Chỉ khi gia đình hòa thuận thì cuộc sống của các thành viên mới suôn sẻ. Tuy nhiên trên đời có một kiểu người như thế này: Họ luôn tỏ ra thân thiện, nhiệt tình khi tiếp xúc với người ngoài. Nhưng khi trò chuyện với người thân, họ lại trở nên cáu kỉnh, thờ ơ. Tại sao lại có tình trạng như vậy?
Bị người thân làm tổn thương và không muốn bày tỏ tình cảm thật lòng nữa
Trong quan niệm truyền thống xã hội, cha mẹ và con cái có vị trí phân biệt cao – thấp rõ rệt, không phải mối quan hệ bình đẳng. Cha mẹ có quyền can thiệp vào cuộc sống của con. Nhưng ngược lại, con cái không được trái lời cha mẹ. Chính quan điểm này khiến nhiều gia đình rơi vào tình trạng mâu thuẫn, căng thẳng.
(Ảnh minh họa)
Cha mẹ rõ ràng rất yêu thương con cái nhưng hiếm khi thực sự tôn trọng và quan tâm đến mong muốn sâu bên trong của con. Thứ họ chôn sâu trong lòng là tình yêu thương nhưng khi bày tỏ tình cảm, họ có thể biến thành những lời nói, hành động gây tổn thương.
Rất ít bậc cha mẹ nhận ra mình đã làm tổn thương con cái. Họ không chịu nhận khuyết điểm, thiếu sót của mình trước con. Trong trường hợp này, khoảng cách có thể dễ dàng hình thành giữa cha mẹ và con cái. Rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong một gia đình như vậy và cuối cùng trở thành kiểu cha mẹ như vậy.
(Ảnh minh họa)
Vì vậy, một số người có mối quan hệ không tốt với cha mẹ không phải vì bất hiếu, cũng không phải vì không trân trọng tình cảm gia đình mà vì đã chịu quá nhiều tổn thương từ cha mẹ. Vì vậy, họ tự tạo ra một cơ chế tự bảo vệ, tránh xung đột với cha mẹ, những người thân.
Chưa đủ trưởng thành và kiêu ngạo
Một số người thực ra có tấm lòng nhân hậu nhưng chưa đủ trưởng thành nên tỏ ra quá kiêu ngạo khi xử lý mọi việc. Họ sẽ lắng nghe cẩn thận những lời khuyên của người ngoài, nhưng lại tỏ ra cáu kỉnh và không muốn tiếp thu những gợi ý của những người thân trong gia đình. Căn nguyên của vấn đề là họ không muốn bộc lộ mặt yếu đuối của mình trước mặt người thân nên sẽ lạnh lùng từ chối mọi ý định tốt.
(Ảnh minh họa)
Ổn định cảm xúc không có nghĩa là bạn không thể đau khổ, buồn bã hay tức giận mà nghĩa là bạn cần học cách đối phó với những cảm xúc này khi chúng xảy ra. Thay vì trao những cảm xúc tồi tệ đó cho người thân, đừng bắt người khác phải chịu những điều tiêu cực từ mình.
Người trưởng thành phải biết cách xử lý cảm xúc, nếu một người chỉ biết đối xử với người thân của mình một cách cáu kỉnh, bực dọc nghĩa là họ chưa trưởng thành. Thực chất, họ đang nói chuyện với người thân của mình theo cách của một đứa trẻ.
Điều chúng ta cần làm đó chính phải tinh tế, cẩn trọng những lời nói và hành động của bản thân để chăm sóc, yêu thương người thân của mình. Cách bạn đối xử với người thân như nào sẽ khiến người ngoài hiểu về con người bạn như thế. Muốn vùng vẫy ngoài biển khơi, muốn đóng vai tốt ngoài xã hội, việc bạn cần làm trước tiên là phải tử tế, chuẩn mực với người thân của mình đã.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)