Bên cạnh chuyện những bà mẹ chồng khiến con dâu khốn khổ cũng không ít những trường hợp con dâu khiến mẹ chồng “sợ mất mật”.
Con dâu trừng mắt, mẹ chồng cum cúp làm theo
Theo lời nhận xét của hàng xóm nhà bà Bảo (Từ Liêm – Hà Nội) thì Phương vốn là một cô gái có học thức, bằng nọ bằng kia, nên khi về làm dâu con trong nhà, bà Bảo nở mày nở mặt với thiên hạ lắm. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi cô con dâu có học không ngày nào là không khiến mẹ chồng phải nuốt ngược nước mắt vào trong. “Theo thói đời, là người hiểu biết, được ăn học đến nơi đến chốn sẽ biết trên kính dưới nhường. Đành rằng nếu bà Bảo quá quắt, hành hạ con dâu thì con phản kháng thế nhưng không. Từ ngày chị ấy về làm dâu, không ngày nào không thấy bà Bảo ngồi ngoài hiên nhà thở dài hoặc chạy sang hàng xóm ‘tạm trú’ cơn thịnh nộ của chị ấy”, một người hàng xóm nhà bà Bảo cho biết.
Theo như lời những hàng xóm thì cậy thói ăn học đàng hoàng và có bằng thạc sỹ, chị Phương luôn dùng chữ hoặc sự hiểu biết của mình để đối đáp lại với bà Bảo. Bà Bảo vốn hiền lành, lại là người gần như không được ăn học, luôn nghĩ mình kém hiểu biết nên gặp con dâu dữ, hễ mở miệng ra là: “Mẹ biết gì mà nói. Đã không biết thì đừng nói leo. Bảo làm thì mẹ cứ làm đi, cứ thích nhiều chuyện…” khiến bà Bảo phải chua xót, ngậm đắng nuốt cay im lặng. Thói ăn nói tay đôi với mẹ chồng của chị Phương nhiều khi khiến hàng xóm bất bình: “Ai đời, mẹ chồng chưa nói hết câu, con dâu đã trừng mắt, sấn sổ tuôn ra hàng tràng dài. Miệng lưỡi nào cũng không chống đỡ lại được với miệng lưỡi của chị ấy huống hồ là bà cụ hiền lành ấy”.
Cũng có nhiều người từng góp ý chân thành để cô con dâu của bà Bảo rút kinh nghiệm. Thế nhưng cực chẳng đã, góp ý không những không có tác dụng gì mà họ còn nhận được “quà khuyến mại” là những câu nói xỉa xói: “Việc nhà người ta, không khiến các chị quan tâm. Có rỗi hơi thì các chị về lo việc nhà các chị ấy. Tôi chả có gì không phải với mẹ chồng tôi cả”. Nhắc đến con trai bà cụ ở đâu sao để con dâu lấn lướt thì bà cụ gạt nước mắt: “Có than với nó cũng bằng thừa, nó bênh vợ như bênh ông trời, vợ nó cái gì cũng đúng. Vợ nó làm gì cũng có khoa học…”.
Cũng có nhiều người từng góp ý chân thành để cô con dâu của bà Bảo rút kinh nghiệm.
(ảnh minh họa)
Bà Bảo còn kể có hôm bà đi chợ về, gặp con dâu đang dùng tay nhúi liên tục vào trán thằng bé con chị hàng xóm, miệng ngoa ngoắt chửi thì bà vội đi lại và can ngăn con dâu. Chị Phương không những không dừng lại mà còn trừng mắt lên “cảnh cáo” bà: “Ở đây không có chỗ của mẹ, bọn nít ranh này mà không có lý lẽ, giáo dục thì mất dạy hết… Đã bảo không phải việc của mẹ, mẹ đi vào ngay đi…”, thế là bà đành phải nghe theo, xách giỏ đồ ăn đi vào nhà và để mặc con dâu tiếp tục mắng nhiếc thằng bé hàng xóm tội nghiệp chỉ vì trót làm thằng cháu nội của bà ngã trong lúc đùa nghịch.
Hàng xóm nhà bà Bảo thì lắc đầu nguây nguẩy mỗi khi có ai hỏi về cô con dâu học thức: “Bà cụ sợ cô con dâu đó một phép. Trong cái nhà đó thì chị ta là mẹ chồng chứ không phải là con dâu”.
