Khai bút đầu năm
Khai bút đầu năm là một trong những nét đẹp truyền thống tự ngàn đời nay của người dân đất Việt. Theo tục lệ xưa, sau thời khắc giao thừa, khi đất trời vừa chuyển mình sang năm mới, những người trí thức (ông đồ, nhà văn, nhà thơ…) sẽ đốt lư hương trầm bên bàn viết, thảo đôi câu đối.
Những nét chữ đầu tiên trong một năm cũng chính là lời cầu chúc cho một năm bình an, mọi sự tốt lành. Và theo tục lệ, mọi người cũng cho rằng, khi khai bút đầu năm, cần tránh viết những chữ, câu có ý nghĩa xấu và tránh những trục trặc khi khai bút như bị gãy bút, hết mực… Mọi người chọn ngày đẹp, giờ đẹp để viết những chữ đầu tiên cho năm mới, điều đó cũng thể hiện tinh thần hiếu học của dân tộc ta.
Ngày nay, trong ngày đầu năm, các bạn học sinh, sinh viên đặc biệt là các bạn cuối cấp vẫn thường chọn ngày, giờ đẹp để viết những chữ đầu tiên. Đó là lời cầu chúc cho một năm thuận lợi, thi cử đỗ đạt.
Sự phát triển của công nghệ đã mang tới có các bạn trẻ thêm 1 phương tiện biểu đạt mới cho tục khai bút đầu năm là viết lên facebook, blog,...
Dù ngày nay, những tục lệ đã có nhiều thay đổi nhưng, khai bút đầu xuân vẫn là câu chuyện được nhiều người trẻ nhắc đến. Họ coi đó là việc làm thiêng liêng, đánh dấu sự khởi đầu cho một năm học hành, thi cử của mình và cũng là lời tự nhắc nhở bản thân về công việc trong năm tới.
Xin chữ đầu năm
Hình ảnh ông đồ với mực tàu, giấy đỏ đã trở thành 1 hình ảnh điển hình của ngày Tết. Dù rằng, hình ảnh đẹp ấy đang dần vắng bóng thế nhưng tục xin chữ đầu năm vẫn còn được duy trì ở một số nơi mà gần gũi nhất chính là tại Văn Miếu (Hà Nội).
Những nét chữ “phượng múa rồng bay” được viết bằng mực tàu trên nền giấy đỏ, giấy hồng, giấy vàng – những màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, chính là niềm mong ước, là lời cầu chúc của người xin chữ.
Đầu năm, sau khi đi lễ chùa, nhiều cô cậu học trò vẫn giữ thói quen xin chữ để gửi gắm vào đó ước vọng về một năm học hành thành công, thi cử đỗ đạt. Chữ được mang về, treo ở nơi trang trọng để mỗi lần nhìn thấy đều tự nhắc nhở mình phải cố gắng phấn đấu để làm sao xứng, là sao đạt được điều mong như chữ thầy cho.
Việc xin chữ đầu năm của học trò không chỉ mang yếu tố tâm linh, là sự cầu chúc may mắn mà còn là một nét đẹp văn hóa truyền thống và cũng từ đó thấy được tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa của người Việt.
Những năm gần đây, nếu ghé qua Văn Miếu còn có thể nhìn thấy một điều đặc biệt: các ông đồ cho chữ không chỉ có người cao tuổi mà có cả những chàng sinh viên trẻ. Họ chính là sự tiếp nối, là những người giữ gìn để tục xin chữ đầu năm được lưu giữ cho những thế hệ sau.
Mồng 3 tết thầy
“Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, câu nói ấy là sự nhắc nhở với mỗi người về đạo hiếu, về bổn phận làm con và cả sự tri ân, lòng biết ơn đối với những người đã có công sinh thành, dưỡng dục mình.
Truyền thống trọng thầy, trọng chữ đã trở thành một nét đẹp từ ngàn đời nay của người dân Việt Nam. Những câu ca quen thuộc, những lời mẹ cha nhắc nhở mỗi sớm trước khi đến trường hay trong cả những lời thơ giản dị trong cuốn sách giáo khoa cũng dạy ta phải tôn trọng, biết ơn thầy cô.
Ngày Tết thầy đầu năm là dịp để mỗi thế hệ học trò được trở về với thầy cô, để được nói một lời cảm ơn đến những người đã dạy mình từ những nét chữ, con tính đầu tiên. Ngày sum họp đầu năm của thầy trò chỉ đơn giản là để được trò chuyện, được nhìn thấy sự trưởng thành, thành đạt của học trò.
Trong cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị tốt đẹp đã bị đánh mất nhưng với nhiều học trò, ngày mồng 3 tết thầy vẫn còn nguyên ý nghĩa và họ giữ gìn như để tự nhắc mình, tự răn mình phải sống sao cho tốt, cho xứng với công dạy dỗ của thầy cô.
Trồng cây đầu năm
Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân
Những lời dạy giản dị ấy của Bác đã in sâu trong tâm trí của biết bao thế hệ người Việt Nam để rồi mỗi độ xuân về, những mầm xanh mới lại được vun trồng trên khắp cả nước với những lễ trồng cây được phát động sâu rộng.
Và trong nhiều trường học hiện nay, “Tết trồng cây” đã trở thành một trong những hoạt động đầu tiên trong ngày đầu năm mới trở lại trường học. Sau một kì nghỉ lễ dài, thầy trò cùng nhau hào hứng trở lại trường và tham gia vào hoạt động trồng cây để góp phần “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” như lời Bác dạy.
Trồng cây đầu năm không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường mà thông qua đó còn góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh cho thế hệ trẻ. Những bài học từ thực tế như thế này luôn giúp cho các bạn học sinh dễ dàng ghi nhớ hơn để từ đó biết giữ gìn và bảo vệ môi trường sống của chính mình.
Những phong tục đẹp trong ngày tết của học trò vẫn được duy trì cho đến hôm nay, đó là sự trân trọng với quá khứ, là lời nhắc mình phải biết giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Và trong mỗi những phong tục ấy, cũng là sự gửi gắm của học trò về một năm học hành thành công, thi cử đỗ đạt…cũng như là lời nhắc chính bản thân để làm sao xứng với công cha mẹ, thầy cô đã nuôi nấng, dạy bảo.
Theo Baodatviet.vn