinh đẹp mỹ miều, con gái mình thì quá tội nghiệp!”. Kể từ lúc ấy, Vân ý thức được điểm yếu của mình, cô sống rụt rè và khép kín với tất cả mọi người.
Suốt mấy năm đi học, Vân chẳng bao giờ nhận được hoa, quà vào các ngày lễ. Cô cũng khao khát có được một lần quờ tay xuống dưới hộc bàn và nhận được một bông hoa hồng như những bạn nữ khác trong lớp. Vậy mà tuyệt nhiên không hề có. Duy chỉ có lần, lớp tổ chức 8 – 3 cho đám con gái, Vân mới nhận được hoa từ cậu bạn bàn trên. Nhưng khi tặng hoa cho Vân, cậu ta lại quay mặt đi chỗ khác vì cảm thấy mình bị “mất giá” khi phải tặng hoa cho cô bạn xấu nhất lớp.
Khang thấy mình thật thiệt thòi, thậm chí, có lúc anh còn thấy mình
đã “hy sinh” nhiều quá khi phải lấy một cô vợ xấu như Vân.
(Ảnh minh họa)
Mặc cảm về sự xấu xí của mình cứ ám ảnh lấy Vân. Thế nên khi được Khang yêu và ngỏ lời cầu hôn, Vân đã tin đó là tình yêu đích thực. Vân nghĩ, Khang đã vượt qua định kiến về vẻ bề ngoài để chung sống suốt đời với cô, chứng tỏ, anh ấy là người tốt. Vân đã dốc lòng chăm sóc và phục vụ chồng, những mong làm cho Khang hạnh phúc.
Chỉ có điều, hạnh phúc ấy quả thật quá ngắn ngủi, cứ mỗi lần đi làm về, vứt cặp lên ghế là Khang lại thở dài thườn thượt. Vân có hỏi, anh lại nổi nóng vô cớ: “Ra đường gặp toàn gái đẹp, về nhà nhìn mặt em là anh lại thấy bốc hỏa”. Một vài lần như thế, Vân lại đâm quen với sự nóng giận vô lý của chồng, cô chẳng dám cãi lại, chẳng dám buồn, chỉ coi đó như những lời nói thoảng qua để cho yên cửa, ấm nhà.
Nhưng Khang càng ngày càng quá đáng. Anh chẳng bao giờ đưa Vân đi chơi, chẳng bao giờ tặng Vân bất cứ cái gì, cũng chẳng bao giờ nói một lời ngọt ngào với vợ. Khang thấy mình thật thiệt thòi, thậm chí, có lúc anh còn thấy mình đã “hy sinh” nhiều quá khi phải lấy một cô vợ xấu như Vân. Thế nên Khang nghĩ, anh có quyền cư xử với Vân tệ mạt để “bù đắp” lại những thiệt thòi mà anh phải chịu đựng. Những câu nói nặng nề, gắt gỏng cứ thế đổ xuống đầu Vân ngày một nhiều.
Vân đã quá thấm thía nỗi khổ của một người phụ
nữ bị thua thiệt về nhan sắc.(Ảnh minh họa)
Vân chỉ còn biết tự an ủi mình bằng những giờ phút chơi với con. Cũng may, con gái Vân không xấu. Nó được thừa hưởng những nét đẹp của bố, và với Vân, đó là một sự an ủi không có gì có thể diễn tả được. Vân đã quá thấm thía nỗi khổ của một người phụ nữ bị thua thiệt về nhan sắc nên cô không muốn con phải chịu đựng nỗi khổ ấy.
8 – 3, Khang ăn mặc chải chuốt và thông báo không ăn cơm nhà vì công ty tổ chức tiệc mừng cho các chị em. Vân lại thui thủi đi làm và về nhà cơm nước. Nghe mấy chị đồng nghiệp khoe, chồng mua cho cái này, cái kia, Vân lại thấy tủi thân ghê gớm. Từ ngày lấy nhau đến giờ, ngoài cái nhẫn cưới ra, Vân chẳng nhận được một món quà nào từ chồng. Đôi khi, Vân chỉ cần nghe Khang nói những lời ngọt ngào với mình thôi mà cũng thấy khó khăn.
9h tối, bạn Vân gọi điện líu lo: “Mày sướng nhé! Khi chiều tao thấy ông Khang lượn lờ ở cửa hàng đồ lót. Tao không tiện hỏi, nhưng thấy ông ấy mua nhiều đồ đẹp lắm. Chả bù với chồng tao…”. Giọng cô bạn vẫn sang sảng nhưng Vân chẳng nghe thêm được chữ nào. Với Vân, cái “mệnh đề”: “Phụ nữ xấu thì không có quà” quá đúng. Và Vân cay đắng khi biết rằng, những món đồ lót Khang mua ở cửa hàng sẽ chẳng bao giờ đến tay cô mà nằm ở tay một người phụ nữ xinh đẹp nào đó.
Eva