Chúng tôi gặp Liên, một cô gái xứ Thanh chưa đầy 25 tuổi khi cô đang đi chợ chuẩn bị bữa tối. Thực đơn cho bà bầu 5 tháng chỉ là một lạng thịt lợn ba chỉ và mớ rau ngót già úa để có tiền tiết kiệm gửi về cho gia đình. Liên phải sống tách biệt với mọi người và tránh gặp người quen khi làm nghề đẻ thuê.
Kinh nghiệm một lần đẻ thuê đã cho Liên hiểu thế nào là tình mẫu tử. “Người ta sinh ra cái nghề này cũng tốt. Mình có thể kiếm được tiền mà cũng đem lại cái phúc cho người khác, dù có hơi buồn khi phải xa đứa con đã rứt ruột sinh ra”, Liên nói.
Kể về lần đầu tiên đẻ thuê, Liên tâm sự: “Ngày ấy, mình cũng không có thiện cảm với nghề này lắm, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, bố mẹ ở nhà không làm gì ra tiền, mà nợ nần chồng chất nên mình đã nhờ chị bạn giới thiệu với cặp vợ chồng hiếm muộn con cái. Lúc đầu cũng sợ,nhưng sau thấy nhiều người còn sang tận nước ngoài đẻ thuê, mình cũng có ý định theo, nhưng lại thôi vì độ rủi ro cao. Thế là từ đó mình kiếm mối và đẻ thuê trong nước. Lần nào thuận lợi thì kiếm được 50- 60 triệu đồng. Mọi chi phí ăn ở, xét nghiệm họ đều phải chịu cho đến khi đứa bé ra đời”.
Để có được những bản hợp đồng may rủi giá gần trăm triệu đồng, những cô gái này phải chịu không ít tai tiếng, bệnh tật quái ác, thậm chí là những lần hành hạ của ông chủ với lý do “kiểm tra trinh tiết”. Là một phụ nữ có thâm niên đẻ thuê 5 năm và được mệnh danh là “máy đẻ” nên mọi tình huống trớ trêu, dở khóc dở cười, chị Hạnh (quê ở Thái Bình) đều đã trải qua.
Chị cho biết, nghề đẻ thuê thực sự là một nghề nghiệt ngã. Ngoài việc những đứa con trong bụng không phải là kết quả của tình yêu, chị còn phải trải qua rất nhiều điều khủng khiếp cả về thể xác lẫn tinh thần mà không phải ai cũng nghĩ tới. Bằng ấy năm đã cho chị nhiều bài học nhớ đời, cho chị gặp được nhiều loại người trong xã hội. Chị Hạnh vẫn bị ám ảnh bởi lần đầu tiên làm nghề. Khi ấy chị vẫn còn là một một thiếu nữ trong trắng. Hợp đồng đẻ thuê đầu tiên có giá rất cao vì chị vẫn là cô gái còn trinh.
Sau khi tìm hiểu kĩ về đối tác, chị quyết định gặp khách tại nhà trọ của mình để bàn bạc và thỏa thuận hợp đồng. Thông thường phải cả hai vợ chồng đối tác đến nhưng ông ta lấy lý do vợ bị ung thư, đang điều trị tại bệnh viện. Người đàn ông có vẻ chững chạc và từng trải nên chị Hạnh tin tưởng chấp nhận.
Sau khi giới thiệu về gia cảnh và những thông tin cần thiết về bản thân mình, chị được đối tác ra giá hợp đồng 70 triệu, trong đó đưa trước 20 triệu khi có bầu, 20 triệu khi được 5 tháng và 30 triệu sau khi sinh.
Chị Hạnh bàng hoàng nhớ lại: “Khi chưa kịp ký tên vào hợp đồng, tôi giật mình vì tiếng cửa đóng sầm lại. Rồi người đàn ông trút bỏ bồ đồ đang mặc trên người, lao vào tôi. Tôi sững sờ, chưa kịp kêu lên thì đã bị thân hình cao to của gã đè lên khiến tôi ngộp thở. Gã nghiến răng: 'Mày muốn có nhiều tiền thì tao phải kiểm tra trinh tiết trước đã'. Tôi đau đớn không thể nói lên lời”.
Sau nỗi đau mất đi cái quý giá nhất đời con gái, chị mới sực nhớ bản hợp đồng 70 triệu. Nhưng khi đó điện thoại của gã tắt máy, chị sững sờ biết mình rơi vào bẫy của gã “yêu râu xanh”.
Với những người đẻ thuê như chị Hạnh, mỗi lần mang thai là một kỷ niệm đáng nhớ. Vui có, buồn có nhưng phần lớn là những ký ức đau thương, mất mát.
“Tôi làm nghề này nhiều năm, cũng quen biết nhiều phụ nữ có hoàn cảnh giống mình. Có người ngay từ lần đầu tiên đã bị mắc những căn bệnh quái ác như lậu, giang mai… mà không biết. Từ đó, họ mất tất cả, không còn sinh con được mà cũng khó kiếm tiền. Có người còn trở thành nô lệ tình dục của ông chủ. Chị ta quan hệ với ông chủ cả tháng trời mà không có thai, mãi đến khi gặp vợ ông ta, mới tá hỏa là ông này thèm của lạ mà không có tinh trùng”.
Nghề đẻ thuê dù kiếm được nhiều tiền nhưng mất nhiều hơn được. Dù sau mỗi lần “tai nạn” họ đều rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, nhưng cuộc đời ai biết được chữ “ngờ”. Dù có sống hết đời người cũng không thể trải hết những thăng trầm như vậy.
Họ còn tiếp tục thì những nguy hiểm vẫn còn rình rập, vây quanh dù có nhiều kinh nghiệm đến đâu chăng nữa.
Nguoiduatin