Mẹ chồng thất kinh vì con dâu giỏi… nước mắt
Cả đời làm lụng vất vả, tích cóp được bao nhiêu của nả dồn hết cho cậu con trai duy nhất nên bà Oanh (Đông Anh – Hà Nội) cũng xác định rõ tuổi già của mình sẽ trông cậy hoàn toàn vào vợ chồng cậu con trai. Bởi vậy, lúc con trai tìm bạn gái cũng như lúc kém dâu, bà Oanh cũng xem xét, lựa chọn và nghe ngóng thân thế “con gái nhà người ta” cẩn thận lắm. Thế những ông trời vốn không dễ chiều theo lòng người, cô con dâu mà anh con trai dẫn về cho bà, đẹp người, cẩn thận ý tứ từng lời với bà nhưng có việc gì dù là vô tình nhưng cô thấy mình bị đụng chạm là nước mắt ngắn nước mắt dài chạy về phòng khóc vật vã như bà đã làm gì cay nghiệt lắm.
Cũng vì lẽ đó mà lắm hôm giữa bà Oanh và cậu con trai xích mích. Anh Tùng, con trai bà Oanh thì cho rằng mẹ không làm gì thì tại sao vợ anh lại khóc như mưa như gió, nhất mực đòi về nhà ngoại ở hoặc bắt anh lựa chọn một là ly hôn hai là ra ở riêng. Trong khi đó bà Oanh thì cứ ngây người, không hiểu mình đã phạm phải tội lỗi gì với con dâu, khiến con dâu không hài lòng như thế. Nuôi con trai lớn bằng ngần ấy tuổi đầu, bà đau xót khi anh Tùng vì bực mình mà sẵng giọng với mẹ: “Mẹ làm ơn sống yên cho con nhờ, đừng làm khổ con khổ cháu nữa”. Lần thứ nhất, lần thứ hai, thêm vài lần cô con dâu “sưng mắt” nữa thì sau đó bà không dám nói với con dâu khi mà chưa “uốn mười hai tấc lưỡi” nữa.
Bà cho biết: “Cũng sắp gần đất xa trời rồi, có một mẹ một con mà cứ để nó phải nặng đầu chuyện mẹ chồng nàng dâu thì không ra làm sao cả. Thôi thì tôi cứ ậm ừ đi cho xong”. Cũng từ đó mỗi khi nói điều gì với cô con dâu bà đều phải thăm dò tâm trạng, nếu thấy bất thường là ngay lập tức, câu: “Mẹ xin lỗi con, mẹ vô ý, mẹ thật tệ…”, được tuôn ra tới tấp để bà kịp định thần cô con dâu trước khi cô lao về phòng, úp mặt xuống gối khóc và đợi chồng về rồi kể tội với chồng…
Hay như trường hợp của bà Lan (Thanh Xuân – Hà Nội) cũng chỉ có một anh con trai để nương tựa tuổi già. Con trai bà ăn nên làm ra nên việc hai vợ chồng dễ dàng tậu được nhà riêng để dọn tách bạch khỏi bố mẹ là điều khác dễ dàng. Bởi có điều kiện nên dù chị Mai, con dâu bà Lan biết bà là người khá dễ tính và đã nhường nhịn con cháu hết đỗi nhưng lắm khi chị vẫn khó chịu vì vẫn có những việc bà buộc chị phải theo nếp sống truyền thống trong gia đình. Tuy nhiên biết mẹ chồng vẫn nơm nớp ngày các con, các cháu dọn khỏi nhà nên mỗi lần có điều gì không đồng tình là chị lại tìm cách tung tin khiến bà phải xuống nước.
Thêm anh con trai cứ xuề xòa nửa bênh vợ, nửa nịnh mẹ nên bà Oanh lúc nào cũng ở thế lúng túng “không dám” có ý kiến nặng với cô con dâu. Chị con dâu thì ỷ thế, ngày càng được đà làm càn khiến bà Lan nhiều khi ấm ức phải tìm cách đi đâu đó cho khuây khỏa mới dám về nhà.
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn luôn là vấn đề căng thẳng. Và sự căng thẳng đó xuất phải từ những mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống thường ngày và bởi quan niệm “khác máu thì phải tanh lòng”. Bên cạnh đó, lỗi một phần cũng xuất phát từ người con trai do quá quan tâm đến vợ mà quên mất mẹ, để người mẹ của mình phải chịu áp lực trước thái độ không tốt của những cô con dâu. Nếu người chồng trong những hoàn cảnh này không có thái độ rõ ràng, sẽ dẫn đến những kết luận thiếu sáng suốt và làm tổn thương một trong hai người phụ nữ của đời mình. Do vậy, điều quan trọng là người đàn ông cần phải nói chuyện và phân tích cho vợ về chuyện vừa xảy ra. Khi hiểu ra vấn đề, nếu thực sự người vợ đó là người toàn tâm toàn ý vì gia đình thì cô ấy sẽ sẵn sàng nhận phần thiệt về mình, miễn là mẹ chồng và chồng được vui. Nếu người con trai làm được điều này, mọi vướng mắc giữa mẹ chồng - nàng dâu sẽ được tháo gỡ.
TTVN