Con thất tình, cha mẹ bấn loạn
Con gái 16 tuổi hàng ngày luôn nhí nhảnh, yêu đời nên cô Nhung (huyện Bình Chánh, TPHCM) không khỏi lo lắng khi gần đây cháu "trở chứng", bộc lộ sự buồn chán, ít cười nói, không chịu ăn uống… Dù người mẹ gặng hỏi cho đến quát nạt, Minh vẫn không bày tỏ vì sao mình đang chán đời đến thế.
Liên tục nhiều ngày nay, Minh giam mình trong phòng, bỏ ăn, bỏ ngủ, rồi cứ vậy khóc ấm ức… Đến khi dò hỏi người bạn thân của con, cô Nhung mới hay con mình đang thất tình. Cậu bạn mà Minh thân thiết lâu nay công khai theo đuổi một cô gái khác, nói rằng tình cảm với Minh chỉ là ngộ nhận. Cô biết thêm con gái mình đã viết thư, gọi điện, thậm chí khóc lóc cầu xin cậu kia nhưng níu kéo bất thành nên giờ suy sụp như vậy.
"Tôi sốc lắm nhưng đâu biết phải nói với con thế nào, không dám nhắc đến nên giả vờ mắng con lo mà học hành. Không ngờ nó buông lời: "Con chán lắm rồi, chẳng thiết sống nữa", cô bày tỏ. Từ hôm tới giờ, cô Nhung đã phải xin nghỉ việc để ở nhà "canh" con gái, sợ cháu nghĩ quẩn làm bậy.
Nhiều phụ huynh bấn loạn khi con thất tình đòi chết.
Gia đình cô M ở Bình Dương cũng như đang ngồi trên đống lửa khi cô con gái 17 tuổi đã uống thuốc ngủ tự vẫn nhưng may mắn được phát hiện kịp thời. Lâu nay, cô M biết con gái đã có bạn trai nhưng cũng chỉ nghĩ tình yêu tuổi học trò, thích nhau thế thôi chứ không có gì nghiêm trọng.
Nhưng khi cậu bạn kia chuyển trường, nói lời chia tay thì Th con gái cô đã nhiều lần dọa tự tử. Việc níu kéo không thành, Th đã mua thuốc ngủ về uống, nếu gia đình chậm một chút đã không kịp cứu. Sau khi "chết hụt", Th vẫn không hết buồn chán, vợ chồng cô M đã phải gọi cô chị là sinh viên đại học, ngày hè đang đi làm thêm ở thành phố về để canh chừng em gái.
"Cả nhà dạo này như có tang, thật sự tôi không biết phải thế nào vì sợ "sẩy" ra là nó làm liều ngay. Chưa hết, nó còn viết nhật ký bảo giờ chưa chết, để tìm cách "xử" cậu kia đã...", cô M lo lắng.
Không chỉ con gái mới "yếu đuối" trong tình cảm, không ít bạn trai chỉ mới gặp chút trục trặc trong tình cảm cũng đã có thái độ hành vi tiêu cực như bỏ bê bản thân, sa vào rượu chè, hay nghĩ đến cái chết để "kết thúc đau thương". Nhiều trường hợp đã có những em ở độ tuổi cấp 2, cấp 3 đã dại dột kết liễu bản thân vì một chút ghen tuông hay khi bị từ chối tình cảm.
Một phụ huynh có con trai học lớp 10 gửi thư đến cầu cứu chuyên gia tâm lý trong một chương trình tư vấn. Bà nói rằng, con trai mình đang theo đuổi kịch liệt một cô bạn ít tuổi. Thời gian đầu hai đứa cũng thân thiết nhưng mới đây cô bạn này thú nhận mình đã cảm mến người khác làm con trai cô hụt hẫng, đớn đau vô cùng.
Bà mẹ đau khổ: "Cháu không tâm sự với bố mẹ nhưng giờ trong phòng nó ngập tràn rượu và thuốc, những thứ trước giờ nó chưa bao giờ động đến. Nó cũng đang tìm mọi cách níu kéo con bé kia nhưng nếu không được, tôi sợ cháu nó làm điều dại dột thì chắc tôi không sống nổi mất",
Xử lý khéo léo
Không ít bạn trẻ khi gặp vấn đề trong chuyện tình cảm, dù những trục trặc rất nhỏ nhưng vẫn có thể nghĩ quẩn, tìm đến cái chết hiện nay không hề hiếm. Tuy nhiên sự việc thường chỉ được phát hiện khi hậu quả đã rồi nên theo các chuyên gia, với những trường hợp bố mẹ kịp thời nắm bắt "động tĩnh" của con là một may mắn, có thể giúp con vượt qua gia đoạn này.
Ở độ tuổi mới lớn, tình cảm nam nữ là mối bận tân rất lớn của các em. Các em xem nửa kia như là "tất cả cuộc sống" của mình. Các em thường tuyệt đối hóa chuyện tình cảm, tôn sùng, đòi hỏi tuyệt đối ở đối tượng đến mức cực đoan. Nên khi gặp sự cố, các em dễ bị suy sụp và hành động nông nổi.
Điều này phần nào do các em thiếu kiến thức về giới tính để rằng hiểu tình cảm nam nữ ở lứa tuổi này chỉ mới là cảm xúc rung động đầu đời, không có sự bền vững. Nắm được bản chất của vấn đề, các em có buồn bã, đau khổ nhưng sẽ giảm được hành vi làm tổn thương bản thân và người khác.
TS Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TP HCM) cho hay, khi bố mẹ đang suy đoán con mình thất tình thì trước hết cần có động thái thăm bằng cách hỏi han về chuyện bạn bè con, khi thất tình các bạn ứng xử thế nào để con mình có cơ hội để bộc lộ suy nghĩ.
Cha mẹ có thể đọc báo, kể câu chuyện bâng quơ cho con về những trường hợp một số bạn trẻ tự tử vì tình. Qua đó gửi cho con thông điệp: "Trời ơi, mấy bạn này dại dột quá. Sao không tâm sự với cha mẹ, hay với thầy cô, bạn bè để được chia sẻ, biết cách vượt qua trạng thái thất tình hay là cách chinh phục như thế nào chứ đây đâu phải là việc bế tắc gì đâu. Tội nghiệp nhất là bố mẹ mấy bạn, cha mẹ lúc đó làm sao mà sống nổi". Qua đó, sẽ dần gợi mở cho con cách đối mặt với sự việc cũng như trách nhiệm của bản thân.
TS Bích Hồng cho biết thêm, nếu khi con đã mở lời tâm sự, phụ huynh có thể lấy "kinh nghiệm tình trường" của mình ra để chia sẻ với con. Kể rằng, ngày xưa bố mẹ cũng thất tình dữ lắm, lúc đó cũng bế tắc, thấy mình không còn giá trị gì nữa. Nhưng thật may là bố mẹ đã mạnh mẽ vượt qua, cũng nhờ ngày đó "dang dở" sau này mới có cơ hội gặp "một nửa" thật sự của mình.
Bất kể trong trường hợp nào, các chuyên gia nhấn mạnh, người lớn phải cho trẻ bản thân trẻ còn nhiều giá trị, cuộc sống có nhiều thứ cần quan tâm chứ không chỉ mỗi chuyện yêu đường. Cũng như, tạo cho trẻ thói quen chia sẻ, bộc lộ tâm tư được cha mẹ đồng cảm thì trẻ tránh được những suy nghĩ dại dột.
Dân trí