Ngoài việc dọn dẹp theo giờ, bưng bê, bán quần áo... thì bê tráp cũng là một công việc làm thêm được nhiều bạn sinh viên lựa chọn. Bởi lẽ công việc này nhẹ nhàng và thù lao cũng khá ổn.
Thế nhưng, mới đây một anh chàng lên mạng than thở vì rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi bê tráp. Hí hửng bưng lễ cho gia đình có điều kiện, thế nhưng đến cuối cậu sinh viên năm ba này còn bị gia chủ "bùng" một trăm nghìn tiền công. Chú rể đồng ý trả nếu chàng trai rửa 30 mâm bát. Xui rủi nhân đôi khi lúc mở phong bì bê tráp, chàng trai chỉ thấy có 10 nghìn đồng (thông thường là 50-100 nghìn tùy nơi).
Nam sinh viên này viết: "Đời bê tráp lắm lúc cũng éo le lắm. Em nói thật với các bác, không phải vì đồng tiền thì em cũng chẳng đi làm cái nghề này đâu. Kiếm được đồng tiền của thiên hạ công nhận đúng là khó thật.
Em sinh viên năm 3 vì gia đình hoàn cảnh nên phải bươn trải từ sớm. Từ khi lên thành phố em đã làm đủ thứ nghề trên đời. Nhưng hôm nay đây là lần đầu tiên em gặp phải trường hợp nó éo le như thế này.
Theo thảo thuận ban đầu thì em và chủ nhà đã chốt với nhau tiền công đi bê tráp là 100k (nghìn) chưa kể phong bì bên trong. Hắn còn bảo khi xong việc thì về nhà hắn để ăn cỗ. Nghe hắn cũng có thành ý nên em mới nhận lời.
Nhưng đến khi xong việc em có đến hỏi hắn để xin tiền công thì hắn mới bảo là phải rửa hết 30 mâm cỗ kia thì mới gửi nốt. Em thấy vô lý hết sức nên có phản ánh nhưng hắn vẫn một mực không đưa tiền cho em. Hắn còn bảo: được ăn cỗ là may rồi lại còn đòi hỏi gì nữa.
... nghe xong mà em bực ý, nhà thì giàu mà ki bo... Mày mời tao vào ăn cỗ chứ tao có muốn đâu, giờ lại tính luôn tiền công vào đấy, nghĩ có bực không chứ. Không những thế khi về nhà, em mở phong bì ra thì lại có đúng 10k như thế này đây các bác ạ. Đúng là nhọ... mà".
Đây là phong bao lì xì ít ỏi mà chàng trai nhận được.
Bên dưới bài viết này, nhiều người cũng đồng cảm khi rơi vào tình cảnh còn thảm hơn:
- Của ông còn được 10 nghìn. Tôi đây đi bê tráp cho ông anh thân ở công ty xong còn được cái lì xì không. Ức không nói nên lời.
- Được 10 nghìn vẫn còn nhiều chán. Trước tôi đi bê lễ hộ, cầm phong bao trao duyên 50 chục em trao lại 1 ngàn và tôi ế từ đó tới giờ.
Cũng có người bày cách cho chàng trai dạy cho chú rể ki bo một bài học nhớ đời:
- Cầm mang về vui vẻ thân mật hỏi ngày cưới, đúng ngày cưới mang nguyên quả phong bì đỏ này lên mừng. Bảo em trả lại anh chị phong bì tráp, nhiều quá em không dám nhận. Mong anh chị hạnh phúc như cách anh chị hào phóng với chúng em.
- Nhét lại 10 nghìn đấy vào phong bì, trả lại vào hòm mừng cưới của nhà nó,... ki bo thì mình bố thí lại, nhớ ghi kèm lời chúc "thân ái" loại đấy thì hạnh phúc được bao lâu...
Câu chuyện của chàng trai được dân mạng bàn tán sôi nổi.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)